Động thái Trung Quốc và Mỹ tăng cường hiện diện quân sự, tiến hành các cuộc tập trận khiến cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.
Tiêm kích F-18 bay qua tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận trên Biển Đông. (Ảnh: US Navy)
Thông điệp cứng rắn của Mỹ
Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan “đã thực hiện một số cuộc tập trận chiến thuật được lên kế hoạch để tối đa hóa khả năng phòng không, và mở rộng phạm vi tấn công chính xác bằng máy bay trên tàu sân bay”, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho hay.
Phát ngôn viên tàu USS Ronald Reagan, Trung úy Sean Brophy cho biết đây là lần đầu tiên 2 tàu sân bay Mỹ tác chiến cùng nhau ở Biển Đông kể từ năm 2014.
“Những nỗ lực này hỗ trợ cho các cam kết lâu dài của Mỹ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép”, tuyên bố của Hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Khi lực lượng Mỹ bát đầu tập trận ở Biển Đông vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ, Hải quân Trung Quốc đã kết thúc 5 ngày tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thông tin chi tiết về tập trận của Trung Quốc không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo Thời báo Hoàn cầu, đây là cuộc tập trận “chuyên sâu” của Hải quân nước này.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngụy biện các cuộc tập trận ở Biển Đông của nước này là nằm “trong phạm vi chủ quyền và hợp pháp”. Trong nhiều năm qua, nước này đã xây dựng trái phép các công sự quân sự trên một số thực thể trên Biển Đông.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi trong năm nay, Washington tăng dần cường độ hoạt động ở Biển Đông, tổ chức các hoạt động tự do hàng hải gần các đảo do Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Đồng thời, máy bay ném bom thuộc Không quân Mỹ xuất hiện dày đặc tại khu vực, thực hiện các cuộc tập trận chung với các đối tác như Nhật Bản và Singapore.
Tuy nhiên, việc triển khai 2 tàu sân bay vào cuối tuần qua, mỗi chiếc chứa 60 máy bay, cũng như các tàu tuần dương và tàu khu trục tên lửa hộ tống, khẳng định tuyên bố rõ ràng của Washington đối với Bắc Kinh. Theo đó, Mỹ sẽ không nhượng lại bất kỳ ảnh hưởng nào trong khu vực cho Trung Quốc.
“USS Nimitz và USS Ronald Reagan tạo thành lực lượng chiến đấu cơ động và hiệu quả nhất trên thế giới, ủng hộ cam kết của Mỹ đối với các thỏa thuận quốc phòng chung với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết.
Trong khi đó, Bắc Kinh coi sự hiện diện quân đội Mỹ trong khu vực là gây bất ổn. “Một số quốc gia ngoài khu vực thường xuyên vượt hàng nghìn dặm, tiến về Biển Đông để tham gia vào các hoạt động quân sự quy mô lớn, và phô trương sức mạnh. Đó là lý do cơ bản ảnh hưởng đến sự ổn định ở Biển Đông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 3/7.
Đọ sức mạnh hải quân
Nhà phân tích Carl Schuster, cựu Giám đốc tại Trung tâm Tình báo Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho biết các cuộc tập trận với sự tham gia của tàu sân bay cho thấy, chỉ có Hải quân Mỹ mới có sức mạnh như vậy tại thời điểm này.
Trung Quốc cũng có tàu sân bay hoạt động ở khu vực, song các tàu này không có kích thước và khả năng mang nhiều máy bay như 2 tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Trước khi đến Biển Đông, 2 tàu sân bay này vừa kết hợp với tàu USS Theodore Roosevelt, hoàn thành nhiệm vụ diễn tập ở Biển Philippines.
Chuyên gia Carl Schuster cho biết: “Quy mô khác nhau về sức mạnh chiến đấu được thể hiện trong các cuộc tập trận giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân Mỹ sẽ là điều rất đáng chú ý. Điều này chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Washington đối với Bắc Kinh. Cuộc tập trận của Mỹ cho thấy sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ”.
Theo ông Schuster, việc vận hành 2 tàu sân bay ở Biển Đông có thể sẽ phức tạp hơn so với điều phối 3 tàu sân bay của Mỹ ở Biển Philippines. “Biển Philippines là đại dương mở, trong khi Biển Đông gắn liền với các yêu sách trên không và trên biển”, ông Schuster phân tích.
Không dừng lại ở đó, Mỹ đã tăng cường hỏa lực trong các cuộc tập trận với sự hiện diện của máy bay ném bom B-52 bay cùng với máy bay chiến đấu từ các tàu sân bay.
Máy bay ném bom B-52 đã bay 28 giờ không ngừng từ căn cứ ở Louisiana để tham gia tập trận ở Biển Đông. Điều này cho thấy khả năng cơ động của Không quân Mỹ trong việc di chuyển khí tài quân sự đến các điêm nóng trên thế giới.
“Việc phi đội bay B-52 của Không quân Mỹ nhanh chóng tham gia tập trận cùng tàu sân bay cho thấy năng lực Không quân Mỹ, có thể bay đến bất cứ nơi nào trên thế giới và thực hiện các nhiệm vụ”, Trung tá Christopher Duff, chỉ huy của Phi đội ném bom 96 cho hay.
Ai là ‘hổ giấy’?
Trong bài viết hôm 5/7, Thời báo Hoàn cầu đã gọi các tàu sân bay Mỹ “không gì khác hơn là những con hổ giấy”, cho rằng Bắc Kinh có quá nhiều hỏa lực để bảo vệ các vị trí chiếm giữ ở Biển Đông.
“Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc, và bất kỳ hoạt động nào của tàu sân bay Mỹ trong khu vực đều được quân đội Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Trung Quốc có nhiều loại vũ khí phòng không như DF-21D và DF-26, cả hai đều được coi là ‘sát thủ săn hàng không mẫu hạm”, Thời báo Hoàn cầu cảnh báo.
“Quân đội Trung Quốc sẵn sàng ngênh đón bất kỳ hoạt động nào của tàu sân bay Mỹ ở khu vực”, Thời báo Hoàn cầu đăng tải dòng tweet đầy thách thức cùng với hình ảnh của tên lửa Trung Quốc.
Hải quân Mỹ cũng nhanh chóng đáp trả bằng dòng tweet: “Tàu sân bay Mỹ vẫn ở đó. USS Nimitz và USS Ronald Reagan vẫn lượn sóng, hoạt động ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông. USS Nimitz và USS Ronald Reagan không bị đe dọa”.