Hôm 1/8 vừa qua Trung Quốc bất ngờ tung ra một “Quy tắc kỹ thuật”. Cái gọi là quy tắc ấy giẫm đạp lên luật pháp quốc tế, giẫm đạp lên cả những quy tắc hiện hành của chính nước này. Xưa nay, với bản chất ngạo mạn, hung hăng, Bắc Kinh chuyên làm những điều biến không thành có, biến có thành không. Còn lần này thì họ tính chuyện nhập nhằng đánh lận con đen.
Các thực thể trong nhóm đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Chẳng là, thuật ngữ trong quy tắc hàng hải trên Biển Đông của Trung Quốc bất ngờ được thay thế như sau: Khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước đây được coi “ngoài khơi” nay hóa phép thành “vùng ven biển”. Bắc Kinh tuyên bố, quy tắc mới này sẽ thay thế cho “Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa” được ban hành năm 1974.
Theo đó, Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Vùng hàng hải trong Quy tắc mới được quy định là khu vực nằm giữa hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa.
Không ai còn lạ gì hành động vô thiên vô pháp này. Việc thay đổi thuật ngữ là nhằm tăng cường quản lý cái gọi là quần đảo Tây Sa của họ. Theo ông Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Trường đại học Công nghệ Nanyang (Singapore): “Điều này có thể không gây ngạc nhiên đối với người dân Trung quốc đang bị lừa mị, vì trước đó Bắc Kinh tuyên bố thành lập các quận hành chính đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa”.
Mười năm trước, năm 2010, Trung Quốc đã lập 7 tòa án hàng hải. Một tòa án nằm ở ngay cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam (!). Trụ sở thành phố được đặt tại đảo Phú Lâm. Và từ đó quan thầy Bắc Kinh nghiễm nhiên giao cho đứa con hoang Tam Sa quyền quản lý trái phép hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).
Mới đây, hôm 18/4/2020, Trung Quốc lại giở trò lố, thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “Thành phố Tam Sa”. Mặc cho Việt Nam và các quốc gia nhất loạt lên tiếng phản đối, gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, Trung Quốc vẫn tỏ ra tai lành, tai điếc, đưa ra đủ thứ lý lẽ vừa không có cơ sở pháp lý vừa thiếu chứng cứ lịch sử.
Sự leo thang liên tục của Trung Quốc trong thời gian qua vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Đó là những hành động trắng trợn gây hấn trên Biển Đông, như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; bám sát, quấy nhiễu tàu khoan của Malaysia; cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam; tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đã cực lực lên án bằng nhiều hoạt động ngoại giao, quân sự, sự trả đũa về kinh tế. Mỹ là nước có nhiều hành động kiên quyết cảnh cáo Trung Quốc, nhất là các hoạt động quân sự gần đây trên Biển Đông. Nhiều cường quốc khác, nhất là “Bộ tứ kim cương” Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc, đang đẩy mạnh các hoạt động trên Biển Đông và các vùng biển lân cận để hạn chế, ngăn chặn âm mưu độc chiếm của Trung Quốc.
Thay vì tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Liên hợp quốc tại Lahaye(PCA), năm 2016 và thực hiện luật pháp quốc tế, Bắc Kinh vẫn liên tục có những động thái mới làm gia tăng căng thẳng trên biển. Lần này với việc ban hành “Quy tắc kỹ thuật” tưởng đâu rất đơn giản chỉ là thuật ngữ, là thay đổi cách gọi, phương pháp quản lý, thế nhưng đằng sau nó là âm mưu thâu tóm biển đảo một cách hợp pháp.
Nếu Việt Nam, Philippines, Indonesia…, không khẩn trương lên tiếng phản đối và có những hành động cụ thể thì nhất định Bắc Kinh sẽ lại có những hành động lấn tới, tiếp tục quân sự hóa, gây căng thẳng trên Biển Đông. Và từ chỗ là kẻ âm mưu độc chiếm Biển Đông, họ sẽ la lối lên rằng mình bị kẻ khác “xâm lược”.
Gọi là thay đổi một chút về “Quy tắc kỹ thuật” nhưng thực ra nó nằm trong chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc. Có thể cái “lá dâu” lần này là khoảng “vùng ven biển” mà họ mới giang cánh tay lông lá vơ vào.
H.Đ