Friday, November 8, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiếp tục tập trận...

2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiếp tục tập trận trên Biển Đông

Nhóm tác chiến tày sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiếp tục hoạt động diễn tập trên Biển Đông từ 17/7. Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết với hoạt động mới, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay này tiếp tục thể hiện cam kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Tàu USS Ronald Reagan (CVN 76) ở cảng Busan, Hàn Quốc, hồi cuối năm 2017. (Ảnh: AP)

“Các nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Reagan đang hoạt động ở Biển Đông, tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép để nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc cho các đồng minh và đối tác trong khu vực”, chuẩn Đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz cho hay.

Theo Dvidshub, trong hoạt động diễn tập lần này với sự có mặt của 12.000 thủy thủ và lính thủy đánh bộ, Nimitz và Ronald Reagan sẽ thực hiện các cuộc tập trận chất lượng cao cùng các hoạt động khác nhằm duy trì khả năng ứng phó linh hoạt.

Hải quân Mỹ nhấn mạnh sự hiện diện của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trên Biển Đông không phải là để đối phó với bất cứ sự kiện chính trị hoặc thế giới cụ thể nào mà là một phần của sự tham gia thường xuyên để thực hiện và phát triển khả năng tương tác chiến thuật.

Động thái mới của Mỹ diễn ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ đấu tranh vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở rộng và hiện đang tăng cường chính sách của mình đối với một phần quan trọng và gây tranh cãi trong khu vực Biển Đông.

Mỹ muốn làm rõ một điều rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.

Tại khu vực Biển Đông, Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.

RELATED ARTICLES

Tin mới