Vietnam Airlines tính đến nhiều phương án, bao gồm cả việc bán máy bay, nhằm có thêm dòng tiền và thu nhập để trả nợ, bù đắp dòng tiền thâm hụt.
Các chỉ tiêu kết quả kinh doanh năm 2020 của Vietnam Airlines.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã CK: HVN) vừa công bố các nội dung tờ trình phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 vào ngày 10/8 tới. Được biết, HVN đã 3 lần phải thay đổi lịch họp ĐHĐCĐ trước những diễn biến mới của dịch Covid-19.
Tình hình dịch bệnh cũng khiến hoạt động kinh doanh của HVN bị ảnh hưởng tiêu cực. Hãng trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2020 ở mức 40.586 tỷ đồng, chỉ bằng 40,5% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước tính âm 15.177 tỷ đồng.
Khoản lỗ kế hoạch mà HVN trình cổ đông có phần khả quan hơn so với ước tính lỗ gần 20.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp này báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) hồi tháng 4/2020.
Như VietTimes từng đề cập, trong nửa đầu năm 2020, HVN đã lỗ lũy kế 6.642 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hãng còn lâm vào cảnh thiếu hụt dòng tiền, phải bù đắp bằng việc gia tăng vay nợ ngắn hạn.
Theo phương án được Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng và chưa tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2020, dư tiền cuối kỳ của công ty mẹ HVN dự kiến đạt mức 397 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo kế hoạch năm 2020 ở mức 16,63 lần, tăng mạnh so với mức 2,72 lần của năm 2019.
Báo cáo trình cổ đông cũng cho thấy, HVN dự tính cắt giảm thu nhập bình quân của phi công xuống mức 77 triệu đồng/tháng, giảm một nửa so với năm trước; thu nhập bình quân của tiếp viên giảm 52,2%, xuống mức 13,8 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động mặt đất giảm 55,5%, xuống mức 14 triệu đồng/tháng.
HVN kỳ vọng sẽ bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế 3-5 chuyến/tuần và khai thác ổn định từ tháng 12. Trong khi đó, các đường bay đi châu Âu và Australia dự kiến sẽ tạm dừng đến hết năm 2020.
Đối với thị trường trong nước, trong 7 tháng cuối năm 2020, HVN dự báo tổng thị trường hàng không nội địa sẽ phục khoảng hơn 18 triệu lượt khách, tương đương 90% so với cùng kỳ.
Dư thừa nhiều máy bay
Ban lãnh đạo HVN cũng trình cổ đông phương án bán 9 tàu bay A321 CEO. Trong đó 6 tàu bay dự kiến bán theo kế hoạch, 3 chiếc dự kiến đẩy sớm. HVN cũng dự phòng phương án Sales and Leaseback (bán và thuê lại – SLB) cho 3 máy bay này nếu hiệu quả tài chính cao hơn.
Đây là những tàu bay được sản xuất năm 2007 – 2008, có tuổi thọ hơn 12 – 13 năm, đã trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của HVN, đủ điều kiện pháp lý để bán hoặc SLB trong năm 2020.
Trước đó, HVN cũng từng rao bán 2 tàu bay A321 giao tháng 6 nhưng không thành công.
Năm 2019, HVN cũng lên kế hoạch bán 5 chiếc tàu bay A321 CEO. Đến thời điểm tháng 6/2020, công ty đã bàn giao được 3 chiếc, thu về 28 triệu USD.
Trích dẫn các đánh giá, dự báo của Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) và các tổ chức phân tích thị trường, HVN dự báo việc phục hồi các đường bay quốc tế sẽ còn dài và chậm hơn trong nước.
Trước bối cảnh đó, đội bay của HVN và VNA Group sẽ dư thừa khoảng 25 tàu bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tàu bay vào năm 2021 (đã bao gồm 6 tàu bán theo kế hoạch).
Tuy nhiên, sự phục hồi chậm của ngành hàng không khiến HVN sẽ dư thừa đội bay (cả đội tàu bay thân rộng và tàu bay thân hẹp). Theo các dự báo hiện tại, hãng sẽ dư thừa khoảng 25 tàu bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tàu bay vào năm 2021.