Wednesday, December 25, 2024
Trang chủQuân sựTQ dọa tàu sân bay không chìm của Mỹ

TQ dọa tàu sân bay không chìm của Mỹ

Trung Quốc dọa tập trận bắn đạn thật gần đảo Guam, nơi có căn cứ không quân và hải quân trọng yếu, được ví như tàu sân bay không chìm của Mỹ.

Hải quân Trung Quốc liên tiếp “bận rộn” trong thời gian gần đây

Sao lại là Đảo Guam?

Hãng tin CNN của Mỹ mới đây đưa ra nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đông Á trong bối cảnh cuộc khẩu chiến với Mỹ ngày càng leo thang. Theo đó, một viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc thậm chí còn cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể cân nhắc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đảo Guam của Mỹ.

Theo CNN, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng mật độ các cuộc tập trận trong những tuần gần đây sau khi Mỹ cử 2 hạm đội tàu sân bay tới tham gia các cuộc tập trận song phương hiếm hoi ở Biển Đông tới 2 lần chỉ trong tháng 7.

Tuy nhiên, sự kiện được coi là “đổ thêm dầu vào lửa” là chuyến công du Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, ông Alex Azar. Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm hòn đảo Đài Loan trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 10/8 cho rằng sự hiện diện của ông Azar tại Đài Bắc đã “xâm phạm nghiêm trọng” các cam kết của Mỹ về Đài Loan. Sáng 10/8, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu tới dọc đường trung tuyến tại Eo biển Đài Loan. Đài Loan cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của hòn đảo này theo sát hoạt động các máy bay từ Đại lục.

Dù thuộc không phận quốc tế, song đường trung tuyến tại Eo biển Đài Loan là một ranh giới không chính thức, nhưng được quy ước là đường phân chia của Bắc Kinh và Đài Bắc. Theo các báo cáo của Mỹ và Đài Loan, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc mới chỉ chủ đích vượt qua ranh giới này 3 lần, lần đầu tiên vào tháng 3/2019, lần thứ hai là tháng 2 năm nay, và lần gần nhất là ngày 10/8 vừa qua.

Việc truyền thông Trung Quốc bóng gió về ý định tập trận ngoài khơi đảo Guam, nơi Mỹ có căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân đảo Guam, diễn ra sau một giai đoạn PLA liên tục có những hoạt động. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết: “Các lực lượng bộ binh và hải quân của PLA suốt những tuần qua đã tham gia lịch trình tập trung với các hoạt động huấn luyện đổ bộ và trên biển. Các hoạt động này sẽ tiếp diễn trong các tuần tới”.

Trong số các cuộc diễn tập có một cuộc tấn công giả định, huấn luyện vượt biển và cập bến bằng các phương tiện đổ bộ, các cuộc tấn công vượt biển và diễn tập máy bay ném bom có trang bị tên lửa cùng máy bay chiến đấu. Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, PLA có kế hoạch tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi đảo Châu Sơn, phía Đông bờ biển phía nam Thượng Hải.

CNN dẫn lời chuyên gia Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành Trung tâm Tình báo Chung Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng những động thái của Trung Quốc là không có gì bất ngờ. Chuyên gia này còn dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Tây đảo Guam.

Mối đe dọa tiềm tàng

Một góc căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ trong cuộc tập trận Cope North 2018

Trước đó, hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, Mỹ đã rút các máy bay ném bom chiến lược khỏi đảo Guam. Giới phân tích gọi đây là một động thái khó hiểu và hiện vẫn chưa thể lý giải được. Theo đó, hành động của Mỹ có thể khiến các đồng minh và đối tác lo lắng trong khi có thể gây tổn hại tới năng lực răn đe của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt trên mặt trận đối phó với Trung Quốc.

Theo tờ Asiatimes, mặc dù đảo Guam cách xa những khu vực bất ổn như Eo biển Đài Loan, Okinawa và Nhật Bản, và thậm chí cả Biển Đông, nhưng việc điều động các máy bay chiến đấu từ đó sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với việc cất cánh từ miền Trung nước Mỹ.

Các máy bay ném bom của Không quân Mỹ, bao gồm B-1B Lancer, B-52 Stratofortress và B-2 Spirit đã được triển khai tại Guam kể từ năm 2004 theo chương trình Máy bay Ném bom Hiện diện Thường trực (CBP). Tuyên bố của Bộ Tư lệnh Tác chiến Toàn cầu Không quân Mỹ có đoạn: “Để phù hợp với Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, Mỹ đã chuyển sang cách tiếp cận cho phép triển khai các máy bay ném bom chiến lược được tiến tới hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ một loạt địa điểm ở nước ngoài khi cần thiết và với sự cơ động cao hơn, trong khi các máy bay ném bom này vẫn hiện diện thường trực tại Mỹ”.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao Mỹ lại rút các máy bay đó về Căn cứ Không quân Minot tại bang Bắc Dakota (miền Trung nước Mỹ), chứ không phải là các căn cứ gần hơn ở Alaska hoặc Hawaii, giới phân tích đặt ra một giả thuyết rằng căn cứ của Mỹ ở Guam, trong đó có căn cứ không quân Andersen, rất dễ bị máy bay ném bom hay tên lửa của Trung Quốc tấn công.

Asiatimes viết: “Nếu điều đó là sự thật, liệu Mỹ có rút căn cứ hải quân Guam cùng trên hòn đảo này hay không? Và trong tương lai, các căn cứ khác của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ra sao? Liệu các căn cứ đó có dễ bị tấn công hay không?”.

Giới phân tích thừa nhận, việc Trung Quốc tăng cường quân đội, mở rộng hải quân, triển khai các máy bay ném bom chiến lược mới, tàu ngầm, các binh sĩ và hai tàu sân bay đang làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Một phần trong quan ngại của Không quân Mỹ là tên lửa Đông Phong 26 (DF-26) của Trung Quốc, đôi khi được ví như “Sát thủ đảo Guam”. DF-26 được biết đến có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 5.471 km bằng các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Với sự hoài nghi về các kế hoạch của Mỹ, Asiatimes đánh giá: “Nếu nhìn từ bên trong nước Mỹ, hiện có nhiều câu hỏi đặt ra về cam kết của Mỹ trong việc duy trì năng lực răn đe trong lúc Trung Quốc – đối thủ tiềm tàng quan trọng – đang củng cố năng lực và bổ sung các hệ thống dựa trên công nghệ tiên tiến vào kho vũ khí của họ”.

Dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng, trong đó có những ám chỉ đến khả năng xung đột quân sự, song CNN cho biết giới lãnh đạo quân sự hai nước trên thực tế đang xúc tiến các cuộc đối thoại. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cùng người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa có một cuộc điện đàm.

Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn: “Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc mở và thúc đẩy những hệ thống cần thiết nhằm đảm bảo thông tin trong trường hợp nảy sinh khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro”.

RELATED ARTICLES

Tin mới