Không quân Mỹ hôm 16/7 triển khai 2 máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam cùng lúc hải quân Mỹ điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông tập trận.
Máy bay ném bom B-1B của Mỹ. Ảnh: (Không quân Mỹ)
Hải quân Mỹ nhấn mạnh đây là các hoạt động thường lệ và tuân theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 rằng Washington ủng hộ phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông được Tòa Trọng tài thường trực đưa ra năm 2016.
Theo thông báo của không quân Mỹ, 2 máy bay ném bom B-1B Lancer từ Phi đội ném bom viễn chinh số 37 tại căn cứ không quân Ellsworth sẽ thực hiện các hoạt động song song bên ngoài căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam.
Bộ đôi này sẽ tham gia huấn luyện cùng các đồng minh, đối tác cũng như các lực lượng khác của Mỹ.
“Việc triển khai cũng hỗ trợ các nhiệm vụ răn đe chiến lược, củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực”, thông báo trên nêu rõ.
Khoảng 170 phi công cũng được điều động từ Ellsworth đến đảo Guam để hỗ trợ sứ mệnh lần này.
Trước khi bay tới Guam, 2 chiếc B-1B tham gia huấn luyện đánh chặn trên Biển Nhật Bản cùng với các chiến cơ F-15J của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản.
Lần gần đây nhất mà phi đội B-1 được triển khai tới đảo Guam là vào cuối tháng 5.
Trước đó, hải quân Mỹ xác nhận nhóm tác chiến tày sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiếp tục hoạt động diễn tập trên Biển Đông từ 17/7.
Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết với hoạt động mới, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay này tiếp tục thể hiện cam kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
“Các nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Reagan đang hoạt động ở Biển Đông, tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép để nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc cho các đồng minh và đối tác trong khu vực”, chuẩn Đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz cho hay.
Hoạt động diễn tập lần này với sự có mặt của 12.000 thủy thủ và lính thủy đánh bộ, Nimitz và Ronald Reagan sẽ thực hiện các cuộc tập trận chất lượng cao cùng các hoạt động khác nhằm duy trì khả năng ứng phó linh hoạt.
Hải quân Mỹ nhấn mạnh sự hiện diện của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trên Biển Đông không phải là để đối phó với bất cứ sự kiện chính trị hoặc thế giới cụ thể nào mà là một phần của sự tham gia thường xuyên để thực hiện và phát triển khả năng tương tác chiến thuật.
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ đấu tranh vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở rộng và hiện đang tăng cường chính sách của mình đối với một phần quan trọng và gây tranh cãi trong khu vực Biển Đông.
Mỹ muốn làm rõ một điều rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.
Tại khu vực Biển Đông, Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.