Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngChuyên gia nêu 3 khả năng Mỹ hành động nếu TQ quấy...

Chuyên gia nêu 3 khả năng Mỹ hành động nếu TQ quấy rối ở Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer đã nêu ra 3 khả năng Mỹ có thể hành động nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối các quốc gia ven biển và các hoạt động thăm dò dầu khí của các nước này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước đã đưa ra lập trường của Mỹ về Biển Đông, trong đó khẳng định “các đòi hỏi của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”.

Hai nhóm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz hoạt động trên Biển Đông tháng 7/2020 (Ảnh: AP)

Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Ông James Borton, nhà báo Mỹ chuyên viết về Đông Nam Á trong hơn 20 năm qua và là chuyên gia không thường trú của Trung tâm ngoại giao khoa học thuộc Đại học Tufts, nhận định tuyên bố mới của Ngoại trưởng Pompeo không thay đổi lập trường của Mỹ về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng Washington giờ đây đưa ra quan điểm rõ ràng về tranh chấp hàng hải đối với các quyền nước và đáy biển. Cụ thể là, Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông và tuyên bố các yêu sách này là bất hợp pháp, đồng thời lên án các hành động bắt nạt của Bắc Kinh nhằm vào các quốc gia khác.

Ngoại trưởng Pompeo cũng nói rõ rằng Mỹ ủng hộ Công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982. Theo ông Borton, thời điểm này có thể là rất phù hợp để thuyết phục quốc hội Mỹ phê chuẩn UNCLOS, với sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Nếu có sự thay đổi trong chính quyền sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, việc phê chuẩn này có thể diễn ra.

Ông Borton cho rằng, thông điệp của Ngoại trưởng Pompeo rất rõ ràng: Mỹ mạnh mẽ tin rằng Bắc Kinh đang cản trở tự do và dân chủ thông qua các hành động của họ. Sự khác biệt trong tuyên bố mới của Mỹ là: Mỹ muốn một trật tự dựa trên các quy định và Mỹ không muốn mối quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh khiến người Mỹ gặp nguy hiểm.

Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia), một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, cho hay trước đây Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và tự do bay.

Ông Thayer lấy ví dụ, khi xảy ra vụ căng thẳng tại bãi Tư Chính hồi năm ngoái, Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng lên án hành động đe dọa và bắt nạt của Bắc Kinh nhằm tước đoạt quyền của các quốc gia ven biển trong việc tiếp cận hợp pháp với các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Theo Giáo sư Thayer, điểm mới trong tuyên bố của Mỹ là ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về tranh chấp Biển Đông năm 2016. Dẫn lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ rằng “phán quyết của Tòa trọng tài là cuối cùng và ràng buộc pháp lý”, ông Thayer cho biết, Tòa trọng tài phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử đã bị bác bỏ theo UNCLOS, đường 9 đoạn của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và Trung Quốc không thể vẽ các đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Trường Sa.

Kết quả là, Mỹ lập luận rằng “yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn phi pháp”. Xa hơn thế, Mỹ còn cho rằng Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt yêu sách đối với khu vực”.

Để nhấn mạnh lập luận pháp lý, Ngoại trưởng Pompeo đã nêu rõ các khu vực mà Trung Quốc không thể đòi yêu sách theo luật pháp quốc tế. Ông Pompeo lấy ví dụ, Trung Quốc “không thể khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa”.

Theo Giáo sư Thayer, Ngoại trưởng Pompeo cũng làm rõ các thực thể tại tất cả các quốc gia ven biển nơi Trung Quốc “không có tuyên bố chủ quyền hay lãnh thổ hợp pháp”. Những thực thể này bao gồm Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, bãi Tư Chính, bãi cạn Luconia và bãi cạn James, quần đảo Natuna.

Ba khả năng hành động của Mỹ

Ông Thayer nhận định, 4 quốc gia ven biển – 3 nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là Malaysia, Philippines, Việt Nam cùng với Indonesia – lần đầu tiên có lập trường chung về vấn đề Biển Đông. Điều này đã được thể hiện trong Tuyên bố Chủ tịch của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36: “Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS đưa ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên các đại dương và vùng biển”.

Theo ông Thayer, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố “Mỹ sát cánh với các đối tác và đồng minh tại Đông Nam Á để bảo vệ các quyền chủ quyền và các nguồn tài nguyên ngoài khơi… Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ tự do của các vùng biển”.

Nhận định về các động thái tiềm tàng tiếp theo của Mỹ và các nước trong khu vực, ông Thayer cho rằng lập trường chính sách mới của Mỹ có thể được ví như là “một công việc đang có sự tiến triển”. Điều chuyên gia này quan tâm là Mỹ sẽ ủng hộ như thế nào đối với các quốc gia ven Biển Đông. Hiện tại, dường như Mỹ sẽ ủng hộ về phương diện chính trị và ngoại giao đối với ASEAN và các quốc gia ven biển. Lập trường của Mỹ cũng có thể dẫn tới việc các quốc gia khác cũng bày tỏ sự ủng hộ ngoại giao tương tự. Ấn Độ đã tuyên bố Biển Đông là “lợi ích chung toàn cầu”.

Ông Thayer nhắc lại một vụ việc hồi tháng 4, khi tàu khảo sát Hải Dương 8 và vài tàu hộ tống của Trung Quốc hoạt động ngoài khơi Malaysia, Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu đổ bộ tấn công USS America tới khu vực để giám sát tình hình. Sau vài ngày, các tàu Mỹ và Trung Quốc rời khu vực mà không xảy ra sự cố nào.

Chuyên gia Australia nhận định, có 3 cách thức mà Mỹ có thể hành động nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối các quốc gia ven biển và các hoạt động thăm dò dầu khí của họ. Một là, Mỹ sẽ hỗ trợ trên phương diện ngoại giao dưới dạng các tuyên bố bằng lời nói hoặc văn bản. Thứ hai, Mỹ có thể thực hiện các hành động đơn phương nhằm ủng hộ một quốc gia ven biển. Khả năng thứ 3 là Mỹ có thể kết hợp với các quốc gia ven biển để thực hiện các hoạt động chung nhằm ngăn chặn Trung Quốc, nhưng ông cho rằng khả năng này ít xảy ra nhất vì tất cả các quốc gia ven biển có thể lo ngại sự phản ứng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới các lợi ích của họ.

Trong khi đó, chuyên gia James Borton cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đã tái khẳng định rằng Mỹ sẽ điều thêm các tàu chiến tới Biển Đông trong thời gian tới. Các động thái này có thể khiến Trung Quốc nổi giận và chỉ trích Mỹ can thiệp vào khu vực.

Ông Borton cũng lưu ý rằng, các tuyên bố mạnh mẽ của Washington nhằm đáp trả các cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc sẽ khiến Washington phải đi xa hơn lợi ích của chính mình và các cam kết với đồng minh, và sẽ không có lựa chọn nào khác là phải giữ vững các cam kết an ninh. Nếu Mỹ không thực hiện các cam kết của mình thì các thành viên ASEAN sẽ bị hút về phía Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới