Người dân Trung Quốc đang mong ngóng ngày bức tường lửa kiểm duyệt sẽ bị sụp đổ bởi dịch vụ cung cấp Internet toàn cầu giá rẻ, có thể tới bất kỳ đâu trên thế giới.
60 vệ tinh Starlink được xếp chồng lên nhau (ảnh: Wikipedia Commons).
Gần đây, một nhà phát triển phần mềm đã phát hiện các chi tiết mới của dự án Starlink (chòm sao vệ tinh) của SpaceX bằng cách xem các đoạn code trên trang web thông tin về phiên bản thử nghiệm Beta của Starlink.
Người dùng tên “Bubby4j” trên nền tảng Reddit cho biết phiên bản Starlink Beta sắp đi vào hoạt động. Starlink là hệ thống nhiều vệ tinh quay quanh Trái Đất thấp hơn nhiều so với các thiết bị Internet vệ tinh truyền thống và bao phủ toàn bộ địa cầu. Quỹ đạo thấp hơn có nghĩa là độ trễ hay thời gian dữ liệu phản hồi giữa bạn và vệ tinh là thấp hơn, dẫn đến kết nối nhanh hơn. Những người thử nghiệm Starlink Beta chủ yếu ở Bắc Mỹ và Canada, có nhiệm vụ sử dụng Internet do Starlink Beta cung cấp 30 phút đến 1 giờ đồng hồ mỗi ngày và cung cấp phản hồi, thực hiện khảo sát cho nhà cung cấp trong khoảng thời gian 8 tuần. Kèm theo đó là hình ảnh về thiết bị đầu cuối thu tín hiệu trên mặt đất của Starlink Beta dạng chảo parabol hay được gọi là “nồi”.
Elon Musk đã xác nhận tính xác thực của hình ảnh thiết bị thu qua một đoạn Tweet cho biết: “Thiết bị đầu cuối Starlink có động cơ để tự định hướng cho góc nhìn tối ưu. Không cần chuyên gia cài đặt. Chỉ cần cắm điện vào và chỉnh cho nó có một hướng tốt lên bầu trời. Có thể đặt ở trong vườn, trên mái nhà, bàn, ở bất cứ đâu, miễn là nó có tầm nhìn rộng ra bầu trời”.
Gần đây, nếu bạn nhìn lên bầu trời đêm ở châu Mỹ, bạn có thể thấy một loạt các điểm sáng được sắp xếp gọn gàng. Đó không phải là các ngôi sao, mà là các vệ tinh có quỹ đạo thấp do SpaceX phóng ra. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ phóng 42.000 vệ tinh như vậy, bao phủ tất cả các khu vực trên Trái đất vào thời điểm hoàn thành. Sự xuất hiện của thiết bị thu, hình parabol này hướng lên bầu trời cho thấy dự án Starlink đã bắt đầu khởi động và có thể được triển khai sớm nhất ở miền Nam Hoa Kỳ. Cuối cùng, người dùng trên toàn thế giới có thể sử dụng thiết bị này.
Trong một vài năm, sẽ có 42.000 vệ tinh trên bầu trời tạo thành chuỗi sao. Các thiết bị dày đặc trên Trái Đất sẽ hướng lên bầu trời, và luồng thông tin sẽ lan tỏa tới mọi ngóc ngách trên Trái Đất, thậm chí khi bạn ở giữa đại dương hay sa mạc, bạn cũng có thể dùng Internet với tốc độ cao.
Đây là những gì mà Musk đã làm và sẽ trở thành một trong những nền tảng của Internet thế hệ tiếp theo.
Phiên bản thử nghiệm Starlink được người dùng Internet Trung Quốc đón chào
Không cần cài đặt đặc biệt, chỉ cần cắm đầu thu vào nguồn điện và hướng lên trời, bạn có thể lên mạng. Đây là lời hứa của SpaceX, công ty thuộc sở hữu của doanh nhân người Mỹ Elon Musk. Với hàng chục ngàn vệ tinh, nó có thể cung cấp dịch vụ mạng tốc độ cao cho tất cả mọi nơi trên thế giới. Khi ngày thử nghiệm công khai của Starlink đang đến gần, nhiều cư dân mạng Trung Quốc vui mừng cho rằng nó cuối cùng có thể kết liễu bức tường lửa của Trung Quốc
Mười ngày trước, CEO của SpaceX, Elon Musk đã cho phóng 58 vệ tinh Starlink ở Florida. Cho đến nay, công ty này đã phóng thành công 540 vệ tinh Starlink và có kế hoạch phóng loạt vệ tinh tiếp theo vào thứ Năm này.
Tường lửa có tác dụng không?
Musk đã tweet hai tháng trước rằng dịch vụ Starlink sẽ bắt đầu phiên bản Beta công khai ở vĩ độ cao khoảng nửa sau năm. Điều này có nghĩa là một số người có thể dùng thử dịch vụ mạng vệ tinh vào mùa thu và Starlink hiện đã bắt đầu công khai tuyển dụng người thử nghiệm trên trang web chính thức. Khi ngày bản beta công khai đến gần, một số cư dân mạng tự hỏi: Starlink có thể vượt qua tường lửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không?
Trâu Thừa Phong là một cựu doanh nhân tư nhân Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ, đã giúp ít nhất hàng trăm ngàn cư dân mạng Trung Quốc vượt tường lửa trong những năm gần đây. Ông từ lâu đã quan tâm đến kế hoạch Starlink, cho biết vào hôm thứ Ba (14/7) rằng mặc dù ý định ban đầu của kế hoạch Starlink không phải là vượt tường lửa, nhưng nó đã mang đến một cơ hội như vậy.
“Mặc dù dự án Starlink không có ý định nhằm giúp cư dân mạng Trung Quốc vượt qua tường lửa, nhưng nó có chức năng này một cách khách quan. Nếu Starlink thực sự muốn vượt qua tường lửa của Trung Quốc, có thể nói là dễ dàng”.
Ngày 22/2/2018, khi hai vệ tinh thử nghiệm Starchain được phóng thành công, Tổng biên tập tờ “Thời báo toàn cầu” Hồ Tích Tiến đã đăng trên Weibo vào ngày hôm sau, nói rằng sớm hay muộn tường lửa của Trung Quốc sẽ thất bại do sự phát triển của công nghệ truyền thông. Điều này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc nên giảm dần sự phụ thuộc vào tường lửa. Nếu không, một khi bức tường này bị phá vỡ, hậu quả sẽ là thảm họa. Weibo này sẽ bị xóa sổ sớm.
Từ góc độ kỹ thuật, Starlink thực sự là kẻ thù của tường lửa. Vì dịch vụ mạng vệ tinh do Starlink cung cấp không đi qua các trạm cơ sở và máy chủ liên lạc mặt đất, nên nó có thể phá vỡ tường lửa một cách hiệu quả.
ĐCSTQ bắt đầu ngăn chặn
Theo các ảnh chụp màn hình được đăng trên Internet, chính quyền quận Nam Quan, thành phố Trường Xuân đã đưa ra một thông báo vào tuần trước rằng chính quyền sẽ ngay lập tức tiến hành thanh lý chỉnh đốn toàn diện việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị thu vệ tinh mặt đất trong khu vực. Ngoài ra, các hoạt động đặc biệt tương tự đã được triển khai ở nhiều nơi tại Trung Quốc gần đây, bao gồm Hàng Châu, Tây Trữ, Lệ Giang và nhiều nơi khác.
Larry Press, một giáo sư công nghệ thông tin tại Đại học bang California, vùng Marvile Hill cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều này gần như là không thể bởi vì tôi khó có thể tưởng tượng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép người dân sử dụng thiết bị đầu cuối”. Ông chỉ ra rằng ngay cả khi cư dân mạng Trung Quốc có được máy thu thông qua các kênh đặc biệt, họ vẫn không thể sử dụng dịch vụ Starlink. Ông nói rằng trừ khi chính quyền Bắc Kinh cho phép Starlink truyền tín hiệu đến đại lục, các máy thu trong tay những cư dân mạng này có khả năng trở thành đống sắt vụn.
Starlink đối mặt với những trở ngại lớn khi vào Trung Quốc
Phóng viên Secretchina đã gửi thư cho Tập đoàn Công nghệ SpaceX, hỏi liệu họ đã đàm phán với chính phủ Trung Quốc về dự án Starlink chưa, nhưng chưa nhận được hồi âm.
Fabian Marquest, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Máy tính tại Đại học Bon, Đức, người theo dõi chặt chẽ dự án Starlink, tin rằng dịch vụ của Starlink sẽ hoàn toàn không được biết đến ở Trung Quốc, cư dân mạng Đại lục không nên vui mừng quá sớm. “Tôi nghĩ mọi người không nên quá phấn khích. Đặc biệt là những người sống ở các quốc gia tương đối không có tự do, chúng tôi không biết liệu dịch vụ Starlink có thể thâm nhập vào các thị trường này hay không”, ông nói.