Trung Quốc đã phản ứng giận dữ sau khi chính phủ Anh nói rằng hãng Huawei sẽ bị cấm tham gia phát triển mạng di động thế hệ mới.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định cấm dùng thiết bị của Huawei trong mạng 5G của nước này. (Ảnh: SCMP)
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh nói rằng quyết định này là “sai lầm và đáng thất vọng” và nói rằng “thật đáng nghi ngờ liệu Anh có thể cung cấp môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử với doanh nghiệp từ các quốc gia khác”.
Theo kế hoạch được Thủ tướng Boris Johnson chấp thuận, các nhà mạng ở Anh sẽ không thể mua thêm bất kỳ thiết bị nào của Huawei cho mạng 5G của họ sau ngày 31/12 năm nay. Đến năm 2027, tất cả thiết của tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến này đã được sử dụng đều phải gỡ bỏ khỏi hạ tầng 5G.
Thông báo này đảo ngược quan điểm của chính phủ Anh cách đây 6 tháng và được đánh giá là một chiến thắng ngoại giao đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người khởi xướng chuyện tẩy chay Huawei nhưng ban đầu không thể thuyết phục chính phủ Anh quay lưng với hãng viễn thông Trung Quốc. Bước đi của Anh có thể khuyến khích các nước khác làm tương tự.
Đang ở Paris để thảo luận với các nước châu Âu về Trung Quốc, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien, hoan nghênh quyết định của chính phủ Anh. Ông nói rằng điều này “phản ánh sự đồng thuận quốc tế gia tăng rằng Huawei và các hãng công nghệ không đáng tin cậy khác gây ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, vì các hãng đó họ vẫn lệ thuộc vào đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Bước đi này cũng là một đòn giáng vào quan hệ Anh – Trung, sau khi Bắc Kinh cảnh báo ông Johnson sẽ đối diện với “hậu quả” nếu coi họ là một “đối tác thù địch”. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, thành phố từng là thuộc địa của Anh, cũng như vấn đề xử lý đại dịch COVID-19.
Ông Johnson, các bộ trưởng và cố vấn an ninh đã ký kế hoạch loại bỏ thiết bị của Huawei tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia vào sáng 14/7. Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden sau đó báo cáo chi tiết kế hoạch lên quốc hội. Dù 5G sẽ đóng vai trò chuyển đổi đối với Anh, nhưng niềm tin vào an ninh và khả năng phục hồi của hệ thống là điều quan trọng, ông nói.
Các bộ trưởng cũng cảnh báo nhà mạng dừng mua thiết bị của Huawei để sửa chữa mạng di động băng thông rộng. Chính phủ Anh sẽ tham vấn ngành công nghiệp viễn thông về thời gian biểu để thắt chặt kiểm soát với các mạng cố định, và dự kiến sẽ thực hiện việc này trong vòng 2 năm.
Lệnh cấm Huawei sẽ gây thiệt hại cho các nhà mạng Anh 2 tỷ bảng (2,5 tỷ USD) và làm chậm quá trình ra mắt mạng 5G từ 2-3 năm, chính phủ Anh cho biết.
Trong suốt năm 2019, chính quyền Trump vận động Anh chặn Huawei. Cho đến tháng 1 năm nay, nỗ lực đó có vẻ thất bại khi chính phủ của Thủ tướng Johnson thông báo sẽ chỉ áp trần về số lượng công nghệ mà hãng Trung Quốc này được phép cung cấp.
Nhưng ông Trump vẫn còn một quân bài khác. Thán 5 năm nay, Mỹ cấm Huawei mua chip từ Mỹ. Điều này buộc giới chức Anh phải đánh giá lại quan điểm về an ninh và tính bền vững của mạng 5G khi Huawei không được mua thiết bị của Mỹ nữa.
Bước đi của Anh có thể thôi thúc Canada cấm cửa Huawei. Chú ý cũng đang dồn vào Đức, nơi áp lực đang gia tăng lên chính phủ phải cứng rắn với hãng này, ông James Lewis, giám đốc chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm quốc tế và chiến lược ở Washington, nhận định.
“Đó là một chiến thắng của chính quyền Trump”, ông Lewis đánh giá.
Nếu không cấm Huawei, ông Johnson cũng gặp khó khăn. Các nghị sĩ bảo thủ nước này tin rằng an ninh của Anh đang bị Trung Quốc đe dọa và họ quyết chặn bằng được Huawei tham gia mạng 5G.
Huawei nói rằng họ thất vọng với lệnh cấm và kêu gọi các bộ trưởng Anh cân nhắc lại. “Doanh thu từ Anh chiếm chưa đến 1% doanh thu toàn cầu của Huawei. Quyết định của Anh dường như có tác động rộng hơn phạm vi địa lý của họ”, phó chủ tịch điều hành Huawei Jeremy Thompson nói với Bloomberg TV.