Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông: Hải quân Philippines cảnh báo về sự 'khiêu khích' của...

Biển Đông: Hải quân Philippines cảnh báo về sự ‘khiêu khích’ của TQ

Người đứng đầu Hải quân Philippines kêu gọi chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte phản đối sự hiện diện của hai tàu nghiên cứu Trung Quốc tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, qua đường ngoại giao, theo SCMP.

Phó Đô đốc Giovanni Bacordo nói với Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài của Philippines hôm thứ Hai rằng tàu Trung Quốc đã đến gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) “khoảng một tuần rồi” và với tốc độ “khoảng 3 hải lý/giờ”, có thể kết luận rằng các tàu này “thực hiện các cuộc nghiên cứu”.

Ông Bacordo, 55 tuổi, cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo việc này [với Chỉ huy Lực lượng Vũ trang và Bộ Quốc phòng]… và yêu cầu đệ trình một văn bản phản đối ngoại giao.

“Chúng tôi đã kiểm tra xem các tàu này có được cấp phép vào đó hay không. Chúng tôi phát hiện ra là không có.”

Bãi Cỏ Rong là một khu vực tranh chấp, giàu năng lượng ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình – một tuyên bố đã được Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague ủng hộ vào năm 2016.

Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục tranh chấp quyền kinh tế ở khu vực này – nằm cách đảo Palawan của Philippines 85 hải lý và cách bờ biển tỉnh Hải Nam của Trung Quốc 595 hải lý. Các cuộc đàm phán nhằm phá vỡ bế tắc về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung đang bị đình trệ.

Lời kêu gọi của ông Bacordo được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr nói rằng “theo như tôi biết thì chúng tôi đã cho dừng tất cả các cuộc khảo sát biển của tàu nước ngoài bởi vì, trong khi họ tuân theo quy tắc rằng [bất kỳ cuộc khảo sát nào] cũng phải có thủy thủ Philippines đi theo .. . [Thì các thủ thủy của chúng tôi bị đối xử] tệ: được cho ăn [không đầy đủ] và bị kìm kẹp trong bóng tối. “

Khiêu khích

Ông Bacordo nói rằng bất chấp lập trường này, các tàu của hải quân và tuần duyên Trung Quốc, cũng như các tàu đánh cá, vẫn tiếp tục “xâm phạm” vùng EEZ của Philippines và đôi khi hải quân Trung Quốc dường như đang cố gắng khiêu khích Philippines.

Ông nói rằng ngay sau khi ông đảm nhận chức vụ vào tháng Hai, một tàu hải quân của Trung Quốc đã “đánh động” một tàu hải quân Philippines, kích hoạt radar kiểm soát hỏa lực từ tàu hộ tống Conrado Yap. “Sĩ quan chỉ huy đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tự vệ” và vụ việc đã khiến Manila phải đệ trình một phản đối ngoại giao.

“Theo cách tôi phân tích, trong cuộc tranh chấp ở khu vực đó, ai bắn phát đầu tiên sẽ trở thành người thua cuộc. Vì vậy, họ sẽ làm mọi thứ để chúng tôi có hành động gây hấn. Nhưng chúng tôi phải kiên nhẫn với điều đó,” ông nói.

“Tôi chắc chắn rằng họ muốn chúng tôi khai hỏa phát súng đầu tiên nhưng chúng tôi sẽ không thực hiện. Hải quân nào nổ phát súng đầu tiên trong khu vực đó sẽ mất đi sự hỗ trợ của quốc tế.”

Ông Bacordo, phát biểu trong lần họp báo chính thức đầu tiên với các nhà báo nước ngoài, phủ nhận rằng các đơn phản đối ngoại giao đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là vô ích.

Ngoài việc đệ đơn phản đối, ông cho biết hải quân đã “tận dụng” các mối quan hệ đối tác và liên minh chiến lược của mình. Ví dụ, khi các lãnh đạo hải quân của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) hoặc Hội nghị chuyên đề về Hải quân Tây Thái Bình Dương họp, “những vi phạm” của Trung Quốc ở Biển Đông luôn được thảo luận.

Năm 2014, hội nghị chuyên đề – gồm 31 lãnh đạo hải quân bao gồm cả Trung Quốc – đã nhất trí về Bộ quy tắc cho các cuộc chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES) nhằm giảm thiểu sự cố ở vùng biển tranh chấp.

Theo CUES, khi hải quân Philippines chạm trán với tàu hải quân Trung Quốc, họ chỉ cần liên lạc với tàu này, hỏi nó đi đâu, đến từ cảng nào và ý định của tàu.

Tăng cường

Ông Bacordo cũng nói rằng một phần trong kế hoạch “tăng cường” khả năng phòng thủ của Manila là mua lại 100 ha căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Vịnh Subic và đưa trang thiết bị và người đến đó.

Ông cho biết: Vịnh Oyster ở phía bắc tỉnh Palawan cũng sẽ được phát triển như một căn cứ hải quân của Philippines.

Đảo Fuga, ở mũi phía bắc của Philippines, cũng sẽ có một đơn vị hải quân hoạt động như một “trạm giám sát”.

RELATED ARTICLES

Tin mới