Sunday, May 5, 2024
Trang chủĐàm luậnGiọt nước tràn ly

Giọt nước tràn ly

Đẩy lùi được Repson – một công ty của TBN ra khỏi Dự án Cá Rồng Đỏ cũng chưa hẳn là thắng lợi. Thậm chí, có khi còn “lợi bất cập hại”, vì biết đâu, sẽ khiến VN hết sức chịu đựng và quyết tâm sử dụng công cụ pháp lý để kiện TQ ra một tòa án quốc tế về vấn đề chủ quyền.

Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền và quyền tài phán của VN

Câu chuyện liên quan thông tin Công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha (TBN) quyết định chuyển nhượng lại cổ phần 3 lô dầu khí vốn không hoạt động được trong những năm qua cho PetroVietnam.

Ngược thời gian 3 năm về trước, vụ việc đã bắt đầu âm ỉ ngay khi Công ty dầu khí Repsol của TBN bắt tay với VN trong việc thăm dò, khai thác lô 136-03, VN gọi là Dự án Cá Rồng Đỏ, nằm ở rìa phía đông nam, thuộc khu vực bãi cạn Tư Chính, vùng VN tuyên bố đặc quyền kinh tế. Khi đó, tháng 7/2017, một công ty con của Repson – xác nhận đã phát hiện một mỏ khí đốt lớn.

Trong bối cảnh biển Đông đang cực kỳ căng thẳng, thông tin này trở nên quá nhạy cảm. Là nước có yêu sách chủ quyền 90% biển Đông, thông qua các kênh ngoại giao, TQ yêu cầu VN ngừng triển khai khai thác. Thậm chí, Bắc Kinh còn đe dọa Hà Nội sẽ phải trả giá, nếu tiếp tục để Công ty Repson thực hiện dự án, cho dù Repson đã chi hơn 300 triệu đô la cho các hoạt động liên quan hạ tầng khai thác khu vực này.

Trong các nước có tuyên bố chủ quyền biển Đông, VN luôn bị TQ gây hấn nhiều hơn cả, nhưng cũng là nước thể hiện rõ và mạnh mẽ nhất quyền chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông.

Cũng vì thế, VN luôn là nước “va” với TQ nhiều nhất. Cuộc đấu không khoan nhượng, nhưng cũng rất khôn khéo và hiệu quả với TQ trong vụ tàu Bình Minh 2 năm 2012, vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, hay vụ Tư Chính năm 2019, thể hiện rất rõ điều đó.

Nhưng về “vụ Repson” này, theo các nhà quan sát, VN không thể chủ động hoàn toàn vì TQ tìm đủ mọi cách để gây sức ép. Đặc biệt, TQ giở “thâm kế”: dùng quyền ảnh hưởng từ việc nắm giữ cổ phần ở Repsol Brazil.

Cụ thể, giới nghiên cứu đều biết, tập đoàn Sinopec của TQ từng chi 7,1 tỷ USD mua 40% cổ phần của Repsol, chi nhánh Brazil năm 2010. Vậy nên, tiếng nói của TQ, trong trường hợp này thực sự “nặng đồng cân”, khiến các đối tác, cho dù có sự cam kết mạnh mẽ từ phía nào chăng nữa, cũng không thể xem thường.

Trong thực tế, với sự gia tăng sức ép cả về ngoại giao và thực địa của TQ, tháng 7/2017, Repsol đã phải ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ. Chưa đầy một năm sau đó, Repsol, một lần nữa, phải dừng hoạt động gần như hoàn toàn tại mỏ dầu khí này.

Phải trả lại 3 lô thăm dò dầu khí trong hơn 2 năm, đó là điều không Repson không muốn, ngay cả khi được bồi thường chi phí. Nhưng sự quấy nhiễu, đe dọa một cách ngang ngược của TQ khiến họ không thể tiến hành các hoạt động thương mại liên quan mỏ dầu được đánh giá là có trữ lượng rất lớn này.

Những năm qua, ngành dầu khí VN có những phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, với tiềm lực hiện có, PetroVietnam vẫn còn khó khăn. Họ sẽ không có đủ nguồn lực để tự mình phát triển các lô dầu khí mà Repsol vừa trả lại và sẽ phải tìm các đối tác nước ngoài để cùng hợp tác và khai thác. Đương nhiên, nếu điều đó xảy ra, VN đủ khôn để chọn một đối tác ngang cơ để TQ không dễ chi phối và đe dọa.

Về phía TQ, việc đẩy lùi được Repson – một công ty của TBN ra khỏi Dự án Cá Rồng Đỏ cũng chưa hẳn là thắng lợi. Thậm chí, có khi còn “lợi bất cập hại”, vì biết đâu, “giọt nước tràn ly” này sẽ khiến VN hết sức chịu đựng và quyết tâm sử dụng công cụ pháp lý để kiện TQ ra một tòa án quốc tế về vấn đề chủ quyền.

Một vụ kiện như thế, theo đánh giá của dư luận, phần thắng nghiêng về VN là điều chắc chắn. Và dù chưa làm, nhưng hẳn VN đã âm thầm chuẩn bị hồ sơ pháp lý từ lâu, ít nhất là từ vụ “tàu Bình Minh 2” năm 2012.

RELATED ARTICLES

Tin mới