Bắc Kinh bị cười nhạo khi tuyên bố “trừng phạt” 4 quan chức Mỹ dám “can thiệp vấn đề nội bộ” của Trung Quốc. Dù biết lệnh trừng phạt chỉ mang tính hình thức, chính quyền Trung Quốc vẫn hùng hồn tuyên bố nhằm truyền tải một lời đe dọa không chỉ nhắm tới Hoa Kỳ, mà là cả thế giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Marco Rubio (ảnh: Wikimedia Commons).
Trong một bài bình luận đăng trên Fox News hôm 14/7, ông James Jay Carafano, phó chủ tịch nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng của Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), nhận định Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố tình công bố lệnh trừng phạt các quan chức Hoa Kỳ nhằm “gửi một thông điệp ra thế giới”, đó là “khiến chúng ta sợ hãi”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 13/7 tuyên bố, những người bị Bắc Kinh “trừng phạt” bao gồm Thượng nghị sỹ Ted Cruz, Thượng nghị sỹ Marco Rubio, Hạ nghị sỹ Chris Smith, Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Sam Brownback. Theo “lệnh trừng phạt”, những quan chức này bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc và bị đóng băng tài sản ở Trung Quốc. Dù vậy không có dấu hiệu nào cho thấy 4 quan chức Mỹ cất giữ tài sản ở Trung Quốc hay thực sự có mong muốn tới quốc gia hơn tỷ dân này.
Cả 4 người đều thuộc đảng Cộng hòa, đồng minh của Tổng thống Donald Trump, và là những người thường xuyên lên án những sai phạm của chính quyền Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ Biển Đông, Hồng Kông, đến tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do tín ngưỡng.
Đề cập đến sự hung hăng kiểu “chiến lang” (chiến binh sói) của Bắc Kinh, ông Carafano đặt vấn đề: “Câu hỏi thực sự là liệu ngoại giao chiến lang là hành động của sức mạnh hay yếu đuối?”. Ông lưu ý rằng Liên Xô cũng từng thể hiện sự hung hăng, và chỉ 4 năm sau “đế chế tà ác này đã sụp đổ”.
“Nhưng bất kể nó bị thúc đẩy bởi sự bất an hay quá tự tin, thì lập trường ngày càng đáng sợ của Trung Quốc là vấn đề mà Hoa Kỳ sẽ phải giải quyết”, ông Carafano viết.
Nhà nghiên cứu ghi nhận vai trò của chính quyền Trump trong việc chống lại mối đe dọa của ĐCSTQ. Ông Carafano viết: “Thực tế là Trung Quốc không có cơ may bắt nạt được chính quyền này”.
Ông Carafano chỉ rõ, chính quyền Trump đã đẩy lùi mạnh mẽ Bắc Kinh, “từ việc gia tăng các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, đến việc tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, các động thái về thương mại và lên án hành vi lạm dụng của Bắc Kinh đối với Tổ chức Y tế Thế giới”.
Ông Carafano nhận định rằng lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với 4 quan chức Mỹ không có ý nghĩa thực tế, nhưng “họ muốn gửi một thông điệp tới những người khác”.
Ông viết: “Việc giở trò trừng phạt các quan chức Mỹ là lời cảnh báo thô thiển của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng họ sẵn sàng truy đuổi bất cứ ai cản đường họ – đối thủ càng mềm yếu và càng dễ bảo thì Trung Quốc sẽ càng siết chặt hơn”.
Nhà nghiên cứu của Quỹ Di sản kêu gọi thế giới tự do cần liên minh để chống lại mối đe dọa từ ĐCSTQ. Ông lập luận: “Khi phải chiến đấu với ngoại giao chiến lang, thế giới tự do phải sát cánh cùng nhau. Nếu không, Trung Quốc sẽ sử dụng chiến lược chia rẽ và áp đảo của họ để chỉ trích thế giới tự do”.
Ông Carafano cho rằng liên minh quốc tế đó cần có sự lãnh đạo của Mỹ, vì vậy trước tiên các chính trị gia ở Washington cần phải bỏ thái độ “nếu Trump ủng hộ thì chúng tôi phản đối”.
Ông nói tiếp: “Kế đến, chúng ta sẽ phải nói với các bạn bè và đồng minh của chúng ta sự thật phũ phàng rằng: một quốc gia muốn trở thành một phần của thế giới tự do thì phải đứng lên cùng thế giới tự do chống lại các hành vi gây bất ổn của Trung Quốc vốn làm suy yếu an ninh, thịnh vượng và các giá trị của chúng ta”.
“Cuối cùng, chúng ta phải làm cho thế giới tự do mạnh mẽ hơn. Chúng ta càng thể hiện mạnh mẽ, thì Trung Quốc ngày càng có xu hướng lùi bước”, ông Carafano kêu gọi.
“Thế giới đủ lớn cho cả thế giới tự do và Trung Quốc, nhưng không có nơi nào trong thế giới tự do có chỗ cho sự bắt nạt của Trung Quốc.”