Mực nước sông Mê Kông vẫn ở mức thấp trầm trọng, trong khi Việt Nam, Campuchia và Thái Lan kêu gọi xem xét lại dự án xây đập thủy điện Sanakham ở Lào.
Một đoạn sông Mê Kông khô hạn vào tháng 10.2019, cách đập Xayaburi của Lào khoảng 300 km về phía hạ nguồn
Theo tờ Pattaya Mail, Cục quản lý tài nguyên nước Thái Lan (NWA) vừa cho hay tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc vẫn chưa khiến mực nước sông Mê Kông dâng cao.
Do mưa lớn kéo dài, cơ quan chức năng Trung Quốc đã khẩn cấp xả lũ từ nhiều hồ và đập nên NWA theo dõi sát sao mực nước ở Thái Lan. Kết quả cho thấy sông Mê Kông chưa bị ảnh hưởng vì lũ lụt tại những khu vực ở Trung Quốc không liên quan đến thượng nguồn dòng sông này.
Theo thỏa thuận Hợp tác Mê Kông – Lan Thương, Trung Quốc sẽ thông báo đến các nước thành viên trước khi xả thêm nước ở đập Cảnh Hồng vào sông Mê Kông.
NWA cho hay các trạm thủy văn ở Chiang Rai và Ubon Ratchathani (Thái Lan), Luang Prabang và Pakse (Lào) và Cảnh Hồng (Trung Quốc) ghi nhận mực nước trong ngày 29.6 vẫn dưới mức thấp nghiêm trọng.
Nguồn nước chính của sông Mê Kông chảy từ tuyết tan trên cao nguyên Tây Tạng, bên cạnh lượng mưa dọc theo lưu vực. Nước từ Tây Tạng còn đổ vào sông Thanlwin (chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan) và sông Dương Tử ở Trung Quốc.
Trong khi đó, sông Mê Kông đoạn chảy qua Trung Quốc được nước này gọi là Lan Thương, với đoạn hạ nguồn chảy qua Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.
Liên quan đến dự án đập thủy điện Sanakham ở Lào, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) ngày 1.7 cho hay tổ chức này vừa hoàn tất quy trình tham vấn trước kéo dài 6 tháng.
Theo đó, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đề nghị Lào tiến hành nghiên cứu chặt chẽ về đánh giá tác động xuyên biên giới và tăng cường các biện pháp đề xuất nhằm giảm thiểu tác động từ dự án này với công suất 1.460 MW.
Tại cuộc họp vào ngày 30.6, Ủy ban hỗn hợp MRC thông quan kế hoạch nhằm áp dụng tuyên bố chung và đưa ra cơ chế, nền tảng cho việc tiếp tục báo cáo về tiến triển và vận hành của dự án này của Lào trên sông Mê Kông.