Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ tiếp cận vấn đề Biển Đông ngày càng mạnh mẽ hơn

Mỹ tiếp cận vấn đề Biển Đông ngày càng mạnh mẽ hơn

Cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Mỹ tác động trước hết đến chính sách đối ngoại của các nước, trong đó có vấn đề Biển Đông, vấn đề Mỹ-Trung.

Hai tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan.

Thái độ của Mỹ rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn

Thời gian qua, Mỹ đã cho thấy cách tiếp cận vấn đề Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn, mà trước hết là phát ngôn chính thức của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 13/7 bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc.

Bình luận về thái độ và hành động của Mỹ ở Biển Đông, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu về Biển Đông cho biết, tuyên bố của ông Pompeo ngày 13/7 được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động mạnh mẽ trên khu vực Biển Đông cũng như Trung-Mỹ đang ở giai đoạn cạnh tranh quyết liệt.

Theo Ths Hoàng Việt, nếu trước đây Mỹ chỉ nói chung chung là yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà không nói tuân thủ luật pháp quốc tế là tuân thủ cái gì thì tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Pompeo đã dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài LHQ năm 2016, chỉ ra một loạt vấn đề:

Trước hết, vùng biển thuộc “đường chín đoạn” là không hợp lý và nó mang tính chất bất hợp pháp.

Thứ hai, vùng biển ở những cấu trúc lúc chìm lúc nổi, mà Mỹ có dẫn một số trường hợp cụ thể như bãi Cỏ Mây, bãi Vành Khăn, theo nguyên tắc cơ bản của Công ước LHQ về Luật Biển là nguyên tắc “đất thống trị biển”, những cấu trúc này không thể có vùng biển kèm theo và cũng không phải là đối tượng để Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Thứ ba, đối với một số cấu trúc ngập, trong đó có bãi Tư Chính nằm ở ngoài khơi của Việt Nam, bãi Luconia và bãi James Shoal (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) nằm ngoài khơi Malaysia và bãi Natuna của Indonesia là những vùng luôn chìm dưới mặt nước biển. Theo Công ước Luật biển và nguyên tắc “đất thống trị biển”, phán quyết của Tòa trọng tài 2016, Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền ở trên đó và đương nhiên không thể có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hay lãnh hải ở đó được.

“Như vậy, trong tuyên bố của ông Pompeo đã nói rất rõ. Nếu trước đây, Mỹ chỉ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải, tự do thương mại, nhưng đến bây giờ, trong tuyên bố của ông Pompeo làm rõ hơn: không chỉ là tự do hàng hải mà là tự do biển cả (freedoms of high seas)- nó không chỉ là quyền đi qua đi lại, tự do hàng hải, thương mại mà bao gồm những quyền rộng hơn, trong đó có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng biển. Theo quy định của Luật Biển, những quyền đó không thể ngăn cản được.

Ở đây, Mỹ cũng chỉ ra và phản đối những hành động của Trung Quốc như đe dọa việc đánh bắt cá của Philippines tại khu vực quanh Scarborough hay những khu vực Việt Namcó quyền thăm dò dầu khí.

Về mặt ngôn ngữ, Mỹ nói rất rõ những yêu cầu của Trung Quốc là bất hợp pháp và với thông điệp này, Mỹ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.

Lý giải về tuyên bố mạnh mẽ, rõ ràng, báo hiệu cho sự thay đổi chính sách của Mỹ lúc này, vị chuyên gia nhắc lại bối cảnh ông đã đề cập ở trên – đó là Trung Quốc đang có những hành động ngang ngược trên khu vực Biển Đông và nó dẫn tới việc Mỹ ngày càng mất ảnh hưởng.

Mở rộng hơn nữa, việc thay đổi cách tiếp cận vấn đề Biển Đông theo hướng mạnh mẽ hơn của Mỹ nằm trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa một siêu cường và một cường quốc, là Mỹ và Trung Quốc.

“Những tuyên bố mập mờ, lập lờ, chung chung của Mỹ trước đây khiến rất nhiều các quốc gia đối tác, trong đó có các quốc gia ASEAN, không hoàn toàn tin Mỹ. Bản thân Mỹ không có hành động cần thiết để ngăn cản Trung Quốc khi nước này có hành động ngang ngược trên Biển Đông.

Chẳng hạn, Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo, đe dọa, xâm phạm các vùng biển của của các quốc gia khác, trong đó có các tàu đánh cá; đe dọa hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí… Những hành động ngang ngược đó của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhiều đối tác của Mỹ, nhưng Mỹ chỉ lên tiếng một cách chung chung và các quốc gia cảm thấy không tin được.

Giờ đây, Mỹ thấy rằng tất cả những cách tiếp cận trước đây của mình đã lạc hậu, lỗi thời và không giải quyết được vấn đề gì, nó chỉ dẫn tới việc Mỹ ngày càng mất dần ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Vì vậy, Mỹ phải thay đổi cách chơi để có thể giành lại được thế chủ động cũng như ảnh hưởng của mình. Điểm đặc biệt là trong trường hợp này, Mỹ đang nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Vấn đề Biển Đông là vấn đề toàn cầu, một số nước đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Ai cũng biết Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng ai sẽ là người thực hiện việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và yêu cầu bằng biện pháp nào?

Nói cho cùng, Trung Quốc giờ đã trở thành quốc gia mạnh trên thế giới, cho nên để tiếng nói ngăn chặn Trung Quốc thì phải có đủ sức mạnh để làm được điều đó, đấy là Mỹ”, vị chuyên gia phân tích.

Việt Nam ủng hộ lẽ phải, luật pháp quốc tế

Thái độ và hành động mạnh mẽ hơn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, theo Ths Hoàng Việt, chắc chắn là có tác động đến hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, vấn đề là là nó tác động ở mức độ nào?

Chỉ biết, khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đưa ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc sẽ tác động đầu tiên đến chính sách đối ngoại của các nước. Có khả năng các quốc gia sẽ xem xét điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ, trong đó có vấn đề Biển Đông, vấn đề Mỹ-Trung… Ở thời điểm này, theo chuyên gia Hoàng Việt, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang thận trọng vì đây mới là tuyên bố của Mỹ.

“Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, nhưng tuyên bố của Mỹ có song hành với hành động của Mỹ hay không? Các quốc gia lo ngại, nếu Mỹ chỉ tuyên bố mà hành động của Mỹ không song hành và quyết tâm của Mỹ không lớn thì khi thế giới xảy ra một điểm nóng khác, thu hút sự quan tâm của Mỹ, Mỹ lại bỏ rơi vào quên lãng. Khi ấy, các quốc gia khác có thể phải nhận hậu quả xấu.

Vì lẽ đó, các quốc gia vẫn còn đang thận trọng theo dõi nhưng chắc rằng nếu quyết tâm của Mỹ song hành với tuyên bố này thì đó sẽ là bước tiến mới tốt hơn cho khu vực Biển Đông”, Ths Hoàng Việt nhận xét.

Đối với Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng thể hiện rất rõ quan điểm của Việt Nam khi Mỹ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.

Ths Hoàng Việt điểm lại, Việt Nam ủng hộ lẽ phải, ủng hộ luật pháp quốc tế. Khi tình hình Biển Đông phức tạp, quan trọng là chúng ta giữ được “cái đầu lạnh”, trong đó tập trung vào luật pháp quốc tế.

“Khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch, tháng 6 vừa qua, ASEAN đã tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) là “cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực hàng hải. Mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải được thực hiện theo các khuôn khổ pháp lý được vạch ra trong UNCLOS 1982”.

Như vậy, Việt Nam ủng hộ luật pháp quốc tế, duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển vô cùng quan trọng.

Làm được điều trên, các bên có thể tìm ra được tiếng nói chung trong việc chia sẻ  lợi ích, tài nguyên trên Biển Đông, tìm kiếm các giải pháp hợp lý để tất cả các bên cùng có lợi trong khu vực Biển Đông”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới