Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBáo cáo mới: Chi tiết việc Hollywood ‘quỳ gối’ trước Bắc Kinh...

Báo cáo mới: Chi tiết việc Hollywood ‘quỳ gối’ trước Bắc Kinh vì doanh thu phòng vé

Chính quyền Trung Quốc không chỉ muốn kiểm duyệt thông tin, văn hóa trong nước mà còn muốn xuất khẩu mô hình này ra toàn thế giới.

Ảnh minh họa.

Tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để bảo vệ và tôn vinh quyền tự do ngôn luận thông qua sự tiến bộ của văn học và nhân quyền PEN America gần đây đã phát hành một báo cáo dài 94 trang mô tả chi tiết việc Hollywood quy phục Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong thời gian dài để kiếm lợi nhuận từ phòng vé Trung Quốc.

Báo cáo tin rằng hành vi thỏa hiệp của Hollywood để phục vụ cho ĐCSTQ đe dọa nghiêm trọng đến tự do và các giá trị của thế giới phương Tây.

PEN America, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại New York, đã công bố báo cáo với tiêu đề “Hollywood chế tác, Bắc Kinh kiểm duyệt: Ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ và ảnh hưởng của ĐCSTQ” vào ngày 5/8 . Báo cáo nêu chi tiết rằng trong khoảng một thập kỷ qua, ĐCSTQ đã sử dụng nhiều phương pháp ảnh hưởng văn hóa khác nhau để xuất khẩu mô hình kiểm soát và đánh giá văn hóa trong nước ra nước ngoài.

Báo cáo chỉ ra rằng là “phương tiện nghệ thuật và văn hóa có ảnh hưởng nhất trên thế giới”, các bộ phim do Hollywood sản xuất có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên thế giới và định hình lại cách mọi người nghĩ. Tuy nhiên, “khi các nhà sản xuất phim Mỹ mong muốn được phát hành sản phẩm ở thị trường Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất đã đưa ra những thỏa hiệp đáng lo ngại về quyền tự do ngôn luận”. Những thỏa hiệp này bao gồm: Thay đổi nội dung phim; tự kiểm duyệt; đồng ý với Trung Quốc phát hành phiên bản rút gọn nội dung (cắt, xóa một số đoạn nhạy cảm – PV); thậm chí trực tiếp mời các cán bộ của chính quyền ĐCSTQ tham gia thẩm định để có được đề xuất về khu vực giới hạn, nhằm tránh bị kiểm duyệt…

Báo cáo phân tích rằng từ quan điểm của ĐCSTQ, các bộ phim chiếu ở Trung Quốc không hoàn toàn để giải trí mà là một trong những cách để truyền tải thông điệp của đảng. ĐCSTQ hy vọng sẽ sử dụng thông tin này để định hình hình ảnh rực rỡ “hào quang”, “chí cao vô thượng” của mình. Ở Trung Quốc đại lục , ĐCSTQ đã sử dụng việc kiểm duyệt để ngăn người Trung Quốc nhìn thấy “nội dung hoặc chủ đề đe dọa” đối với ĐCSTQ, khiến người Trung Quốc cảm thấy rằng Trung Quốc là một “quốc gia thịnh vượng, ôn hòa, hùng mạnh”, và tất cả những điều này đều là công lao của ĐCSTQ .

Ở nước ngoài, ĐCSTQ sử dụng chiến lược “mượn thuyền ra khơi”, âm thầm đưa những thông tin có lợi cho mình vào các bộ phim do Hollywood sản xuất. Bởi vì “những câu chuyện được kể bởi Hollywood đầy cảm xúc”, Hollywood đã trở thành “con tàu lớn nhất và mạnh mẽ nhất” đối với ĐCSTQ. Thông qua con tàu này, ĐCSTQ có thể xuất khẩu và truyền bá tư tưởng của mình đến nhiều người trên thế giới.

Báo cáo cũng đề cập rằng hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ đã cho phép các nhà kiểm duyệt của đảng gần như có quyền lực tối cao, không bị quản hạt. Đồng thời, kết quả kiểm duyệt trực tiếp xác định liệu bộ phim có được phép chiếu và quảng bá ở Trung Quốc đại lục hay không, và khi nào bộ phim có thể được phát hành, cùng nhiều thứ khác nữa. Điều này mang đến một yếu tố bất ổn rất lớn cho người sản xuất.

Dưới hệ thống kiểm duyệt tàn bạo này, các nhà sản xuất Hollywood phải xóa một số nội dung hoặc hình ảnh theo yêu cầu của nhà kiểm duyệt để được phát hành tại Trung Quốc. Nhiều bộ phim nổi tiếng nhất của Hollywood đã được yêu cầu sửa lại trước khi trình chiếu ở Trung Quốc. Ví dụ, khi “Điệp vụ bất khả thi 3” (Mission Impossible 3) phát hành tại Trung Quốc năm 2006, người ta đã yêu cầu xóa một số cảnh phim, bao gồm cảnh Ethan Hunt giết người Trung Quốc và một cảnh căn hộ phơi đồ lót tồi tàn ở Thượng Hải.

Một ví dụ khác là “Sòng bạc Hoàng gia” (Casino Royale) được sản xuất năm 2006. Nữ diễn viên Judi Dench tiết lộ rằng theo yêu cầu của cơ quan kiểm duyệt ĐCSTQ, cô đã phải lồng tiếng lại phiên bản tiếng Trung của bộ phim và câu “Chúa ơi, tôi nhớ lại thời chiến tranh lạnh” phải được đổi thành “Trời ơi, tôi nhớ ngày xưa” để tránh khiến khán giả Trung Quốc nhớ lại những sự kiện lịch sử dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô cũ.

Ngoài ra, báo cáo tiết lộ rằng ĐCSTQ cũng sẽ chặn các diễn viên đã từng chỉ trích nó, buộc Hollywood phải tích cực từ chối những diễn viên này trước khi xem xét cho phim của họ thâm nhập thị trường Trung Quốc, như diễn viên Richard Gere, người đã lên án ĐCSTQ về vấn đề Tây Tạng.

Nếu chạy theo hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ, các nhà sản xuất Hollywood sẽ phải tăng chi phí sửa đổi nội dung phim của họ. Do đó, họ đã bắt đầu tích cực tự kiểm duyệt để tiết kiệm chi phí. “Một thời gian sau, các nhà sản xuất thậm chí sẽ không có ý tưởng vi phạm các quy tắc. Họ trở nên tê liệt và học cách chủ động chấp nhận các quy tắc bất thành văn của ĐCSTQ”.

Hơn nữa, để lấy lòng ĐCSTQ , một số nhà sản xuất Hollywood đã đặc biệt thêm vào những cảnh không phù hợp với chủ đề trong phim. Ví dụ nổi tiếng nhất là phim “Người Sắt 3”, đạo diễn đã cố tình thêm vào cảnh một bác sĩ Trung Quốc làm việc điên cuồng để cứu sống Người Sắt trong phiên bản Trung Quốc. Vì nội dung hoàn toàn không phù hợp với phần còn lại của bộ phim nên nó đã bị các nhà phê bình phim chế giễu.

Báo cáo cũng đề cập rằng ngoài doanh thu phòng vé, các công ty mẹ của nhiều nhà làm phim Hollywood còn có nhiều doanh nghiệp khác ở Trung Quốc, điều này đã trở thành một trong những lý do khiến họ phục vụ cho ĐCSTQ. “Các nhà sản xuất ở Hollywood hầu hết là công ty con của các tập đoàn lớn, với lợi ích thương mại trải dài khắp thế giới. Nếu ĐCSTQ chọn cách trừng phạt họ, những người này sẽ mất hàng tỷ đô la”.

Chuyên gia phân tích của Pen America, James Tager là một trong những tác giả chính của báo cáo. Ông nói rằng nếu Hollywood muốn thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ, công khai “hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ” là bước đầu tiên để đối đầu với nó. Ông đã đề cập trong báo cáo rằng các nhà sản xuất phim không thể cắt giảm các tác phẩm của họ chỉ để được ĐCSTQ công nhận, “kiểu tự kiểm duyệt này sẽ mang lại những tác động tiêu cực”.

Tager kêu gọi Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ vận động năm hãng phim lớn công bố báo cáo thường niên về mối quan hệ giữa ngành công nghiệp điện ảnh và Trung Quốc. Ông nói rằng vì các hãng phim này lo lắng về sự trả đũa từ ĐCSTQ, họ không thể sản xuất phim về các chủ đề như Tây Tạng, Đài Loan và cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. “Tất cả những câu chuyện này cần được kể lại”, ông nói, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi: “Nếu ngành công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc không thể kể những câu chuyện này, và Hollywood cũng không thể kể những câu chuyện này, vậy thì chúng ta hy vọng ai có thể kể những câu chuyện này?”

RELATED ARTICLES

Tin mới