Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp có các hành vi hung hăng, gây hấn khi tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận trên Biển Đông.
Trung Quốc quá tự tin?
Chuyên gia quân sự Wei Dongxu trả lời trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho biết: Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc đã điều một nhóm khu trục hạm và khinh hạm ra tuần tra ở Biển Đông từ hôm 16-6.
Trung Quốc cũng có cuộc tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trái phép. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 5/7.
Cùng thời điểm này, chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục áp sát và đi vào không phận của đảo Đài Loan. Các máy bay Trung Quốc còn nhiều lần cố tình chặn đường và xua đuổi chiến đấu cơ Mỹ di chuyển ngang qua.
Tình trạng căng thẳng cũng diễn ra ở các khu vực tranh chấp lãnh thổ ở biên giới Ấn – Trung khi Tập đoàn quân số 74 của Trung Quốc được điều ra đây để diễn tập pháo kích. Tập đoàn quân này thông thường chỉ tham gia các đợt tập trận đổ bộ đánh chiếm Đài Loan.
“Quân đội Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng biên giới với Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Họ đang quân sự hóa Biển Đông và tuyên bố chủ quyền phi pháp tại đó, đe dọa các tuyến đường biển sống còn”, Hãng tin ANI của Ấn Độ dẫn lại lời của ông Pompeo.
Theo trang Press Trust of India, vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15-6 là cuộc đối đầu lớn nhất giữa quân đội hai nước sau các cuộc đụng độ ở đèo Nathu La vào năm 1967. Đây cũng là vụ đụng độ dẫn tới chết chóc đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1975.
Binh sĩ Trung Quốc được cho là đã sử dụng đá, gậy sắt có hàn đinh khi đối đầu với binh sĩ Ấn Độ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2020, ông Pompeo cũng cáo buộc Trung Quốc có hành vi “lưu manh” với các nước láng giềng.
Mới đây, Trang Rappler đưa tin tàu hàng Trung Quốc Vienna Wood rạng sáng hôm 28-6 (giờ địa phương) đã va chạm với tàu cá Liberty Cinco của Philippines mang số hiệu ngoài khơi vùng biển phía Tây Bắc nước này khiến 14 ngư dân trên tàu mất tích.
Truyền thông Philippines khi đó cho biết sau khi đâm chìm tàu cá Philippines, tàu Trung Quốc đã lập tức chạy khỏi hiện trường, bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines giữa biển khơi. Sau đó, những thuyền viên này được một tàu cá Việt Nam gần đó phát hiện và giải cứu.
Vài ngày sau khi xảy ra vụ việc, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên Twitter rằng ông đã ủy quyền cho Đại sứ quán Philippines tại Anh gửi thư “cầu khẩn” lên Liên Hợp Quốc và Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO).
Trước đó, vào ngày 9/6/2019, chiếc tàu cá Gem-Vir 1 của Philippines bị tàu Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm gần bãi Cỏ Rong, phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sai lầm của Trung Quốc
Với các động thái trên, ông Wei tuyên bố Trung Quốc đã chứng minh được “sức mạnh quân sự vượt trội”, làm chùn bước “ý đồ phát động chiến tranh” của Mỹ và Ấn Độ.
Về vấn đề này, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: Việc Trung Quốc tiết lộ sắp tập trận ở Biển Đông ẩn chứa thông điệp gửi đến ASEAN về việc Bắc Kinh sẵn sàng bất chấp, không từ bỏ cái họ gọi là “lợi ích cốt lõi”. Trong đó, Trung Quốc muốn dụ ngôn rằng nước này sẽ không bao giờ từ bỏ những gì mà họ xem là lợi ích. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng muốn thể hiện không ngần ngại sức mạnh của Washington trong khu vực.
Tương tự, việc Trung Quốc đại lục tăng cường điều động quân đội hoạt động ở eo biển Đài Bắc cũng chỉ mang thông điệp đe dọa. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, thì với những gì Trung Quốc đang làm, sẽ càng đẩy eo biển Đài Loan và Biển Đông đứng trước các mối bất ổn, thậm chí tiềm ẩn những rủi ro khó lường vì các sự cố quá đà.
Mới đây, theo tờ Times of India ngày 1-7, chính phủ Ấn Độ thời gian qua đang do dự về việc có nên cho doanh nghiệp TQ tham gia phát triển công nghệ 5G ở nước này hay không. Tuy nhiên, quan điểm chung đang dần chuyển sang quyết định cấm cửa hoàn toàn. Đáng chú ý, New Delhi hôm 29-6 cũng vừa ban lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại thông minh của TQ với cáo buộc chứa mã độc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Bên cạnh việc tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng, cuộc tập trận chỉ cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực. Hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông chỉ chứng minh các chỉ trích về việc gây hấn của Trung Quốc là đúng.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: Bắc Kinh đang gây bất ổn trên nhiều “mặt trận” chỉ gây lãng phí nếu so với những gì Trung Quốc tìm cách chứng minh”. TS Nagao chỉ ra 3 lý do sau cho nhận định trên.
Một là, việc Trung Quốc cố chứng tỏ rằng nước này đủ sức đảm đương cùng lúc nhiều “mặt trận” chỉ cho thấy đó là vấn đề mà Bắc Kinh đang lo ngại. Thực tế, chỉ khi lo ngại vấn đề gì đó thì người ta mới tìm cách chứng minh.
Thứ hai, những hoạt động này của Trung Quốc thực tế không chỉ dành cho cộng đồng quốc tế mà còn nhằm “đối nội” với dư luận trong nước. Trung Quốc có lẽ đang lo ngại tình hình bệnh dịch dẫn đến kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, khiến cho dư luận nội bộ bất bình, nên chính phủ nước này đang tìm cách chuyển mối quan tâm sang các vấn đề bên ngoài.
Thứ ba, giới lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc đang đánh giá sai về nhận thức của các nước xung quanh đối với Bắc Kinh. Trước các hành vi hung hăng, gây hấn của Bắc Kinh thì ngày càng có nhiều nước thấy rõ Trung Quốc là mối đe dọa. Trước một mối đe dọa, các quốc gia khác tất nhiên phải tìm kiếm biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, bài phân tích của tờ Hoàn Cầu thời báo nhấn mạnh việc Ấn Độ cho rằng nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, hay các quốc gia khác, thì chỉ là “ảo ảnh”. Tuy nhiên, thực tế khi các nước có cùng một mối lo ngại thì sẽ cùng hướng đến việc phối hợp với nhau để ngăn chặn là điều hiển nhiên.
“Chính vì thế, cách Trung Quốc thể hiện sẵn sàng mở ra nhiều mặt trận cùng lúc sẽ chẳng thể thành công”, TS Nagao đánh giá.