Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 có gì đáng...

Biển Đông trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 có gì đáng chú ý?

Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 coi Biển Đông là vấn đề hệ trọng liên quan đến an toàn, an ninh khu vực.

Biển Đông được đề cập chi tiết

Trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra tại Hà Nội ngày 26/6, vấn đề Biển Đông được đặc biệt quan tâm và được dành một thời lượng khá lớn trong phần “Các vấn đề trong khu vực và quốc tế và diễn tiến”.


Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Chi tiết vấn đề Biển Đông được nêu rõ như sau: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông và ghi nhận lợi ích của việc giữ Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ toàn bộ Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002. Chúng tôi được khích lệ bởi những bước tiến mạnh mẽ trong việc đàm phán hướng đến việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Đông một cách hiệu quả và bền vững, theo đúng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Chúng tôi hoan nghênh việc hoàn tất xem xét lần đầu Văn bản dự thảo sơ bộ về COC.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường niềm tin giữa các bên. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.

Chúng tôi cũng đã thảo luận về tình hình Biển Đông và bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo, những diễn biến gần đây, trong đó có những hành động và vụ việc hết sức nghiêm trọng làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hoàn bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy xây dựng niềm tin chung, kêu gọi các bên kiềm chế không có hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định cũng như tránh những hành động có thể tiếp tục làm phức tạp tình hình và theo đuổi các giải pháp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình theo các nguyên tắc được công nhận trên toàn cầu theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Chúng tôi tái khẳng định UNCLOS 1982 là nền tảng cơ bản nhằm xác định các thực thể trên biển, chủ quyền hợp pháp và những lợi ích hợp pháp tại các vùng biển và UNCLOS 1982 đã tạo ra những khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ các hoạt động tại các đại dương và vùng biển.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế mọi hoạt động của các bên có liên quan và các quốc gia khác, bao gồm cả những nước được đề cập trong DOC, có thể tiếp tục gây phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Tuyên bố gây nhiều sự chú ý

Ngay sau khi Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 được công bố, bản Tuyên bố này đã gây được sự chú ý của các hãng truyền thông lớn trong khu vực và trên thế giới cũng như những tuyên bố của quan chức, học giả ASEAN và quốc tế.

Hãng tin Reuters chạy dòng tít “Trong dịch bệnh, các quốc gia Đông Nam Á cảnh báo về những diễn biến “đáng báo động” ở Biển Đông” và dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh giá: “Ngay cả khi các nước trong khu vực nỗ lực để kiềm chế Covid-19, nhiều diễn biến đáng báo động vẫn đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế không làm leo thang căng thẳng và thực thi trách nhiệm của mình theo đúng luật pháp quốc tế”.

Trong bài viết có dòng tít “Lãnh đạo các nước ASEAN cảnh báo về căng thẳng ở Biển Đông”, hãng tin Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha kêu gọi các nước ASEAN cần hợp tác nhằm “tăng cường đoàn kết khu vực, tránh bị ép phải chọn phe cũng như trở thành bàn đạp cho các cường quốc gây áp lực với các quốc gia nội khối”.

Trong khi đó, tờ Express của Anh dẫn nội dung Twitter của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này”.

Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ cũng dẫn lại Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ngày 26/6.

Tờ New York Times của Mỹ dẫn lời Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia trong bài viết có dòng tít: “ASEAN nêu quan điểm về yêu sách chủ quyền lịch sử trên biển của Trung Quốc”, đánh giá, vấn đề Biển Đông được nêu trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 “là một phản ứng mạnh mẽ trước những yêu sách của Trung Quốc”, bản tuyên bố này cho thấy “sự thay đổi đáng kể về quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.

Như vậy, có thể thấy, cũng giống như nhiều Hội nghị Cấp cao ASEAN trước đó, vấn đề Biển Đông một lần nữa lại thu hút sự quan tâm lớn của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trong lần ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020, vấn đề Biển Đông đã trở thành một nội dung được ưu tiên đặc biệt liên quan đến các vấn đề trong khu vực và thế giới. Các quốc gia ASEAN cũng đã nêu ra quan điểm trực diện và mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu duy trì Biển Đông trở thành khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới