GS Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia – Đại học Quốc gia Úc) phân tích về chiến lược mà Úc vừa đưa ra để đối phó Trung Quốc.
Giáo sư Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia – Đại học Quốc gia Úc)
Đầu tháng 7, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã thông tin về chiến lược quốc phòng của nước này trong thời gian tới. Theo đó, chính sách quốc phòng của Úc chuyển hướng trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Với Canberra, khu vực này là trọng tâm của sự cạnh tranh chiến lược đang nổi lên.
Mới đây, GS Rory Medcalf đã trả lời phỏng vấn về chiến lược mới của Úc.
Phản ứng với hành vi của Bắc Kinh
Ông đánh giá thế nào về chiến lược quốc phòng và tái cấu trúc lực lượng mà Úc vừa đưa ra?
Chiến lược quốc phòng và tái cấu trúc lực lượng mà Úc vừa đưa ra có ý nghĩa rất tốt vì kịp thời phản ứng hợp lý trước những thách thức đang thay đổi nhanh chóng ở Indo-Pacific, đặc biệt là trước những hành vi “quá tay” của Trung Quốc. Canberra tự tin và quyết đoán hơn trong việc ngăn chặn các hành động liều lĩnh, gây bất ổn.
Úc sẽ vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng vẫn phải hướng đến xây dựng một lực lượng quân sự có tính tự chủ cao để ứng phó tình hình mới. Ví dụ như trong chiến lược quốc phòng mới, Úc hướng đến việc tăng cường năng lực tình báo, liên lạc, định hướng mục tiêu với tính tự chủ cao hơn.
Việc tái cơ cấu lực lượng quân sự cũng tập trung nhiều hơn vào hàng hải, công nghệ cao. Bên cạnh đó, Úc còn tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực như với Việt Nam.
Vậy theo ông, Trung Quốc đang tạo ra những rủi ro nào nhằm vào Úc?
Hiện nay, các rủi ro từ Bắc Kinh mà Canberra đối mặt phần lớn không phải vấn đề quân sự, nhưng điều đó có thể nhanh chóng thay đổi. Hiện tại, Úc đang đối phó với những chiêu trò do Trung Quốc tiến hành như cưỡng bức về kinh tế, can thiệp chính trị nội bộ, tuyên truyền… và sự hiện diện quân sự ngày càng nhiều, cùng các hành vi gây rối của Trung Quốc ở Indo-Pacific.
Chính phủ Úc tin rằng Trung Quốc đang tìm cách xây dựng các căn cứ tại nhiều địa điểm ở khu vực nam Thái Bình Dương. Các căn cứ này của Trung Quốc có thể khiến Úc gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và bảo vệ mạng lưới thông tin, hỗ trợ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Úc không tự giải quyết một mình
Úc có vai trò như thế nào ở Indo-Pacific?
Chính sách quốc phòng mới của Úc nên được hiểu dưới chính sách ngoại giao đa cực của Canberra. Năm 2017, Úc đã công bố Sách Trắng về chính sách đối ngoại mà định hướng trong đó đến nay vẫn còn giá trị. Chính sách đối ngoại này liên quan việc xây dựng các liên minh, quan hệ hợp tác với các nước không phải là cường quốc để cùng nhau bảo vệ chủ quyền, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế ở Indo-Pacific, mà trong đó có Biển Đông.
Úc không hề giảm nhẹ hay từ bỏ quan hệ đồng minh với Mỹ, dù Canberra lo lắng về việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có những thay đổi thất thường trong chính sách đối ngoại. Nhưng Úc đã tự tin hơn để xây dựng các mối quan hệ hợp tác đa phương với Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…
Các nhà hoạch định chính sách của Úc rất thực tế, hoàn toàn không mong đợi tự thân nước này đơn độc giải quyết các vấn đề quốc tế hay khu vực. Canberra cảm thấy nên hướng đến đa phương, thông qua các diễn đàn như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, để kiềm chế hành vi của Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải tuân thủ các nguyên tắc tập thể.
Mỹ chuẩn bị ra thông báo về Biển Đông
Hãng tin Bloomberg ngày 11.7 dẫn hai nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến đưa ra lập trường chính thức của Mỹ liên quan đến những căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông trong tuần sau.
Thông báo sẽ được đưa ra trong bối cảnh Mỹ gần đây nhiều lần bày tỏ lo ngại về các hoạt động gây bất ổn tại Biển Đông. Ngày 4.7, hai tàu sân bay của Mỹ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại Biển Đông nhằm ủng hộ Indo-Pacific tự do và rộng mở, khẳng định cam kết của Mỹ về việc ủng hộ quyền tự do di chuyển và hoạt động tại những nơi luật pháp quốc tế cho phép.
Ấn Độ sẽ mời Úc tập trận cùng Mỹ, Nhật
Các quan chức cấp cao Ấn Độ vừa tiết lộ nước này trong tuần sau sẽ chính thức gửi lời mời Úc tham dự cuộc tập trận Malabar, theo Bloomberg. Quyết định được đưa ra sau khi Ấn Độ tham khảo ý kiến của Mỹ và Nhật Bản.
Malabar là cuộc tập trận hải quân giữa Ấn Độ và Mỹ từ năm 1992 và Nhật Bản trở thành thành viên thứ 3 từ năm 2015. Cuộc tập trận sắp tới dự kiến diễn ra tại vịnh Bengal vào cuối năm nay. Hồi tháng 6, Ấn Độ và Úc nâng tầm mối quan hệ song phương lên thành Đối tác chiến lược toàn diện và ký các thỏa thuận hậu cần quân sự chung.
Bộ Quốc phòng Úc thông báo chưa nhận được lời mời nhưng nhấn mạnh nước này hiểu được giá trị của việc tham gia hoạt động phòng thủ 4 bên nói trên, nhằm gia tăng sự phối hợp và thúc đẩy lợi ích chung tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Kế hoạch sắm vũ khí tối tân
Trong kế hoạch của chính sách mới mà Úc đưa ra, trong 10 năm tới, nước này sẽ chi khoảng 270 tỉ AUD (khoảng 4 triệu tỉ đồng) để phát triển năng lực tấn công tầm xa trên không, trên biển lẫn trên bộ. Ngân sách này tăng gần 40% so với mức Canberra đưa ra vào năm 2016.
Theo tờ Japan Times, trong kế hoạch trên, Úc dự kiến mua tên lửa diệt hạm tầm xa AGM-158C của Mỹ. Có tầm bắn khoảng 370 km, dòng tên lửa AGM-158C có thể trang bị cho nhiều loại chiến đấu cơ như máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet, oanh tạc cơ chiến lược tầm xa B-1 Lancer, máy bay tiêm kích thế hệ 5 tàng hình F-35, máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon… nhằm tăng cường khả năng tấn công trên biển.
Theo kế hoạch, Canberra còn có thể mua nhiều loại tên lửa bội siêu thanh, đồng thời tăng cường năng lực tác chiến không gian, chiến tranh mạng…