Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTừ Cầu Thăng Long đến Đường sắt Cát Linh – Hà Đông:...

Từ Cầu Thăng Long đến Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Liệu TQ sẽ lại trở mặt một lần nữa?

Nhìn lại lịch sử cầu thăng long đến tuyến đường sắt cát linh hà đông, đế thấy rõ bộ mặt thật của Trung Quốc.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Sau nhiều lần điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn của Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã tăng từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng, vượt xấp xỉ 10.000 tỉ đồng theo dự toán ban đầu. Được biết, theo dự kiến ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được 2 bên thống nhất lùi lại, khởi công vào năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014.

Báo cáo về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định “Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do tổng thầu Trung Quốc. Dự án Cát Linh – Hà Đông là một bài học kinh nghiệm rất lớn”. Theo báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành được. Với lý do, khối lượng xây lắp của dự án còn lại 1% chưa hoàn thành, do chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan và hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu chưa xong. Mặt khác, các thiết bị đã lắp đặt phía tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.

Điều đáng nói là, “Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh – Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm”, như bài trên báo Tuổi Trẻ cho biết, cách đây 12 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay. Đáng báo động hơn là Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy: hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án. Cụ thể, đến hết tháng 6/2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng.

Theo Báo Đất Việt, ngày 14/9/2019, tại cuộc họp kiểm điểm Dự án án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thẳng thắn đã nhận xét Tổng thầu Trung Quốc: “Trong mọi vấn đề, Tổng thầu hứa cả trăm lần nhưng không thực hiện, cứ như họ đang giấu giếm điều gì đó…”. Và “… công trình đang trong giai đoạn nước rút với những yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhưng Tổng thầu Trung Quốc thì vẫn “bình chân như vại”, thậm chí cố tình kéo dài thời gian hoàn thành dự án.”. Chắc chắn các quan chức Việt Nam liên quan đến dự án này đã lỡ “há miệng mắc quai”, chẳng thể nào có chuyện vô tình khi họ đã “làm lợi” cho nhà thầu Trung Quốc các khoản nghìn tỷ như vừa kể. Đó chính là lý do mà họ ” họ đang giấu giếm điều gì đó…”.

Trao đổi với Báo Đất Việt, TS Nguyễn Xuân Thủy chuyên gia giao thông cho rằng, điều này là bằng chứng xác đáng cho thái độ tinh thần trách nhiệm, ý thức của nhà thầu TQ đang có nhiều vấn đề, kéo dài thời gian làm trì trệ tiến độ thi công dự án, dẫn tới những hành vi khuất tất, yếu kém cả về năng lực lẫn tinh thần trách nhiệm. Bày tỏ bức xúc về thái độ trịch thượng của nhà thầu Trung Quốc, ông Thủy cho hay: “Trước đây chúng ta đã từng nhận xét rất nhiều về Tổng thầu Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng thậm chí thể hiện động thái cương quyết, chấn chỉnh nhà thầu, nhưng cái thế của chúng ta phụ thuộc vào hợp đồng, trong khi hợp đồng có nhiều kẽ hở, nên nhà thầu tha hồ tung hoành, trong khi chúng ta ngập sâu vào sự phụ thuộc nguồn vốn, ý thức trách nhiệm, lòng tin với nhà thầu”.

Thông tin này từ TS Nguyễn Xuân Thủy, khiến người ta nhớ đến dư luận mạng xã hội một dạo rộ lên thông tin cho rằng, Ủy viên BCT Đinh La Thăng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với bản án lên tới 30 năm tù, vì từng đã dám chỉ mặt chấn chỉnh phía nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Sự trở mặt của nhà thầu Trung Quốc, là lý do dẫn đến những trục trặc khiến Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài không thể đưa vào vận hành, cũng gần giống như trong công trình xây dựng Cầu Thăng Long vào những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Cầu Thăng Long ở Hà Nội bắc qua sông Hồng, lúc đầu do Trung Quốc giúp đỡ xây dựng quy hoạch. Cây cầu này được khởi công xây dựng tháng 1/1974, tuy nhiên phải đến tháng 5/1985 với sự giúp đỡ của Liên Xô mới chính thức khánh thành. Đây là một trong những cây cầu có thời gian thi công lâu nhất là 11 năm. Với lý do, ban đầu do Trung Quốc giúp xây dựng, tuy nhiên đến năm 1978, khi quan hệ Việt Nam- Trung Quốc căng thẳng, phía Trung Quốc đã cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở và sau đó Liên Xô tiếp quản, viện trợ, khôi phục lại thi công từ tháng 6/1979 và cơ bản kết thúc vào năm 1985.

Theo nhà văn Phạm Viết Đào, trong bài viết “Rắc rối chuyện chết chó của chuyên gia Trung Quốc khi xây cầu Thăng Long: Chuyện bây giờ mới kể…” cho biết, “Sau 1975, đoàn chuyên gia Trung Quốc được cử sang Hà Nội rất đông giúp Việt Nam xây dựng công trình cầu Thăng Long do họ viện trợ. Phần lớn số này sinh hoạt ngay tại công trình. Việc chẳng tiến triển được bao nhiêu thì họ cố tình lấy cớ này cớ kia trì hoãn tiến độ khiến các cơ quan Việt Nam rất bị động trong việc bố trí nhân công, thời gian, gây lãng phí lớn.

Đầu năm 1978, thấy Việt Nam vẫn nhẫn nại, họ bắt đầu khiêu khích trắng trợn. Một số chuyên gia mới được Bắc Kinh cử sang rất lỗ mãng với cán bộ và công nhân ta. Đã có trường hợp sỉ nhục, thậm chí đánh đập công nhân ngay trên công trường. Việc đến tai lãnh đạo. Nhận thức chung vẫn là: chắc mấy ông tướng nhà mình có gì sai chuyên gia bạn mới buộc làm thế…, rồi: phải nín nhịn để giữ đại cục”.

Thế rồi vẫn theo nhà văn Phạm Viết Đào, “Thấy Việt Nam không có phản ứng, họ lại leo thang hành động gây hấn thù địch. Họ bắt đầu biến khu nhà ở chuyên gia thành lãnh địa riêng, cấm người Việt Nam tới gần. Nhiều lần, họ thả đàn chó bẹc-giê rất hung dữ cho cắn công nhân ta. Việc được báo cáo lên thì lãnh đạo đều xem xét xuề xòa trên tinh thần gìn giữ đại cục. Gìn giữ đoàn kết quốc tế vô sản cũng là thực hiện di huấn của Bác, thiêng liêng lắm. Phần sai lại vẫn bị đẩy về phía công nhân ta. Không khí trên công trường căng thẳng từng ngày.

Đến một hôm, khi bị đàn chó bẹc-giê của Trung Quốc tấn công, một công nhân ta đã dùng gậy xua chó nhằm tự vệ. Chỉ chờ có vậy, Trưởng đoàn chuyên gia Trung Quốc ngay lập tức tố cáo “nhà đương cục Việt Nam” giết chó bảo vệ, đột nhập khu nhà ở của họ nhằm hãm hại chuyên gia Trung Quốc. Sứ quán họ ở Hà Nội không chậm chễ bù lu bù loa hết công suất. Lúc này, lãnh đạo Trung ương và Hà Nội hoảng thực sự. Phần lớn phản ứng ban đầu đều quy kết công nhân ta chưa thấm nhuần này kia nên manh động và phạm pháp (?!). Đây là vụ án (lúc này là án) có ảnh hưởng lớn tới chính trị, quan điểm ban đầu giao cho cơ quan chức năng là như vậy.

Khó khăn lắm cơ quan chức năng ta mới tiếp cận được xác chó. Công tác khám nghiệm pháp y được tiến hành thận trọng, tỉ mỉ còn hơn vụ án mạng. Tình hình nóng lên từng ngày. Họ yêu cầu đưa lực lượng chức năng từ Bắc Kinh sang để bảo vệ đoàn chuyên gia Trung Quốc, họ đòi tìm ra lãnh đạo cao cấp Việt Nam (!?) đứng sau âm mưu này để xử lý. Cuối cùng, kết quả điều tra cho thấy chó của Trung Quốc chết do độc chất được tìm thấy trong mẫu thức ăn lấy từ dạ dày chứ không phải chết do ngoại lực tác động. Chỉ chờ có thế, sứ quán họ nhảy dựng lên vu cáo chính phủ Việt Nam vô ơn, mưu toan đầu độc chuyên gia Trung Quốc (?!). Vu cáo không thành công, vào tháng 6/1978 họ tự rút hết chuyên gia về nước, bỏ hẳn công trình cầu Thăng Long mới thi công được vài mố trụ.”

Những điều nhà văn Phạm Viết Đào vừa kể có lẽ không quan trọng bằng thông tin, “Từ những manh mối thu thập ban đầu về quan hệ của một số chuyên gia Trung Quốc mà sau này cơ quan chức năng Việt Nam đã lần ra ổ tình báo Hoa Nam quy mô lớn nhất hoạt động ngay giữa Hà Nội có nhiều chân rết tại Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Lạng Sơn đứng đầu là Thái Nhữ Siêu (người Việt gốc Hoa). Thì ra, ngay khi quan hệ hai nước còn tốt đẹp, một mặt, Trung Quốc công khai điều hành mạng lưới nổi hoạt động mua chuộc cán bộ, lũng đoạn cơ quan nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức rất tinh vi (ngay khi Bác còn sống, có Ủy viên Bộ Chính trị bao giờ cũng đến chúc Tết đại sứ Trung Quốc trước khi đến chúc Tết Bác, đêm giao thừa ăn nằm hẳn trong sứ quán của họ, có chuyện gì cơ mật nội bộ là báo cáo ngay với Trung Quốc).”

Những điều vừa kể trên đây cho thấy, trong lúc này, tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang xấu đi một cách nghiêm trọng. Đặc biệt trong vấn đề Trung Quốc gây hấn trên khu vực Trường Sa – Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế phía chính phủ Việt Nam cần phải lường trước để có các quyết định dứt khoát đối với Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, để tránh những thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới