Mỹ tìm hướng để giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm vốn được coi là “át chủ bài” của Bắc Kinh trong mối quan hệ với các nền kinh tế lớn.
Trung Quốc đến nay vẫn thống trị nguồn cung đất hiếm toàn cầu. (Ảnh: Nikkei)
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cam kết cấp ngân sách cho hai nhà máy phân tách đất hiếm trên đất Mỹ. Đây là một bước đi của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc về loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng với ngành công nghệ cao này. Tuy nhiên, việc Lầu Năm Góc phải can dự trực tiếp cho thấy thách thức không hề nhỏ trong việc tìm kiếm một nguồn cung thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.
Đất hiếm là khoáng sản quan trọng đối với việc sản xuất điện thoại thông minh, tên lửa, pin… dành cho các thiết bị điện và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác. Mỹ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu kim loại và hợp chất đất hiếm. Trung Quốc trong khi đó vẫn là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 80%, dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết.
Sự phụ thuộc Trung Quốc về các khoáng sản quan trọng sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự này trở thành “gót chân Asin” của Washington trong mối quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt khi mối quan hệ này leo thang căng thẳng gần đây. Để phá vỡ sự phụ thuộc này đòi hỏi Mỹ phải có chiến lược hỗ trợ trực tiếp của chính phủ hay sự hỗ trợ từ các nước có chung quan điểm.
Liên kết chuỗi cung
Mỹ hiện sản xuất đất hiếm tại mỏ Mountain Pass ở California. Mỏ này chỉ mới được mở lại sau khi bị đóng cửa năm 2017. Năm ngoái, mỏ Mountain Pass sản xuất được khoảng 26.000 tấn ôxit đất hiếm ở dạng cô đặc, chiếm 12% sản lượng toàn cầu.
Thế áp đảo của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm đang bị suy yếu dần, một phần do sự trở lại của Mountain Pass, một phần do sự dịch chuyển của lĩnh vực khai thác đất hiếm gây ô nhiễm nặng từ Trung Quốc sang Myanmar. Tuy nhiên, việc Trung Quốc vẫn nắm thế thượng phong về phân tách đất hiếm. Đất hiếm được khai thác tại Mountain Pass vẫn phải chuyển đến Trung Quốc để phân tách thành các hợp chất và thành phẩm sau đó mới được vận chuyển trở lại Mỹ.
MP Materials là 1 trong 3 doanh nghiệp được nhận ngân sách hỗ trợ trực tiếp của chính phủ liên bang. Trong khi đó, công ty Lynas (của Australia), nhà sản xuất đất hiếm lớn duy nhất ngoài biên giới Trung Quốc, đã ký kết hợp đồng với công ty Blue Line trụ sở tại Texas (Mỹ) nhằm chuẩn bị việc mở nhà máy tại Mỹ. Hoạt động sản xuất sẽ có thể bắt đầu từ năm 2021. Tuy nhiên, vấn đề là ôxit đất hiếm từ hai nhà máy phân tách này vẫn phải chuyển đến Trung Quốc để xử lý thêm. “Trên thực tế, những nhà máy phân tách đất hiếm loại nặng chỉ tồn tại ở Trung Quốc trong khi đất hiếm loại nặng lại vô cùng quan trọng”, giám đốc điều hành (CEO) của Lynas, bà Amanda Lacaze cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Nikkei.
Khi Mỹ tìm cách bắt kịp Trung Quốc trong chuỗi giá trị đất hiếm, họ nhận ra rằng công đoạn nào cũng có vấn đề. Mỹ hầu như không có khả năng sản xuất nam châm đất hiếm (NdFeB) vốn đóng vai trò quan trọng đối với ngành chế tạo ô tô, xe điện. Tuy nhiên, tập đoàn General Motors của Mỹ, một trong hai đơn vị nắm bản quyền chế tạo NdFeB, đã bán lại thương quyền cho Trung Quốc. Trong khi đó, tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản cũng bán bản quyền còn lại cho Hitachi.
“Hầu hết nam châm đất hiếm được sản xuất tại Trung Quốc. Liệu chúng tôi có thể mở rộng thị trường ở đâu? Ở Mỹ hay châu Âu? Nhưng ở đó rất ít sản xuất nam châm. Vì vậy, nếu chúng tôi sản xuất thêm ôxit, khách hàng duy nhất là Trung Quốc”, Pol Le Roux, phó chủ tịch bộ phận kinh doanh và marketing của Lynas, cho biết. Theo ông Le Roux, để thiết lập một chuỗi cung ứng hoàn thiện cần có sự hỗ trợ của chính phủ đặc biệt là khi các doanh nghiệp chế tạo ô tô có xu hướng lựa chọn sản phẩm nam châm đất hiếm giá thành thấp hơn sản xuất tại Trung Quốc thay vì của các doanh nghiệp phương Tây.
Liên minh kim loại
Cuộc chiến nhằm phá vỡ thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc cũng giúp Mỹ nhận ra rằng họ cần tìm kiếm đồng minh để giành lại một phần kiểm soát lĩnh vực này. “Tôi cho rằng, rõ ràng ở giai đoạn này nếu thực sự muốn thiết lập một chuỗi cung đất hiếm bên ngoài Trung Quốc, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia”, Ian Higgins, giám đốc điều hành một công ty sản xuất kim loại của Anh, nhận định.
Việc Lynas xây dựng nhà máy ở Texas (Mỹ) có khả năng phân tách cả dysprosium – một nguyên tố thiết yếu trong sản xuất pin cho thiết bị điện vốn chủ yếu do Trung Quốc sản xuất – được kỳ vọng sẽ thay đổi sân chơi đất hiếm toàn cầu.
Mỹ từ lâu nỗ lực xây dựng các mối liên kết với cả Australia và Canada về hàng loạt khoáng sản quan trọng và rõ ràng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, Mỹ cũng cần sự hỗ trợ của Nhật Bản – quốc gia cũng tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Năm 2010, sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Trung Quốc đã giảm nguồn cung đất hiếm cho Tokyo. Nhật Bản buộc phải chuyển sang nhập khẩu từ công ty Lynas. Năm 2011, Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản cùng với Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản đã hỗ trợ 250 triệu USD để giúp Lynas thúc đẩy sản xuất, đổi lại Lynas cam kết ổn định nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản. Nhật Bản mất một thập niên để giảm dần phụ thuộc đất hiếm vào Trung Quốc và Mỹ cũng không phải ngoại lệ.
“Các chuỗi cung hàng tỷ USD không thể chuyển dịch một sớm một chiều, nhưng việc dịch chuyển này là cần thiết và sẽ diễn ra”, James Litinsky, Chủ tịch công ty MP Materials, nói. Việc Bộ Quốc phòng Mỹ cấp ngân sách cho MP Materials và liên minh Lynas – Blue Line là một bước đi quan trọng trên chặng đường dài đó.