Các vệ tinh “sát thủ” của Nga – Trung đang tiếp cận những vệ tinh Nhật Bản, làm dấy lên quan ngại hai nước này có ý đồ vô hiệu hóa hoặc phá hủy công cụ thu thập tình báo và quân sự của Tokyo.
Tên lửa đẩy H-IIA mang theo vệ tinh quân sự đầu tiên của Nhật Bản rời bệ phóng trên đảo Tanegashima vào đầu năm 2017
Báo Yomiuri dẫn một nguồn tin quan chức cấp cao trong chính quyền Tokyo tiết lộ hồi đầu năm Mỹ đã phát hiện vệ tinh Cosmos 2542 của Nga liên tục tiến gần một vệ tinh trinh sát của Mỹ.
Phía Mỹ cho rằng vệ tinh Nga đã đến đủ gần để chụp được các chi tiết trên vệ tinh Mỹ, hoặc đây có thể là một cuộc diễn tập cho hành động tấn công bằng cách phóng ra các vật thể kích thước nhỏ nhưng đủ phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất.
Trung Quốc được cho cũng đang phát triển vũ khí không gian, bao gồm các vệ tinh “sát thủ”, tên lửa chống vệ tinh hoặc laser. Phá hủy hoặc gây tổn hại năng lực tiếp cận thông tin thời gian thực của Mỹ sẽ mang ý nghĩa sống còn vào thời chiến hoặc khi xung đột bùng nổ.
Và Nhật Bản chỉ biết được thông tin đó nhờ đồng minh Mỹ, vì hiện chính quyền Tokyo không có năng lực theo dõi các hoạt động của Bắc Kinh và Moscow ở không gian ngoài Trái đất.
Quan ngại trên cũng là một phần dẫn đến quyết định của Nhật Bản thành lập Phi đội Các chiến dịch Không gian vào tháng 5. Tạm thời đơn vị này trực thuộc lực lượng phòng vệ trên không, nhưng dự kiến sẽ được đầu tư để gia tăng quy mô và tầm quan trọng trong những năm tới.
Mục tiêu ban đầu của phi đội sẽ xoáy vào việc tăng cường năng lực Nhận thức Tình huống Không gian, dựa trên hệ thống radar tối tân nhằm theo dõi các vệ tinh “sát thủ”.