Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBài 2: “Việt Nam chúng ta cần phải có các tư tưởng...

Bài 2: “Việt Nam chúng ta cần phải có các tư tưởng kinh tế một cách chủ động, tích cực”

“Trong phát triển kinh tế, chúng ta có những lời nói vô nghĩa và những sự im lặng quá dài. Cần phải có các tư tưởng kinh tế một cách chủ động, một cách tích cực. Cần phải mạnh dạn thảo luận, tranh cãi và quan hệ thông thường không chỉ đối với Trung Quốc mà cả với nhiều nước khác   ”- Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt.

Quan hệ Việt – Mỹ đang ngày càng phát triển tốt đẹp

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Việc nâng cấp quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ sau 25 năm thiết lập bang giao giữa hai quốc gia từng là đối thủ trong chiến tranh dễ, khó thế nào? “Thể chế” liệu có phải là một vấn đề mang tính mấu chốt?

-Tôi biết hiện nay nhiều người băn khoăn về chuyện liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có thể trở thành vị khách mời lâu dài của nền chính trị Hoa Kỳ không. Tôi nghĩ là mọi cuộc chiến tranh lạnh đều trượt về cuộc chiến tư tưởng. Không phải tự nhiên thế giới có hai phe. Đấy là sự trượt của thế giới sau Cách mạng Tháng Mười. Quan hệ hai phe bắt đầu hình thành sau Cách mạng Tháng Mười, rồi sau đó đến Chiến tranh Thế giới Thứ hai mới trở thành quan hệ chính thống.

Quan hệ phân biệt về hệ tư tưởng không phải là một quan hệ ngẫu nhiên, nó là một quan hệ có thật. Khả năng ít tồi tệ nhất là thế giới trượt về thói quen xét đến thể chế. Có thể, những lúc tỉnh táo thì thế giới xem thể chế là vấn đề có thể thương lượng được chứ không phải là vấn đề nguyên tắc. Tôi nghĩ trong mỗi giai đoạn, việc coi thể chế là nguyên tắc hay thể chế có thể thương lượng được tùy thuộc vào quan điểm chính trị của từng Chính phủ, mà chủ yếu ở đây là Chính phủ Hoa Kỳ.

Tức là phụ thuộc vào từng ông Tổng thống Mỹ? Thí dụ, Tổng thống Obama có thể tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, còn ông Trump thì có thể không?

Ông Trump khác ông Obama. Ông Obama xem vấn đề thể chế là những nguyên tắc có thể nhân nhượng, còn ông Trump thì xem đấy là một lợi ích có thể bàn bạc. Tùy thuộc vào việc người đứng đầu các chính phủ xem trọng lợi ích hơn hay trọng nguyên tắc hơn mà các quá trình thảo luận sẽ đi theo hướng khác nhau, nhưng không chắc chắn cái này sẽ thay thế cái kia.

Với tư cách là những người lãnh đạo một nước bé, chúng ta phải thận trọng, không thể chủ quan nghĩ rằng từ nay trở đi vấn đề thể chế không còn là câu chuyện phải thảo luận nữa. Chớ bao giờ buông lỏng vai trò của thế chế. Thể chế là cái phải giữ gìn cẩn thận, không bàn đến chuyện thay đổi một cách dễ dãi được.

Nhiều người nói phải thay đổi thế chế theo hướng này, hướng kia. Tôi không nói rằng thể chế là vấn đề nguyên tắc mà tôi nói rằng thể chế có thể là vấn đề nguyên tắc đối với những người tôn trọng nguyên tắc, hoặc có thể là lợi ích đối với những người tôn trọng lợi ích. Tức là thái độ với vấn đề thể chế có thể thay đổi đối ở từng Chính phủ khác nhau và trong từng giai đoạn chính trị khác nhau. Cho nên phải cẩn thận khi phán đoán, phân tích.

Theo ông, Việt Nam bây giờ có cần phải cải cách thể chế cho phù hợp?

-Tôi là người phản đối các ý nghĩ liên quan đến thay đổi thể chế. Tôi khuyến khích cải cách. Cải cách là việc phải làm hàng ngày. Thể chế là các nguyên tắc chính trị, nếu nó không thay đổi cho phù hợp với lợi ích kinh tế thì khó mà phát triển kinh tế được. Nhưng thay đổi thể chế tới mức thay đổi vai trò, địa vị của Đảng cộng sản thì tôi không đồng tình.

Tôi không phải đảng viên, nhưng đây là kết luận khoa học của tôi. Về mặt nguyên tắc, tất cả các không gian chính trị đều có chủ sở hữu. Tính chất của không gian ấy do chủ sở hữu quy định. Những người Cộng sản Việt Nam là chủ sở hữu không gian chính trị Việt Nam, họ có quyền lực đối với không gian ấy. Giống như anh có một ngôi nhà, anh phải giữ quyền định đoạt ngôi nhà ấy.

Cần một tư duy kinh tế mới

Theo ông người Trung Quốc sẽ lôi kéo Việt Nam bằng cách gì, quân sự hay kinh tế là chính?

Tôi nghĩ không bao giờ Việt Nam bị lôi kéo một cách ngây thơ đến mức để bị trả đũa. Trong tất cả các bài trả lời phỏng vấn về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tôi đều nói: chớ nghĩ ngây thơ rằng đây là cánh tay dài, trắng nuột của người Mỹ giơ ra cho mình và có thể đỡ đòn cho mình trong mọi tình huống. Người Việt Nam chắc chắn là không cố gắng để làm cho Trung Quốc nổi giận và cũng không muốn phiền đến sự bênh vực của người Mỹ trong những can thiệp có tính chất đối đầu.

Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc luôn gây sức ép cho chúng ta mỗi khi nội bộ của họ có vấn đề?

-Gây sức ép về mặt chính trị là việc luôn luôn xảy ra trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, vì người Trung Quốc nhìn Việt Nam như là “phên dậu” của họ, xét cả về phương diện chính trị cũng như quốc phòng. Khái niệm Việt Nam là “tiền đồn” có từ mấy chục năm rồi, không phải bây giờ mới có. Cho nên, Trung Quốc luôn luôn gây sức ép, luôn muốn kiểm soát Việt Nam. Việc đó đối với người Việt Nam chúng ta là vô cùng khó chịu và đương nhiên là không thích thú gì. Nhưng chúng ta ở cạnh Trung Quốc, chúng ta không thể tránh được chuyện ấy. Đấy là một thực tế chính trị.

Có người lo ngại rằng, phải chăng thực tế đó dường như khiến chúng ta phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế?

-Tất cả các sự phụ thuộc kinh tế trên đời này đều gắn với chính trị. Chúng ta thấy rằng Đức là đồng minh chính trị của Mỹ, nhưng Thủ tướng Merkel đang tỏ ra không ủng hộ người Mỹ trong việc chống Trung Quốc. Sự đánh đổi, sự nhân nhượng chính trị để đạt được một số mục tiêu kinh tế diễn ra ở bất kỳ nước nào.

Vậy theo ông thì, đối sách của Việt Nam nên như thế nào trước những thay đổi này?

Tôi đã từng nói trên báo rằng lỗi lớn nhất của người Việt là không xây dựng nổi các quan điểm kinh tế với thị trường Trung Quốc, thị trường mà nhiều quốc gia đã gặt hái thành công. Nói cách khác, trên thế giới này không có nền kinh tế nào “béo lên” mà không làm ăn với thị trường Trung Quốc. Chúng ta không làm được việc ấy vì chúng ta mải chờ đợi phương Tây và các hợp tác kinh tế của nó. Mà chúng ta cũng chỉ chờ đợi chứ chưa đủ năng lực để chuẩn bị khả năng hợp tác với phương Tây, kể cả Mỹ lẫn châu Âu.

Anh từng làm cho Nikkei nên chắc anh hiểu, kể cả trong hợp tác với Nhật Bản chúng ta cũng không chuẩn bị gì nhiều. Chúng ta chưa có đủ năng lực để hợp tác với phương Tây, và chúng ta cũng không có điều ấy trong hợp tác với Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu mở cửa trước chúng ta mấy năm, nhưng họ đã biến thành một nước công nghiệp hùng cường. Còn chúng ta cho đến bây giờ vẫn chưa thành nước gì cả. Cho nên điều cần phải phê phán không phải là chúng ta lệ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế mà là chúng ta không khai thác được Trung Quốc về kinh tế.

Nếu chúng ta không khai thác được thị trường Trung Quốc thì đương nhiên là chúng ta lệ thuộc. Còn nếu chúng ta chủ động xem nó là thị trường thì chúng ta phải có thái độ về lợi ích thương mại trong quá trình quan hệ với Trung Quốc. Nhưng hiện nay chúng ta chưa có những điều như vậy.

Một số người phê phán Trung Quốc cho thỏa chí của những người thua thiệt. Nên nhớ là sự tức tối của người có cảm giác thua thiệt với sự tức tối của người thua thật là khác nhau. Chúng ta chưa có gì nhiều để cạnh tranh với họ nên chúng ta không thua thật. Chúng ta ngồi yên nhìn thiên hạ ăn trước mũi mình. Chúng ta tưởng tượng Trung Quốc sẽ tan chợ nên hô hào đón lõng các doanh nghiệp hạng “đại bàng” chạy từ Trung Quốc về Việt Nam. Thế giới đã bắt đầu bình luận về những sự ngây thơ như vậy.

Thực ra chúng ta không có sự chủ động trong khai thác các thị trường Trung Quốc, cũng như Nhật Bản, Tây Âu và Mỹ?

-Mức độ đầu tư để thỏa mãn năng lực hợp tác với các thị trường khác nhau là rất khác nhau. Chúng ta không đủ tiền để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp của mình để có thể hợp tác với Nhật Bản. Trong khi đó, đầu tư để hợp tác với thị trường Trung Quốc rẻ hơn nhiều nhưng chúng ta cũng không làm được. Đã vậy, nhiều khi chúng ta còn chịu sự tác động chủ nghĩa yêu nước nông cạn không có ý thức thấu đáo về các lợi ích chiến lược được bán rao ầm ĩ.

Nhìn lại bối cảnh chung của thời sự quốc tế, trong đó có các chuyển động ở khu vực (kể cả tại Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Asean…) mới nhất tới nay, Việt Nam cần có cái nhìn ra sao về mặt chính sách, đối sách và hành động cụ thể để tranh thủ thời cơ, khắc chế rủi ro, vừa làm lợi cho mình, vừa đóng góp tích cực cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung của quốc tế và khu vực, thưa ông?

Tôi thấy Việt Nam cần phải xây dựng hệ thống các tư tưởng kinh tế. Chúng ta nói chuyện chính trị thì được, nhưng sang chuyện kinh tế thì chưa được. Trong phát triển kinh tế, chúng ta có những lời nói vô nghĩa và những sự im lặng quá dài. Cần phải có các tư tưởng kinh tế một cách chủ động, một cách tích cực. Cần phải mạnh dạn thảo luận, tranh cãi và quan hệ thông thường đối với Trung Quốc.

Chúng ta có nhiều diễn đàn chung với Trung Quốc, ở khu vực thì chúng ta có ASEAN +, trên thế giới chúng ta có WTO. Trong đó có một số diễn đàn chúng ta có thể giữ cương vị. Thí dụ, chúng ta làm chủ tịch luân phiên ASEAN, chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta có tất cả các cơ hội bình đẳng như các quốc gia, nhưng chúng ta mới chỉ nói những điều chơi chơi chứ chưa nói được những chương trình có tính chất lợi ích cụ thể.

Vì sao lại có trạng thái này?

Vì chúng ta không làm nên không có kinh nghiệm. Các kinh nghiệm của chúng ta hiện nay vẫn giống như của các thế hệ, triều đại trước đây. Xưa kia, các nhà ngoại giao chuyên đi xứ của chúng ta chủ yếu là khoe tài đối đáp, làm thơ… Chúng ta chưa có gì để thể hiện trong sinh hoạt quốc tế của nhiều thế kỷ trước, bởi vì chúng ta có một nền văn hóa sính làm quan, sính đối đáp mà chưa thạo buôn bán. Trong một buổi nói chuyện ở Đại học Ngoại giao, tôi có nói anh em ngoại giao rằng chúng ta phải biết làm kinh tế trong các quá trình hoạt động chính trị, nếu không thì chúng ta làm chính trị chay.

Chúng ta cần quan sát xung quanh xem thiên hạ làm thế nào. Trong các buổi tiếp tân đối ngoại, chúng ta thường thấy lưng của nhà vua Nhật Bản hơi khum khum một chút, thể hiện đầy đủ tính khiêm tốn của những người coi người mua hàng là thượng đế. Tất cả những người bán hàng đều phải khiêm tốn. Chúng ta chưa học được tác phong này nên vẫn có những phong cách phưỡn bụng ra trước, thể hiện đầy đủ tính tự mãn không có nội dung thương mại.

Tôi nhớ là ngoại giao Việt Nam thời ông Nguyễn Dy Niên đã phát động cái gọi là ngoại giao kinh tế?

Ông Nguyễn Dy Niên là một trong những bộ trưởng ngoại giao không phải là Ủy viên Bộ chính trị, đấy là một sai lầm của giai đoạn ấy. Khi không đủ thế lực thì khó mà làm gì được. Là một trong những người Việt Nam tiên phong trong trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, tôi gặp nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia và hiểu rằng các nhà quản lý của chúng ta vẫn còn lúng túng khi nói chuyện kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới