Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐập Tam Hiệp lần đầu xả lũ: lo ngại khả năng vỡ...

Đập Tam Hiệp lần đầu xả lũ: lo ngại khả năng vỡ đập

Truyền thông Trung Quốc chính thức lên tiếng đập Tam Hiệp đã tiến hành đợt xả lũ đầu tiên trong năm nay vào ngày 29-6, giữa bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng vỡ đập.

Tam Hiệp – đập thủy điện lớn nhất thế giới nằm chặn sông Trường Giang ở Trung Quốc – đã trở thành trung tâm của sự chú ý trong những ngày gần đây, khi tình trạng ngập lụt được ghi nhận tại nhiều nơi nằm ở hạ nguồn của con đập này.

Thử thách năng lực chống lũ

Đập Tam Hiệp được xây với 3 mục đích chính là sản xuất điện, kiểm soát lũ và hỗ trợ giao thông đường thủy. Nhật báo Kinh tế Hong Kong ngày 29-6 bình luận: “Mưa lớn ở miền nam không ngừng, thử thách năng lực chống lũ của đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang”.

Giới quan sát thời gian qua đã đặt nghi vấn liệu lũ lụt những ngày qua ở các địa phương nằm gần đập Tam Hiệp có liên quan tới việc con đập này xả lũ hay không. Đến chiều 29-6, Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin: “Đập Tam Hiệp tiến hành đợt xả lũ đầu tiên trong năm nay”.

Theo Tân Hoa xã, do ảnh hưởng của mưa lớn ở khu vực trung và thượng lưu sông Trường Giang, lượng nước đi vào hồ chứa Tam Hiệp không ngừng tăng. Để giải phóng một lượng nước có khả năng gây lũ lụt trong tương lai, sáng 29-6 đập Tam Hiệp đã mở cống xả nước.

Trong khi hầu như tờ báo chính thống Trung Quốc đại lục nào những ngày qua đều không đăng các bài viết đặt nghi vấn về sự an toàn của đập Tam Hiệp, truyền thông Đài Loan, Hong Kong và nhiều người dùng mạng xã hội nước ngoài lại hoài nghi về năng lực của con đập trong mùa lũ năm nay.

Chẳng hạn, báo Taiwan News cho biết chuyên gia thủy lợi Trung Quốc Vương Duy Lạc, hiện sống ở Đức, đã đặt nghi vấn về sự an toàn của công trình này và cảnh báo con đập có thể vỡ bất kỳ lúc nào.

Đây không phải lần đầu tiên đập Tam Hiệp bị đặt vào vòng nghi vấn về độ an toàn. Năm 2019, sau khi xuất hiện ảnh Google Maps cho thấy đập Tam Hiệp dường như bị biến dạng, Thời báo Hoàn Cầu đã dẫn lời chuyên gia Trung Quốc bác bỏ tin đồn.

Lúc đó, tờ báo này dẫn lời ông Quách Tấn, nghiên cứu viên tại Viện cơ học công trình thuộc Cục Địa chấn Trung Quốc: “Đập Tam Hiệp là một dự án tuyệt đối an toàn, có thể tồn tại lên tới 1.000 năm. Ngoài trọng lực Trái đất, không có ngoại lực nào, dù là lũ lụt hay động đất, có thể làm con đập biến dạng”.

Ông Quách lưu ý thực tế tất cả con đập đều trải qua quá trình biến dạng nhất định hằng ngày do lực hấp dẫn của Trái đất, miễn là biến dạng nằm trong phạm vi đã tính toán thì mọi thứ đều an toàn.

Với một công trình lớn như đập Tam Hiệp và được xem là niềm tự hào về tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc, bất kỳ vấn đề gì với con đập đều có thể gây bất an cho người dân nước này. Do đó cả báo chí và giới chuyên gia tại Trung Quốc thời gian qua luôn phản bác những thông tin vừa mơ hồ vừa gây bất lợi từ bên ngoài.

Mưa lũ kéo dài

Trong bối cảnh nhiều nghi vấn xung quanh đập Tam Hiệp dấy lên, tình trạng mưa lũ vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc. Ngày 29-6, Đài Khí tượng trung ương Trung Quốc đã phát cảnh báo mưa to màu xanh (thấp nhất trên thang 4 màu) và đây là ngày thứ 28 liên tục đài này phát các cảnh báo mưa to ở Trung Quốc. Cảnh báo cho thấy trong hai ngày 29 và 30-6, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra tại 11 tỉnh như Chiết Giang, An Huy và Hồ Bắc.

Một vài trong số những tỉnh này sẽ có lượng mưa lên tới 70mm mỗi giờ, đi kèm là gió mạnh và sấm chớp. Trung tâm cũng khuyên chính quyền các địa phương chú ý đề phòng ngập lụt, sạt lở và ngừng các hoạt động ngoài trời tại những khu vực nguy hiểm.

Trong tuần này, mưa lớn được dự báo sẽ tấn công nhiều khu vực ven biển phía đông Trung Quốc sau khi gây ngập lụt cho nhiều nơi ở tây nam nước này, khiến nhà cửa và các điểm du lịch ngập trong nước, buộc sơ tán khoảng 744.000 người.

Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết mưa lũ năm nay ở Trung Quốc đến nay đã ảnh hưởng tới 26 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc và gần 14 triệu người. Hiện lưu vực sông Trường Giang đã bước vào mùa lũ chính và đây là một giai đoạn quan trọng để kiểm soát lũ.

Kể từ hôm 20-6, mưa lớn ở nhiều khu vực trung lưu và hạ lưu Trường Giang đã dẫn tới nước lũ vượt mức cảnh báo trên 58 con sông ở 12 tỉnh thành gồm Trùng Khánh, Tứ Xuyên và Quý Châu.

Các khu vực dọc hai bờ Trường Giang và các nhánh của con sông này thường chịu cảnh lũ lụt vào mùa hè ở Trung Quốc. Chính quyền đã hứa hẹn sẽ giảm thiểu thiệt hại do lũ tại nhiều khu vực, trong đó có thành phố Vũ Hán nằm bên bờ con sông và là nơi vốn đã chịu ảnh hưởng nặng do COVID-19.

Nếu mưa lũ tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày tới, năng lực của con đập sẽ bị thách thức như trang Nhật báo Kinh tế Hong Kong bình luận. Và có lẽ những nghi vấn về con đập này sẽ còn tiếp tục.

Ý tưởng trăm năm

Ý tưởng xây dựng đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang đã có từ cách đây cả trăm năm. Năm 1918, nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn đã đề xuất xây dựng con đập này. Sau đó, nhiều chuyên gia tiến hành khảo sát và lên kế hoạch xây đập. Tuy nhiên, vì những lý do lịch sử và thiếu nguồn lực, con đập vẫn chỉ là một giấc mơ xa xôi.

Trước khi đập Tam Hiệp được xây dựng, người dân sống ở vùng trung lưu và hạ lưu Trường Giang đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của do lũ lụt. Chỉ năm 1931, lũ lụt đã phá hủy 333.000ha đất trồng trọt và cướp đi sinh mạng của 145.000 người.

Đến năm 1992, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua dự án và đến năm 2006, việc xây dựng con đập cao 185m này hoàn thành.

RELATED ARTICLES

Tin mới