Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÂm mưu của Bắc Kinh và yêu cầu hành động từ ASEAN

Âm mưu của Bắc Kinh và yêu cầu hành động từ ASEAN

Trung Quốc dường như đang đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát Biển Đông và quần đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Bản chất những tuyên bố chủ quyền hết sức mập mờ mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông thực ra cũng không giúp ích gì cho Bắc Kinh.

Nguy cơ Trung Quốc chiếm đoạt Biển Đông

Tuyên bố “Đường 9 đoạn” của nước này, vốn bị cộng đồng quốc tế lên án, đôi khi dường như hoạch định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các thực thể đảo đá trong phạm vi đường này. Nguy hiểm hơn là đôi khi Bắc Kinh nói bóng gió “Đường 9 đoạn” này là đường phân định biển, hoạch định quyền kiểm soát chủ quyền của vùng biển và vùng không phận phía trên đường này.Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đối với nhiều thực thể nhân tạo ở Biển Đông đã “rõ như ban ngày”. Chỉ có một điều ít được biết đến, song lại chứa đựng hệ lụy sâu xa là hoạt động quân sự hóa này đem lại cho Trung Quốc năng lực ngày càng lớn mạnh để nước này phô diễn sức mạnh không chỉ trong việc kiểm soát các đảo đá ở Biển Đông, mà trong tương lai còn khẳng định quyền kiểm soát vùng biển xa và không phận trên Biển Đông.

Bắc Kinh lâu nay cố gắng xoay sở để lèo lái những nỗ lực giải quyết tranh chấp vào cơ chế đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các nước có cùng tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, chia rẽ một cách hiệu quả cách thức phản ứng thống nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Phản ứng của các nước trong khu vực giờ mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc cũng tác động đến nhiều nước ở bên ngoài Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trên thế giới có những lợi ích thiết yếu trong việc sử dụng các tuyến hải vận vì mục đích kinh tế, khoa học và quân sự. Việc duy trì một luồng di chuyển mở và tự do thông qua các vùng biển xa và trong tương lai là thông qua không phận đóng vai trò hết sức quan trọng.

Việc Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, hồi năm 2016 thẳng thừng bác bỏ yêu sách quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ khiến nước này gia tăng những nỗ lực xây dựng thực thể, quân sự hóa chúng và mở rộng sự kiểm soát hành chính đối với sự hiện diện tàu thuyền các nước khác cũng như mở rộng các hoạt động vượt ra phạm vi xa nhất của “Đường 9 đoạn”.

Chính tính chất mơ hồ mang tính chiến lược này của Trung Quốc (vốn cũng là đặc tính đối với các vấn đề khác) có thể khích lệ cộng đồng quốc tế đương đầu với một cách giải thích khác có phần u ám hơn về cách hành xử của Bắc Kinh – chính việc thiết lập các lực lượng và vị thế trong khu vực mà về lâu dài, Trung Quốc có thể khẳng định quyền chủ quyền đối với Biển Đông.

Cả thế giới cần hành động để chống lại đe doạ từ Bắc Kinh

Việc diễn giải những hành động của Bắc Kinh, mặc dù khó có thể chấp nhận, cần được coi là một khả năng có thể xảy ra về mặt quân sự và là những nỗ lực hoạch định chiến lược trên khắp thế giới với mục tiêu tránh được hệ quả xấu nhất. Điều quan trọng cần ghi nhớ rằng quy mô và mức độ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ theo luật lệ quốc tế và “không giống bất kỳ ai” ở bất kỳ đâu trên thế giới. Sự miễn cưỡng đương đầu với viễn cảnh này có nguy cơ chấp thuận việc Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát lâu dài các hoạt động kinh tế và quân sự tại vùng biển rộng lớn và quan trọng trong hệ thống đại dương trên thế giới, và thậm chí kiểm soát vùng biển rộng hơn thế.

Hình minh hoạ. Lính Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa hôm 29/1/2016
Hình minh hoạ. Lính Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa hôm 29/1/2016 Reuters

Việc thừa nhận những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc đối với không phận rộng lớn trên Biển Đông sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một môi trường quốc tế trong tương lai, trong đó những vùng không phận quốc tế chung bị khoanh vùng và bị kiểm soát bởi những quốc gia đơn lẻ.

Cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng vào việc duy trì những vùng không phận quốc tế tự do và cởi mở để rồi bảo vệ luật pháp quốc tế hoặc có thể không tin tưởng và không bảo vệ. Nhưng nếu cộng đồng quốc tế không tin tưởng và không bảo vệ, thì khi đó khả năng Trung Quốc thâu tóm vùng không phận rộng lớn trên Biển Đông sẽ đảm bảo đem lại những tuyên bố chủ quyền tương tự đối với những vùng biển khác trên thế giới. Để ngăn chặn nguy cơ này, sự tập hợp của các nước ở quy mô rộng lớn hơn là cần thiết để đưa ra cách phản ứng và đối phó tích cực và cương quyết. Cho dù các tuyên bố chủ quyền của các nước đơn lẻ đối với các thực thể ở Biển Đông được giải quyết như thế nào, thì toàn bộ thế giới đều có lợi ích trong việc được tiếp cận tự do và cởi mở đối với khu vực.

Hành động khai hoả” của Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc

Vì vậy, Mỹ cùng với các đối tác và liên minh chủ chốt, cần dứt khoát liên hệ sự tiếp cận của Trung Quốc đối với tài sản chung của thế giới với cách hành xử của Bắc  Kinh ở Biển Đông. Màn khai hỏa” cho việc này chính là tuyên bố của Washington bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc, một động thái được khẳng định bởi việc nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Sau tuyên bố điều chỉnh chính sách của Mỹ, Trung Quốc đã đẩy mạnh áp lực đối với các nước ASEAN để không đưa ra tuyên bố ủng hộ quan điểm của Mỹ. Chẳng hạn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khuyên người đồng cấp Philippines nên “coi trọng” mối quan hệ đã được cải thiện từ năm 2016 giữa hai nước. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long rằng hai bên nên hợp tác “vượt qua những sự phân tâm” để bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực. Dù vậy, trách nhiệm của các nước ASEAN là cần phải thể hiện quan điểm rõ ràng, đúng nguyên tắc với Bắc Kinh rằng họ đứng về phía luật pháp quốc tế, và việc này không phải do Mỹ thúc ép, xúi giục mà họ đang bảo vệ các quyền chủ quyền chính đáng cũng như các quyền lợi biển của mình.

ASEAN cần hành động

Phản ứng của các quốc gia ASEAN trước hành động mới đây của Mỹ có nhiều khác biệt. Philippines tự thấy mình là trung tâm của cuộc tranh chấp do phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 được đưa ra theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) liên quan đến những tranh chấp của nước này với Trung Quốc. Cho đến nay, đây cũng là quốc gia thành viên ASEAN lên tiếng mạnh mẽ nhất trong thời gian qua. Nhân kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết về Biển Đông hôm 12/7, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã nhấn mạnh tính bất hợp pháp của một số hoạt động của Trung Quốc và sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết của tòa. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết, đồng thời mạnh sự cần thiết của một trật tự dựa trên quy tắc ở Biển Đông. Trong một tuyên bố rõ ràng liên quan đến Bắc Kinh, Chủ tịch Thượng viện Vicente Sotto III đã bình luận rằng những hành động bất hợp pháp không bao giờ có thể trở thành hợp pháp bởi những ý tưởng bất chợt và tham vọng của một cường quốc nước ngoài coi toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình”.

Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Philippines đã đưa ra một tuyên bố thận trọng khi nhấn mạnh rằng mặc dù Chính phủ Trung Quốc khăng khăng từ chối tuân thủ phán quyết, Manila sẽ tiếp tục nhất trí không bất hòa” với Bắc Kinh. Văn phòng trên nhấn mạnh rằng không nên để tranh chấp làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ song phương, đồng thời kêu gọi hợp tác kinh tế chặt chẽ. Các quốc gia khác trong ASEAN thậm chí còn thận trọng hơn. Với lập trường lâu nay không phải là một bên tham gia tranh chấp, Indonesia chỉ nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của bất kỳ quốc gia nào đối với các quyền của Indonesia ở Biển Natuna đều là “bình thường”. Thường lên tiếng phản đối Bắc Kinh ở Biển Đông, ngay cả Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản ứng với tuyên bố của ông Pompeo bằng cách tránh chỉ đích danh Trung Quốc – một động thái khác cho thấy họ muốn tránh khiêu khích Bắc Kinh. Một phản ứng chung của ASEAN ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo thậm chí còn ít hơn. Mặc dù có thể ra một tuyên bố chung chung nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS mà không đề cập rõ phán quyết năm 2016 hoặc công khai chỉ đích danh hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng điều đó sẽ được coi là không cần thiết vì ASEAN đã có quá nhiều các tuyên bố chung chung như vậy. Trong khối gồm 10 quốc gia thành viên sẽ có sự phản kháng đối với một tuyên bố chung rõ ràng ủng hộ tuyên bố của Pompeo vì một số lý do. Một số chính phủ ASEAN không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ song phương của họ với Bắc Kinh, đặc biệt là những nước có mối liên kết kinh tế chặt chẽ. Một số chính phủ ASEAN cũng có thể coi tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo như một phần của sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc – bất kể tuyên bố đó được đóng khung trong các điều khoản pháp lý hay từ quan điểm về trật tự quốc tế dựa trên quy tắc – và sẽ không muốn tham gia cuộc cạnh tranh đó

Cũng cần phải chỉ ra rằng một số chính phủ ASEAN có thể muốn suy nghĩ về sự phân nhánh của bất kỳ hành động tiếp theo nào của Mỹ sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến các hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ đều có khả năng làm ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường.”

Một số quốc gia thành viên ASEAN có thể muốn đứng trung lập và theo dõi các hành động tiếp theo từ Mỹ. Tất nhiên, có những lo ngại không thể tránh khỏi giữa các quốc gia thành viên ASEAN rằng tuyên bố của ông Pompeo có thể làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là nếu Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của họ. Khả năng Trung Quốc sẽ có phản ứng cứng rắn hơn chống lại Mỹ trong vùng biển tranh chấp làm dấy lên nỗi ám ảnh về các sự cố mang tính khích động có thể xảy ra giữa các lực lượng hàng hải hoạt động gần đó.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Pompeo và dự đoán về căng thẳng ở Biển Đông leo thang lại có thể thúc đẩy ASEAN tìm cách đẩy nhanh và kết thúc sớm các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Điều này sẽ giúp giảm thiểu các cú sốc tiềm năng đối với hòa bình và ổn định khu vực, và khẳng định sự liên quan cũng như tính trung tâm của khối ASEAN. Trung Quốc có khả năng ủng hộ điều tương tự, nếu việc đạt được bộ luật ứng xử như vậy là một minh chứng cho khả năng xử lý tranh chấp của họ một cách hợp lý mà không cần sự can thiệp” của các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc kết thúc đàm phán về COC vội vàng như vậy có nguy cơ tạo ra một thỏa thuận dưới mức tối ưu.

Có lý do để lo ngại về điều đó. Đã đến lúc ASEAN phải đoàn kết, ngay cả khi các quốc gia thành viên chọn cách tránh xa cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Hình thành một lập trường thống nhất hơn về COC sẽ là giải pháp cần hướng tới. Một ASEAN chủ động nên dẫn đầu thay vì tuân theo sự dẫn dắt của các cường quốc ở Biển Đông – cho dù đó là Trung Quốc hay Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới