Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiAnh với chiến lược đối phó TQ

Anh với chiến lược đối phó TQ

Bộ Quốc phòng Anh đang đối mặt áp lực phải nhanh chóng soạn thảo chiến lược mới nhằm đối phó “chiến tranh lai” với Trung Quốc thời hậu Covid-19.

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh rời cảng Portsmouth hồi đầu năm để diễn tập với tiêm kích F-35
Ảnh: Hải quân hoàng gia Anh

Củng cố quan hệ đồng minh ở châu Á, tăng cường sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và triển khai thêm quân lực ở phía đông kênh đào Suez đang được giới tư lệnh quân đội Anh cân nhắc trong dự thảo chiến lược mới, nhằm ngăn chặn các hành vi ngày càng táo bạo của Trung Quốc trong lúc thế giới vẫn tiếp tục chống chọi đại dịch.

Nguy cơ từ Trung Quốc

Báo Financial Times cho hay các tham mưu trưởng lực lượng lục quân, hải quân và không quân Anh vào cuối tháng 6 đã họp chiến lược với các thành viên nội các tại Tháp London, nhằm vạch ra các ưu tiên về lĩnh vực an ninh, quốc phòng và chính sách đối ngoại của Anh trong thời gian tới.

Sau khi kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cảnh báo thế giới thời hậu Covid-19 sẽ chứng kiến “sự gia tăng khủng hoảng kinh tế, xung đột và đối đầu” xảy ra ở nhiều nơi. “Anh đang đối diện nhiều mối đe dọa với đủ hình thái khác nhau xuyên khắp các đại lục”, theo Bộ trưởng Wallace.

Sau thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chỉ đạo nội các hoạch định lộ trình chấm dứt sự phụ thuộc Trung Quốc trong lĩnh vực vật tư y tế và các mặt hàng chiến lược khác. Theo Reuters, kế hoạch này được lấy tên Dự án Bảo vệ (tiếng Anh là Project Defend), theo đó vạch ra những nhược điểm chính trong nền kinh tế mà có thể bị khai thác bởi các chính phủ thù địch, từ đó tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia. Một nguồn thạo tin cho hay Anh đang hướng đến mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung ứng và bảo vệ nền tảng công nghệ trong nước.

Bên cạnh quan ngại hoạt động của Nga ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, Iran gây áp lực tại eo biển Hormuz và tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn đe dọa Trung Đông, chính phủ và quân đội Anh đặc biệt cảnh giác trước các nguy cơ từ Trung Quốc.

Đây là đề tài chi phối cuộc họp giữa các tham mưu trưởng và bộ trưởng Anh, phản ánh sự quan ngại của nước này đối với tình hình bất ổn tại Hồng Kông và các hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo nhận định của nghị sĩ Tobias Ellwood, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về quốc phòng của Hạ viện Anh, chính quyền London cần phải điều chỉnh lại quan hệ với Trung Quốc ở mức độ “căn bản” nhất để phù hợp với tình hình mới.

Giới chức an ninh đang chuẩn bị đối đầu cái gọi là “chiến tranh lai” với Trung Quốc, chỉ chiến lược phối hợp các đòn chính trị, kinh tế và tấn công mạng, chứ không đơn thuần giới hạn ở việc đối đầu giữa hai quân đội.

Hình thái xung đột mới

Trước áp lực mới, các tham mưu trưởng Anh đang tập trung đưa ra phương án đối phó, cụ thể xoáy vào mảng công nghệ và an ninh mạng. Theo chiến lược đang trong quá trình soạn thảo, các lực lượng Anh có thể sử dụng AI để bảo vệ cơ sở dữ liệu, các hệ thống mạng và tài sản trí tuệ.

Đồng thời, nhiều khả năng Anh sẽ đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực mà Trung Quốc đang tăng cường sự ảnh hưởng thông qua các hành vi chèn ép và thị uy trước láng giềng ở Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là quân đội Anh cần phải vươn tầm khỏi phạm vi hoạt động truyền thống của khối NATO để tích cực xích gần các đồng minh ở Đông Bắc Á, chủ yếu là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hướng đi mới cũng phù hợp với tầm nhìn của chính phủ Anh trong giai đoạn hậu Brexit (rời khỏi EU), theo báo The Guardian. Chẳng hạn, hải quân hoàng gia Anh vào cuối tháng 6 tuyên bố triển khai các đơn vị biệt kích thường trực ở phía đông kênh đào Suez, bắt đầu thực thi chiến lược “duy trì sự hiện diện toàn cầu” và sẵn sàng điều động tàu chiến nhanh chóng phản ứng các mối đe dọa.

Tờ The Daily Telegraph dẫn lời giới chức Anh dự đoán đây là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng khu vực sát sườn Trung Quốc sẽ là điểm kế tiếp được đề nghị tăng cường tàu chiến. Bên cạnh đó, các tham mưu trưởng dự kiến sẽ đưa ra các yêu cầu mới liên quan đến khí tài quân sự, theo hướng tái trang bị cho các tàu sân bay nước này để nâng cao thực lực trên biển.

Một phương án có thể thực thi là mua thêm thiết bị bay không người lái và tên lửa mới cho hai tàu sân bay của Anh. Ngoài ra, việc tăng ngân sách cho các dự án nghiên cứu nhằm tìm ra biện pháp đối phó hệ thống phòng thủ phức tạp của Trung Quốc cũng được lên kế hoạch.

RELATED ARTICLES

Tin mới