Mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc có chiều hướng “rơi tự do” và có dấu hiệu của một cuộc đối đầu có những đặc điểm của một cuộc Chiến tranh Lạnh nguy hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Mỹ liên tiếp áp trừng phạt Trung Quốc
Chỉ trong vòng vài tuần, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục áp lệnh trừng phạt Trung Quốc vì các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Tân Cương. Mỹ cũng tìm cách kiềm chế Bắc Kinh bằng cách ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cao của Mỹ, kêu gọi các đồng minh hành động tương tự.
Hôm 13/7, trong một động thái chưa từng có, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, coi các yêu sách này là “bất hợp pháp”. Tổng thống Donald Trump ngày 14/7 tiếp tục ký thông qua luật trừng phạt giới chức Trung Quốc vì áp luật an ninh quốc gia với Hong Kong.
“Khoảng cách quyền lực đang thu hẹp lại trong khi khoảng cách về ý thức hệ ngày càng nới rộng”, Rush Doshi, Giám đốc Ý tưởng chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, nhận định và nói thêm rằng Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy ý thức hệ. “Đâu sẽ là đáy”, ông Doshi nói.
Nhiều năm qua, các chính trị gia và nhà sử học đều bác bỏ quan điểm cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang lờ mờ xuất hiện. Tuy nhiên, giờ đây, các lằn ranh đang dần được vẽ ra và mối quan hệ giữa hai cường quốc có chiều hướng “rơi tự do”, là dấu hiệu của một cuộc đối đầu có những đặc điểm của một cuộc Chiến tranh Lạnh nguy hiểm. Khi hai siêu cường đối đầu về công nghệ, lãnh thổ, họ đều phải đối mặt với nguy cơ nổ ra các tranh chấp nhỏ và leo thang thành xung đột quân sự.
Cuộc chiến sức mạnh mềm
Sự nghi ngờ, thù địch ngày càng bao trùm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai bên xung đột lợi ích ở hàng loạt lĩnh vực từ không gian mạng, vũ trụ, đến Biển Đông, eo biển Đài Loan, thậm chí vùng Vịnh.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 cùng với cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở thành vực thẳm khó vượt qua bất chấp bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay ra sao. Về phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng, mối quan hệ với Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước tái lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Ông Vương cho rằng các chính sách của Mỹ với Trung Quốc dựa trên những “tính toán sai lầm chiến lược và đầy cảm tính”.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều thúc ép buộc các nước khác phải lựa chọn đứng về bên nào ngay cả khi họ không muốn điều đó. Ví dụ, chính quyền Tổng thống Donald Trump gây sức ép với các đồng minh như Anh, Australia để các nước này loại tập đoàn Huawei của Trung Quốc khỏi các dự án phát triển hệ thống mạng 5G. Hôm 30/6, Mỹ chính thức coi các tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và cấm các công ty Mỹ dùng ngân sách chính phủ mua thiết bị từ các công ty này. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đang thảo luận kế hoạch “cấm cửa” các ứng dụng TikTok và Wechat của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc tìm cách gây sức ép với các nước công khai ủng hộ các chính sách gây tranh cãi về vấn đề Hong Kong và Tân Cương. Bắc Kinh cũng dùng sức mạnh kinh tế làm công cụ để “cưỡng ép” như ngừng nhập khẩu thịt bò từ Australia. Đầu tuần này, Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ vì thương vụ bán vũ khí gần đây cho Đài Loan.
Ngoài ra, khi thế giới đang bận đối phó Covid-19, Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự, leo thang căng thẳng với các nước trong khu vực. Nhật Bản cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông”.
Đáp lại, Mỹ đã điều hai biên đội tàu sân bay đến Biển Đông. Căng thẳng khó tránh khỏi khi Mỹ đầu tuần này tiếp tục ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và hiện là giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Stanford, nhận định các hành động gần đây của Trung Quốc dường như “đi quá xa”.
“Mối quan hệ Mỹ – Trung đang ở giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ. Thực tế mới là mối quan hệ Mỹ – Trung không bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới nhưng tiến dần đến một cuộc chiến bằng sức mạnh mềm”, ông Zhao Kejin, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nhận định.