Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnPhái đoàn Australia đến Mỹ, bàn cách đối phó TQ

Phái đoàn Australia đến Mỹ, bàn cách đối phó TQ

Các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Australia sẽ đến Mỹ để dự AUSMIN, thảo luận về Trung Quốc và mối đe doạ đối với an ninh Thái Bình Dương.

Theo kế hoạch, hôm 28/7 (theo giờ Mỹ), Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds sẽ tham dự cuộc tham vấn ngoại giao – quốc phòng thường niên giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Nội dung thảo luận giữa quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Australia sẽ tập trung về Biển Đông, COVID-19, Trung Quốc và mối đe doạ của Bắc Kinh đối với an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trước khi đến Mỹ, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds đã đưa ra tuyên bố chung, nhấn mạnh các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới ở Hong Kong làm suy yếu các quyền tự do và tương lai của hàng triệu người.

Tuyên bố của quan chức ngoại giao và quốc phòng của Australia cũng đề cập đến sự gia tăng các cuộc tấn công mạng, thông tin sai lệch về COVID-19, các hành động độc đoán nhằm ngăn chặn hy vọng về môi trường mạng internet an toàn và cởi mở.

Cuộc hội đàm đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Australia kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chính quyền Trump sau đó thông báo các cuộc họp với các đối tác sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds cho rằng “các cuộc gặp mặt trực tiếp là rất cần thiết để giải quyết các thách thức chiến lược và nâng cao lợi ích chung trong một Ấn Độ – Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và toàn diện”.

Chương trình nghị sự của AUSMIN là dấu hiệu cho thấy lập trường chung, thống nhất và cứng rắn hơn của Mỹ và Australia đối với Bắc Kinh khi quan hệ giữa Washington và Canberra với Bắc Kinh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Canberra gần đây đã tiết lộ một chiến lược quốc phòng mới với việc gia tăng 40% trong chi tiêu quân sự. Hôm 23/7, Australia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đặc biệt là các yêu sách hàng hải không tuân thủ các quy tắc về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, ông Mike Pompeo tuyên bố “những yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới