Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamTuyên bố của Mỹ về Biển Đông có giá trị pháp lý...

Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông có giá trị pháp lý rất cao

PGS-TS Vũ Thanh Ca – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo – nhận định, tuyên bố của Mỹ ngày 13.7 bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và các văn bản luật pháp quốc tế khác, nên có giá trị pháp lý rất cao.

PGS.TS. Vũ Thanh Ca – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo. Ảnh: NVCC

Phù hợp với lập trường của Việt Nam về Biển Đông

Theo ông, nội dung nào là đáng chú ý nhất trong tuyên bố ngày 13.7 của Bộ Ngoại giao Mỹ?

– Tôi cho rằng, nội dung trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đều rất mạnh mẽ, thẳng thắn và quan trọng. Tuy nhiên, những nội dung dưới đây là đáng chú ý nhất:

Thứ nhất, các yêu sách của Bắc Kinh với nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp.

Thứ hai, Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực với yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.

Thứ ba, Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải – bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa. Vì thế, Mỹ bác bỏ bất kỳ yêu sách hàng hải nào của Trung Quốc với các vùng biển quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này – hay đơn phương thực hiện các hành động đó – đều là bất hợp pháp.

Thứ tư, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình. Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á trong bảo vệ quyền chủ quyền với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, thống nhất với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế. Mỹ ủng hộ cộng đồng quốc tế trong bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn.

Nội dung trong tuyên bố của Mỹ đã bác bỏ hầu hết những yêu sách phi lý mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông. Các điểm nêu trên trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ phù hợp với luật pháp quốc tế và cũng phù hợp với lập trường của Việt Nam về Biển Đông nói chung, đặc biệt là trong Công hàm số 22/HC-2020 mà Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngày 30.3.2020.

Tuyên bố của Mỹ có tác động như thế nào tới các bên tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thưa ông?

– Cần lưu ý, tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông khác gồm tranh chấp đảo (vùng lãnh thổ) và tranh chấp biển.

Tranh chấp lãnh thổ hiện chưa được giải quyết thông qua tòa án quốc tế nên Mỹ chủ trương trung lập với vấn đề này. Tuy nhiên, tranh chấp biển về cơ bản đã được giải quyết theo phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) thành lập theo UNCLOS. Tuyên bố của Mỹ chủ yếu dựa trên phán quyết này, UNCLOS và các văn bản luật pháp quốc tế khác nên có giá trị pháp lý rất cao.

Vì Mỹ là cường quốc biển hùng mạnh nhất thế giới, tuyên bố của Mỹ sẽ có tác động rất lớn theo hướng có lợi tới Việt Nam và các quốc gia xung quanh Biển Đông khác trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Bộ Quốc phòng Philippines lập tức ra tuyên bố ủng hộ phán quyết của PCA. Ngoài ra, chắc chắn sẽ có nhiều nước khác, nhất là các cường quốc, ra tuyên bố ủng hộ tuyên bố của Mỹ.

Sự đồng thuận quốc tế này sẽ tạo ra những sức ép lớn với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải dè chừng, thậm chí phải tính toán rất kỹ trước khi xâm phạm vùng biển, cưỡng ép, bắt nạt các nước khác.

Không ai được phép độc chiếm Biển Đông

Theo ông, lập trường của Mỹ về Biển Đông đã thay đổi thế nào trong 25 năm qua?

– Tôi cho rằng, trong 25 năm qua, chính sách của Mỹ với Trung Quốc ở Biển Đông khá nhất quán. Mỹ chưa bao giờ cho rằng một quốc gia nào đó được phép vi phạm luật pháp quốc tế, độc chiếm Biển Đông.

Ngay từ 1995, sau khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép Vành Khăn và trước đó, chiếm đóng trái phép một số đảo, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ kêu gọi các nước giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không, hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Trong những năm sau đó, song hành với những bước leo thang vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Mỹ cũng tăng cường phê phán và lên án Trung Quốc.

Sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012 và khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm và khoan thăm dò trong vùng biển Việt Nam năm 2014, trong các trao đổi riêng, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, Mỹ liên tục phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ủng hộ mạnh mẽ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ngày 10.7.2014, Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và yêu cầu Trung Quốc phục hồi nguyên trạng Biển Đông như trước ngày 1.5.2014.

Khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải theo đúng quy định của UNCLOS để phủ nhận những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc.

Đặc biệt, thời gian gần đây, khi Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang gây căng thẳng, bắt nạt, khảo sát, thăm dò trái phép tại vùng biển các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Mỹ liên tục lên án Trung Quốc và tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông.

Thực chất, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ lần này chỉ là tổng hợp và tiếp nối những tuyên bố trước đó của Mỹ về Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới