Cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý tuyên bố mạnh mẽ của ngoại trưởng Mỹ – ông Mike Pompeo:“Bắc Kinh có xu hướng châm ngòi các vụ tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không nên dung thứ cho các hành động ức hiếp cũng như cho phép việc này tiếp diễn”.
Ảnh: Tàu hộ vệ HMAS Parramatta (phải) của Australia tập trận cùng tàu USS Barry và tàu USS Bunker Hill của Mỹ ở biển Đông
Sử dụng tàu hải cảnh và dân quân biển uy hiếp hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng tại biển Đông, Trung Quốc đang thực hiện những “hành vi cưỡng chế và nguy hiểm” – Thông điệp nêu trên của “bộ Tam” gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế trong những ngày qua.
Ba quốc gia đồng minh trên đưa ra tuyên bố chung sau khi các bộ trưởng quốc phòng của họ gặp nhau tại Washington vào ngày 7/7 để thảo luận về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cuộc gặp lẽ ra không cần tổ chức gấp gáp đến thế trong thời điểm cả Mỹ, Nhật Bản, Australia đều tiếp tục bị dịch Covid-19 hoành hành, gây thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, những hành động gây hấn ngang ngược, uy hiếp hoạt động dầu khí của các quốc gia láng giềng trên biển Đông cũng như việc Bắc Kinh ngày càng nói xa, nói gần nhiều hơn đến việc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại khu vực này, khiến Mỹ, Nhật Bản, Australia sốt ruột, không thể ngồi im nhìn quốc gia tự xưng là “trỗi dậy hòa bình” tác oai, tác quái.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia, bà Linda Reynold, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ông Kono Taro, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – ông Mark Esper, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở trong tuyên bố chung nêu trên, rằng: “Các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các sự cố gần đây, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, sử dụng các tàu bảo vệ bờ biển và dân quân hàng hải một cách nguy hiểm với mục đích cưỡng ép và mưu toan nhằm phá vỡ các hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác”.
Không đề cập quốc gia cụ thể, nhưng rõ ràng, với việc liệt kê một chuỗi các hành động của Trung Quốc khiến các nước láng giềng bất bình, trong đó có việc triển khai các tàu khảo sát gần đây vào vùng biển của Malaysia và Việt Nam – hành động bị dư luận coi là một mưu toan hòng gây áp lực buộc các quốc gia này ngừng khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế, thì có thể coi như Mỹ và hai đồng minh thân cận đã “điểm mặt, chỉ tên” Trung Quốc là kẻ phá bĩnh, khiến sóng gió mỗi lúc một dữ dội thêm trên biển Đông.
Và khi tuyên bố như thế, cùng với các chuỗi hành động được liệt kê, hẳn ba người đứng đầu quốc phòng các nước trên cũng biết quá rõ gần đây, Trung Quốc đã cho tàu cảnh sát biển 5402 lảng vảng ở nơi chỉ cách giàn khoan dầu đang hoạt động của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính chưa đến 3 hải lý, gần lô dầu khí 06.1 mà Việt Nam cấp phép cho công ty dầu mỏ Rosneft của Nga khai thác.
Sự ngông nghênh của Trung Quốc cho thấy, họ không hề che dấu ý định tiếp tục thách thức sự kiểm soát của Việt Nam đối với khu vực này, cho dù phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 Công ước LHQ về Luật biển 1982 (mà Trung Quốc là một thành viên) đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc từ năm 2016; cho dù Bãi Tư Chính là cấu trúc chìm hoàn toàn dưới nước, nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã dựng lên một số tiền đồn phía trên thực thể này.
Cũng vì thế, có cơ sở để dư luận lo ngại sẽ tái diễn một “vụ Tư Chính” nóng bỏng như năm 2019 giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về phần mình, Australia đã công bố chiến lược phòng thủ mới vào ngày 1/7, nêu rõ ràng rằng: Các hoạt động của Trung Quốc tại vùng xám ở biển Đông khiến Australia lo ngại. Và do đó, vấn đề biển Đông là một trọng tâm trong kế hoạch quân sự của Australia. Cũng Australia, không quản tốn kém, đang tiến hành một cuộc tập trận với Brunei, một trong 6 bên có yêu sách chủ quyền trên biển Đông, với tên gọi “Cuộc tập trận chim cánh cụt”, dự kiến kéo dài tới giữa tháng 7 này.
Cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý tuyên bố “đanh thép” của Ngoại trưởng Mỹ – ông Mike Pompeo. Chỉ ra mối liên hệ giữa các vụ căng thẳng tại nhiều vùng đất đang có tranh chấp cả trên biển và trên bộ giữa Trung Quốc với các nước khác, bao gồm vụ đụng độ mới đây giữa lực lượng quân đội Ấn Độ và quân đội Trung Quốc tại một khu vực biên giới hai nước, ông Mike Pompeo nhấn mạnh như một sự thách thức rằng: “Từ dãy núi Himalaya cho tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quần đảo Senkaku, và hơn thế nữa, Bắc Kinh có xu hướng châm ngòi các vụ tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không nên dung thứ cho các hành động ức hiếp cũng như cho phép việc này tiếp diễn”.
Như vậy, rõ thêm một điều là, trong vấn đề biển Đông, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng từng ngày thì đã hẳn. Nay, với sự hưởng ứng mạnh mẽ hơn nữa của Nhật Bản, Australia, Bắc Kinh dẫu “nói cứng” rằng tàu sân bay của Mỹ chỉ là “những con hổ giấy”, hoặc khoe khoang có trong tay các tên lửa được mệnh danh là “những sát thủ tàu sân bay”…, chỉ trích các nước không có yêu sách chủ quyền trên biển Đông hãy “tránh ra”, thì thâm tâm cũng không thể không dè chừng và buộc phải tính toán lại các chiến lược, trong đó có việc thiết lập vùng nhận diện phòng không mà họ đã đề ra mục tiêu và lên kế hoạch từ cách đây 10 năm về trước.
Đ.T