Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnẢnh vệ tinh tiết lộ đập TQ có thể đe dọa nguồn...

Ảnh vệ tinh tiết lộ đập TQ có thể đe dọa nguồn nước Ấn Độ

Những con đập của Trung Quốc trên sông Brahmaputra ở Tây Tạng có thể đe doạ nguồn cung cấp nước của Ấn Độ, theo phân tích ảnh vệ tinh.

Ảnh vệ tinh ngày 1.8.2020 cho thấy đập Trung Quốc trên sông Brahmaputra.

Trong khoảng thời gian 10 năm, Trung Quốc đã xây dựng 3 con đập trên sông Brahmaputra ở một phần của Tây Tạng gần với biên giới Ấn Độ. Trung Quốc có kế hoạch xây thêm ít nhất 8 đập như vậy – tờ India Today đưa tin ngày 9.8.

Tốc độ xây dựng đập nhanh chóng của Trung Quốc bao gồm kế hoạch ít nhất 8 đập mới trên sông Brahmaputra ở Tây Tạng đã làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng chế ngự nguồn cung cấp nước của Ấn Độ. Các đập được đề xuất xây dựng nằm trên sông gần với biên giới Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh.

Tại khu vực này, Trung Quốc đã xây dựng 3 con đập trong khoảng cách 24 km trên sông Brahmaputra trong thời gian 10 năm. Việc xây dựng các con đập với tốc độ và quy mô chưa từng có đã diễn ra ở Sangri Lokha của Tây Tạng.

Việc xây dựng “bộ ba đập” tương tự đã được quan sát thấy trên sông Nyang, gần thị trấn Nyingchi, thuộc quận Nyingchi của Tây Tạng.

Lokha, còn được gọi là Sơn Nam, nằm ở phía đông bắc của Bhutan và phía nam của Lhasa, trong khi Nyingchi ở xa hơn về phía đông, cả hai đều giáp với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Để tìm ra mục tiêu của những dự án xây dựng đồ sộ này, nhóm thông tin tình báo nguồn mở (OSINT) của tờ India Today đã điều tra bằng hình ảnh Google Earth.

Đập Zangmo

Một phân tích so sánh các hình ảnh vệ tinh của đập Zangmo cho thấy chiều rộng của nó đã tăng gấp 4 lần từ 100 mét vào năm 2012 khi bắt đầu xây dựng, lên 400 mét như được thấy vào ngày 4.8.2020, trong khi mực nước đã tăng gần 150 mét.

Do đó, hồ chứa kéo dài gần 10 km có thể chứa hơn 600 triệu mét khối nước, một dấu hiệu cho thấy một lượng lớn nước đang nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết, các công trình xây dựng đập này đang được giám sát chặt chẽ. “Đó là điều luôn được thảo luận chặt chẽ giữa hai chính phủ” – một quan chức chính phủ theo dõi diễn biến về vấn đề này khẳng định. 

Các nguồn tin cho biết, hiện chưa thấy mối đe dọa bất thường nào từ việc Trung Quốc sử dụng các đập này để gây ra lũ quét hoặc chặn nước vào lãnh thổ Ấn Độ.

Trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ở phía đông Ladakh, các hoạt động của Trung Quốc bao gồm các công trình xây dựng đập dọc biên giới Ấn Độ, được theo dõi sát sao.

Các đập mới được đề xuất trên sông Brahmaputra

Trung Quốc đã đề xuất xây dựng thêm ít nhất 8 con đập trên sông Brahmaputra ở Tây Tạng. Những con đập này sẽ được xây dựng trong vòng 10 năm tới tại các thị trấn Bayu, Jiexi, Langta, Dakpa, Nang, Demo, Namcha và Metok, mỗi thị trấn không có hơn trăm hộ gia đình.

Điều này làm dấy lên suy đoán rằng mục đích của các con đập mới chỉ là xây dựng các hồ chứa và đưa điện từ Tây Tạng sang Trung Quốc đại lục.

Cần chia sẻ dữ liệu về xây dựng đập, dòng nước

Theo tờ India Today, các hình ảnh vệ tinh chỉ ra rất rõ ràng rằng Trung Quốc không xây một số lượng lớn các con đập trên sông Brahmaputra vì lợi ích của người dân Tây Tạng. Khu vực này có dân cư thưa thớt và nhu cầu điện trong khu vực có thể được đáp ứng với một dự án thủy điện như đập Zangmo.

Trung Quốc cũng có thể nhắm tới việc sử dụng các hồ chứa đập này như đập Dagu để chuyển nước của Brahmaputra đến các khu vực khô hạn ở Tân Cương hoặc miền trung Trung Quốc. 

Lời giải thích thứ ba và có lẽ là đáng lo ngại nhất cho việc Trung Quốc tích trữ nước tại 11 đập trên sông Brahmaputra có thể là để kiểm soát lượng nước chảy vào Ấn Độ.

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng đập của Trung Quốc là một mối quan ngại lớn và Trung Quốc phải minh bạch hơn về vấn đề này. Bà Ambika Vishwanath – giám đốc Sáng kiến ​​Kubernein theo dõi hoạt động ngoại giao và an ninh nước trên toàn cầu – cảm thấy vấn đề cần quan tâm về lâu dài không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng của nước.

“Cần phải nghiên cứu kỹ hơn không chỉ về số lượng dòng chảy mà còn về chất lượng, điều này có thể cực kỳ bất lợi về lâu dài. Nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở các vùng hạ lưu. Có rất ít thông tin và hiểu biết về khu vực này. Toàn bộ dãy Himalaya là một hố đen dữ liệu. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần tiếp cận nhiều hơn và yêu cầu nhiều dữ liệu hơn để hiểu tác động ngắn hạn và dài hạn nhằm hỗ trợ hoạch định chính sách tốt hơn” – bà Ambika nói thêm.

Bà Ambika cũng nói rằng, có một cách để đảm bảo tính minh bạch hơn là thực hiện các sáng kiến ​​chung, chẳng hạn như chia sẻ dữ liệu hoặc xây dựng các con đập trong phạm vi quản lý chung của các lưu vực sông, nhưng điều đó dường như không sớm xảy ra. “Nếu có các công trình xây dựng chung, trách nhiệm cũng được chia sẻ để bảo vệ các công trình lắp đặt ở cả hai bên” – bà Ambika chỉ ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới