Huawei chỉ là một trong hàng loạt vấn đề khiến “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh – Trung chấm dứt và khiến London “ngả” nhiều hơn về phía Washington.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Financial Times
Dấu chấm hết của “kỷ nguyên vàng” Anh – Trung
Việc Anh thông báo động thái mang tính bước ngoặt, đó là cấm thiết bị 5G của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, là dấu hiệu cho thấy sự chấm hết của cái gọi là “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh – Trung. Để khẳng định lập trường đứng về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, Anh dường như không còn lập lờ “nước đôi” trong vấn đề an ninh quốc gia để cân bằng quan hệ với Trung Quốc nữa mà thay vào đó, thực hiện hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh, tương tự như chiến lược của Washington.
Oliver Dowden, Bộ trưởng Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh nhận định, các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Huawei hồi tháng 5 đã “thay đổi đáng kể” tình hình.
“Xét đến sự không chắc chắn trong chuỗi cung ứng của Huawei, Anh không thể tự tin khẳng định sẽ có thể đảm bảo an ninh trong tương lai khi sử dụng các thiết bị 5G của Huawei”.
Mặc dù thông báo dừng sử dụng các thiết bị 5G của Huawei trên thực tế chỉ là sự đảo ngược quyết định của một vấn đề cụ thể nhưng động thái này đã cho thấy chiến thắng mang tính biểu tượng lớn lao của những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc tại Anh, những người vốn đã không mấy thoải mái với sự hợp tác ngày càng sâu rộng của London với Bắc Kinh trong 2 thập kỷ qua và gần đây đã liên tục kêu gọi một lập trường cứng rắn hơn với nước này giống như Mỹ.
Tuy nhiên, thật không may cho những người có quan điểm cứng rắn này, việc chuyển hướng cứng rắn với Trung Quốc nói thì luôn dễ hơn làm. Từ khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, các đời chính phủ Anh khác nhau đã chủ động hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề quan trọng từ biến đổi khí hậu cho tới an ninh toàn cầu cũng như hợp tác sâu rộng về mặt kinh tế. Do đó, hiện nay, Trung Quốc đã có sự ảnh hưởng sâu sắc tại nhiều lĩnh vực của Anh và hiện vẫn chưa rõ London sẽ đảo ngược lập trường của mình với Bắc Kinh như thế nào.
Trao đổi thương mại giữa Anh và Trung Quốc đạt gần 88 tỷ USD bên cạnh các khoản đầu tư nước ngoài trực tiếp và các hợp đồng mua lại các công ty Anh của Trung Quốc. 2,14 tỷ USD là số tiền mà các trường đại học thu về từ các du học sinh Trung Quốc trong khi Bắc Kinh đang tham gia vào những dự án hạ tầng quan trọng ở Anh, trong đó có việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Những quan điểm về yêu cầu cần phải đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã bị phủ bóng bởi những lợi ích to lớn về kinh tế. Cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind từng nói rằng: “Sự hợp tác về kinh tế thương mại và quan hệ nói chung với Trung Quốc không và sẽ không là vấn đề gây tranh cãi. Chúng ta càng có thể làm ăn nhiều với họ thì chúng ta sẽ càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn”.
Tuy nhiên, ông Malcolm Rifkind cũng thừa nhận rằng điều này không thể đem an ninh quốc gia ra đánh đổi: “Rõ ràng, chúng ta hiểu về những rủi ro quá cao khi làm ăn với Huawei và tôi cho rằng các nhà máy điện hạt nhân cũng là vấn đề mà chính phủ chắc chắn phải xem xét”.
Cựu Ngoại trưởng Anh cho rằng các chính phủ Anh trước đó đơn giản đã không thể dự đoán được Trung Quốc sẽ trở nên như thế nào trong những năm sau đó.
Raffaello Pantucci, một học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia cũng nhất trí rằng, ngày nay, Trung Quốc đang có “quyền lực ngày càng lớn hơn và quyết đoán hơn trên trường quốc tế. Đó là một Trung Quốc rất khác mà chúng ta phải đối phó”.
“Cơn đau đầu” của nước Anh
Nhận thức rõ cần phải hành động độc lập và có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng quyết định này đang khiến Anh rơi vào thế bí. Liệu quyết định với Huawei có đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc sẽ bị cấm tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng khác của Anh hay không? Các công ty sở hữu nhà nước của Trung Quốc hiện dự định sẽ tham gia vào việc xây dựng ít nhất 3 nhà máy điện hạt nhân ở phía bắc nước Anh.
“Vấn đề sẽ nảy sinh khi bạn phụ thuộc vào những loại công nghệ khó có thể thay thế. Các lò phản ứng Hinkley Point, Sizewell là lò phản ứng của Pháp, Bradwell là lò phản ứng Trung Quốc. Điều đó khiến chúng tôi có thể độc lập ở một mức độ nào đó với Trung Quốc trong việc bảo trì và sửa chữa. Tuy nhiên, bên cạnh các mối đe dọa gần đây của Bắc Kinh thì việc nước này có thể ngắt hoạt động từ xa hoặc đơn giản không cung cấp nguyên vật liệu nữa cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Chúng ta đang phải đối phó với một mối đe dọa khác khi mà Bắc Kinh kiểm soát phần cứng”.
Bất kỳ quốc gia nào cũng cảm thấy đây là quyết định khó khăn khi tách khỏi thị trường lớn nhất thế giới và cố gắng tái xây dựng bản thân như một nền kinh tế độc lập.
Trong khi Trung Quốc trở thành “cơn đau đầu” của nước Anh thì Liên minh châu Âu lại không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ chuyển sang lập trường cứng rắn với Trung Quốc và khối này vẫn khẳng định sẽ cân bằng quan hệ với Bắc Kinh.
Kerry Brown – giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Cao đẳng Hoàng gia London tin rằng động thái gần đây của Anh với Huawei là hành động thể hiện sự trung thành với Mỹ và nhằm củng cố vị thế của London giai đoạn hậu Brexit. Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng nhận định thêm, lựa chọn này của Anh không phải không có rủi ro, nhất là khi cuộc bầu cử Mỹ sắp tới có thể đem đến những thay đổi mang tính bước ngoặt.
“Mỹ rõ ràng đang trải qua những thách thức lớn lao ở thời điểm hiện tại, không chỉ về chính trị mà còn cả kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu Anh có đang đưa ra quyết định đúng đắn hay không?”
Kế tiếp, vấn đề về sự đáp trả của Trung Quốc cũng được đặt ra. Truyền thông nhà nước và các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chỉ rõ rằng Anh sẽ phải hứng chịu hậu quả. Những biện pháp đáp trả này có thể khiến Anh tổn thất trong những lĩnh vực mà nước này đang hợp tác với Bắc Kinh.
Lời cảnh báo từ Trung Quốc
Huawei chỉ là một trong một loạt vấn đề đe dọa đến quan hệ Anh – Trung. Mới đây, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang ở Biển Đông, Đại sứ Trung Quốc tại London hôm 18/7 đã cảnh báo Anh không nên điều tàu sân bay tới Thái Bình Dương và cho rằng đây là “động thái vô cùng nguy hiểm”.
Đại sứ Lưu Hiểu Minh nhận định với tờ Times rằng khi Anh cắt quan hệ thương mại với EU vào cuối năm nay, nước này không nên “chia bè kéo phái với Mỹ để đối phó với Trung Quốc” bằng cách triển khai quân sự.
“Sau Brexit, tôi cho rằng Anh vẫn muốn đóng vai trò quan trọng trên thế giới. Nhưng đây không phải là cách để đóng vai trò quan trọng”, ông Lưu Hiểu Minh cho hay.
Times đưa tin tuần trước, các nhà hoạch định quân sự của Anh đang ấp ủ kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới đồn trú ở Thái Bình Dương như một phần trong liên minh quốc tế nhằm đối phó vói Trung Quốc. Tàu chiến trị giá 3,1 tỷ bảng này dự kiến lần đầu tiên được triển khai vào năm sau trong một lộ trình hoạt động bao gồm cả Biển Đông giữa bối cảnh mối lo ngại về tự do hàng hải gia tăng tại khu vực này.
Khả năng là tàu sân bay này sẽ được bố trí ở đây thường xuyên hơn khi căng thẳng Anh – Trung leo thang về một loạt vấn đề trong khi quan hệ Mỹ – Trung lao dốc nghiêm trọng.
Bộ trưởng Oliver Dowden nhận định Anh muốn có một mối quan hệ “hiện đại và trưởng thành” với Trung Quốc, một mối quan hệ mà “chúng tôi có thể thẳng thắn lên tiếng về những điều chúng tôi không tán thành , đồng thời hợp tác với Trung Quốc ở những vấn đề có lợi ích đan xen giữa 2 bên”.
Thách thức của Anh hiện nay là lên kế hoạch về một chiến lược tương lai với Trung Quốc nhằm cân bằng những lo ngại an ninh và thực tế về kinh tế. Tuy nhiên, “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh – Trung dưới thời Thủ tướng David nay đã bị lu mờ.