Lãnh đạo Tập Cận Bình đã nhanh chóng nắm quyền lực tuyệt đối trên chính trường Trung Quốc. Nhưng tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng “bá chủ toàn cầu” của ông Tập, khiến hàng loạt động thái của ông đã đưa Trung Quốc lâm vào khó khăn toàn diện vô phương.
Đả hổ diệt ruồi
Ngay sau khi nắm quyền, tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Hơn 1 triệu quan chức đã bị hạ bệ, tạo nên một cuộc đấu đá nội bộ quy mô lớn chưa từng có, qua đó phơi bày hàng loạt khía cạnh hủ bại trong chính trường đại lục. Có thể kể đến như một lượng tiền tham nhũng khổng lồ, quan hệ trác táng và cả các tội ác dã man, “chống lại nhân loại” liên quan đến mổ cướp nội tạng tù nhân chính trị. Những sự thực phũ phàng này đã xuất hiện từ lâu và diễn ra trên quy mô toàn đại lục, khiến dân chúng Trung Quốc lầm than buộc phải mất đi niềm tin vào ĐCSTQ.
Cuộc đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ thực chất là giữa phe cánh của Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân, cho đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Tham chiếu lịch sử đấu đá nội bộ của ĐCSTQ, kết quả sau chót luôn luôn là một mất một còn. Nhưng sức mạnh của cả hai thế lực này đều quá to lớn. Do vậy trong quá trình đi đến kết cục sau chót có thể xuất hiện những biến động long trời lở đất tại chính trường đại lục.
Made in China 2025
Đây là kế hoạch đầy tham vọng của ông Tập Cận Bình với hy vọng biến Trung Quốc từ “chế tạo đại quốc” thành “chế tạo cường quốc”. Trong đó xác định tỷ lệ nội địa hóa đến 70% tại 10 ngành công nghiệp trọng điểm như Công nghệ tin học thế hệ mới, Máy công cụ điều khiển số cấp cao và robot, Thiết bị hàng không vũ trụ…
Có thể nói chính kế hoạch Made in China 2025 là nhân tố trực tiếp dẫn đến việc Mỹ phát động thương chiến Mỹ – Trung. Các ngành công nghiệp bị Mỹ nhắm tới đầu tiên khi đánh thuế chính là các ngành thuộc Made in China 2025. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc phải hủy bỏ chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Về lĩnh vực gián điệp công nghệ, ngày 24/06/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết đang tiến hành 2000 vụ điều tra liên quan đến Trung Quốc, gấp đôi số vụ trước đó 1 năm.
Có lẽ tổng bí thư Tập Cận Bình đã phải hối hận vì sự chủ quan thái quá khi đưa ra Kế hoạch Made in China 2025. Tất cả những điều này đang khiến chính phủ Mỹ phản ứng toàn diện và mạnh mẽ, khiến 2 “nguồn công nghệ [ăn cắp]” chính của Trung Quốc nhanh chóng bị chặn lại.
Vành đai con đường
Vành đai con đường (Belt and Road Initiative – BRI) cũng là một trong những ý định đầy tham vọng của ông Tập, thông qua hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng trên khắp thế giới. Tuy nhiên nó đã nhanh chóng bị bóc trần các vấn đề đi kèm.
Không chỉ tạo ra bẫy nợ với những quốc gia đối tác, chính quyền Trung Quốc còn đặt tham vọng quân sự và chính trị đi kèm BRI. Căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài đặt tại Djibouti (châu Phi) thuộc BRI. Các cảng như Gwadar (Pakistan), Ream (Campuchia) tiếp tục làm dấy lên nghi vấn là các căn cứ quân sự tiếp theo của Trung Quốc.
Các khoản đầu tư và tín dụng từ Trung Quốc thường đi kèm sự chi phối chính trị, tham nhũng, tệ nạn xã hội và độc tài kết hợp với tiêu chuẩn thông qua dễ dàng nhưng lãi suất cao. Nhiều dự án trong đó có hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy với tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay, dễ dẫn đến tình trạng khó thu hồi vốn, thậm chí vỡ nợ.
Theo tờ The New York Times, các nước Pakistan, Kyrgyzstan, Sri Lanka và một số nước châu Phi đã yêu cầu Trung Quốc tái cấu trúc, giãn hoặc thậm chí xóa nợ hàng chục tỷ USD đến hạn trong năm 2020.
Đàn áp Tân Cương
Ngày 16/11/2019, tờ The New York Times công bố một tập tài liệu mật hơn 400 trang, tiết lộ các bài phát biểu của ông Tập về chính sách đàn áp Tân Cương, khu vực tập trung chủ yếu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế ,ước tính có hơn 1 triệu người Tân Cương đang bị giam giữ trong các trại lao động cải tạo với điều kiện sinh hoạt yếu kém, bị tra tấn, tẩy não và lạm dụng tình dục. Nhiều gia đình tan nát, khi nhiều đứa trẻ bị chia tách khỏi cha mẹ.
Cuộc đàn áp Tân Cương đã làm dấy lên làn sóng phê phán của của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Kinh. Khác với cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công vốn được thực hiện trong âm thầm, các trại tẩy não giống Đức Quốc Xã được xây dựng khắp Tân Cương và được che đậy vụng về.
Rất nhiều chính phủ đã lên án phản đối, khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và nhiều nước trở nên căng thẳng. Ngày 18/06/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo Luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, trực tiếp trừng phạt quan chức của ĐCSTQ tại Tân Cương.
Bóp nghẹt Hồng Kông
Năm 1997 chính quyền Trung Quốc và Vương quốc Anh đã ký thỏa thuận về quy chế “Một quốc gia hai chế độ” cho Hồng Kông, đảm bảo quyền tự trị cao độ và tự do dân chủ cho thành phố cảnh này trong 50 năm kế tiếp. Thực tế trong hơn 20 năm qua, Hồng Kông đã đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Trung Quốc. Ngay những năm gần đây, Hồng Kông vẫn chiếm tỉ trọng lớn, trên 70% vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.
Với việc áp đặt Luật này, chính quyền Trung Quốc đã tự gây khó khăn cho mình khi bóp nghẹt cửa ngõ thu hút vốn cho Trung Quốc đại lục, đặc biệt khi Hoa Kỳ nhanh chóng gỡ bỏ quy chế ưu đãi với Hồng Kông, khiến trung tâm tài chính kinh tế này mất đi vị thế đặc biệt kết nối kinh tế quốc tế với Trung Quốc đại lục.
Về vấn đề Biển Đông
Nhiều quan chức Mỹ đã nhắc lại sự bội hứa của ông Tập với ông Trump, về việc không quân sự hóa biển Đông. Hồi tháng 7, Mỹ đã chính thức bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn”, và thể hiện lập trường ủng hộ các nước khác trong tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Phản ứng của chính phủ Mỹ kéo theo động thái nối tiếp của nhiều nước liên quan như Nhật, Úc, Ấn Độ và một số nước ASEAN, bao gồm việc tăng cường tập trận quân sự. Đặc biệt nước Úc đã nối gót Mỹ chính thức bác bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Nếu sức ép từ Mỹ và đồng minh tiếp tục căng thẳng như hiện nay dẫn đến chiến tranh trên biển, thì chính quyền Trung Quốc gần như nắm chắc thất bại vì sự chênh lệch sức mạnh còn quá lớn.
Vấn đề Đài Loan
Chính phủ của tổng thống Thái Anh Văn sau khi nắm quyền đã thể hiện thái độ đối nghịch với Trung Quốc. Tuy nhiên ĐCSTQ bằng nhiều cách đã tác động lên dư luận Đài Loan, khiến cho đảng của bà Thái thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018.
Nhưng sau hàng loạt động thái bóp nghẹt Hồng Kông năm 2019 bằng dự Luật dẫn độ, dư luận Đài Loan đã quay ngoắt lập trường 180 độ. Trong cuộc bầu cử đầu tháng 1 vừa qua, cử tri Đài Loan đã quay lại ủng hộ bà Thái, khiến tham vọng khống chế Đài Loan của chính quyền Trung Quốc trở nên xa vời.
Phát biểu của ông Tập hồi đầu năm 2019, khi đe dọa sẵn sàng sử dụng vũ lực để “thống nhất Đài Loan” đã khiến một bộ phận dân chúng Đài Loan tức giận. Giả định ông Tập không quá nôn nóng bóp nghẹt Hồng Kông và Đài Loan, gần như chắc chắn ứng viên Hàn Quốc Du thân Bắc Kinh đã thế chỗ bà Thái để lên nắm quyền. Nếu vậy thì vấn đề Đài Loan sẽ trở nên dễ dàng hơn cho chính quyền Trung Quốc.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán
Năm 2003 khi đại dịch SARS bùng phát, ĐCSTQ đã bị Tổ chức Y tế thế giới WHO và dư luận quốc tế phê phán nghiêm trọng vì giấu dịch. Tuy nhiên, “rút kinh nghiệm” từ bài học lần trước, lần này ông Tập đã khống chế và nắm chắc Tổ chức Y tế thế giới nói chung và người đứng đầu WHO nói riêng là tổng giám đốc Tedros, khiến cơ quan y tế toàn cầu này trợ giúp Bắc Kinh bưng bít nghiêm trọng thông tin dịch bệnh.
Phải đến ngày 21/01, ông Tập mới có bài phát biểu chính thức về tình hình đại dịch, trong khi các bác sĩ Trung Quốc đã cố gắng cảnh báo cho công chúng từ trước đó cả tháng. Các tiếng nói cảnh báo đã bị “xử lý rất nghiêm” nhằm tránh gây “bất ổn định xã hội”, đúng với chủ trương của ông Tập và ĐCSTQ.
Giờ đây, khi nói đến đại dịch thì trách nhiệm vẫn đang được treo trên đầu chính quyền Bắc Kinh. Đến khi thế giới kiểm soát được đại dịch thì chắc chắn trách nhiệm này sẽ được truy cứu.
Lời bàn
Gần đây, trên mạng internet đã lan truyền cách gọi tổng bí thư Tập Cận Bình là “tổng gia tốc sư”. Hàm ý là hàng loạt động thái từ ông Tập trong mấy năm qua đã khiến chính quyền Trung Quốc đang nhanh chóng đi tới bờ vực sụp đổ.
Chính quyền Trung Quốc trong hơn 70 năm qua đã thực hiện vô số hành động thể hiện bản chất giả dối, độc ác và bạo lực đối với người dân Trung Quốc. Khi mở rộng sức ảnh hưởng ra thế giới, bản chất đó vẫn không đổi. Do vậy có thể nói sự đổ vỡ của nó là sự mong đợi trên toàn cầu.
Trong 40 năm gần đây, ĐCSTQ đã âm thầm thao túng khống chế thế giới một cách khá dễ dàng. Nhưng có lẽ sự dễ dàng đó đã khiến ông Tập cảm thấy nôn nóng. Chính sự ngông cuồng đó lại đang khiến thế giới thức tỉnh, khiến xu hướng phản kháng chính quyền Trung Quốc cho đến nay đang ngày càng trở nên phổ biến và mạnh mẽ.
Người xưa có câu: “Trời muốn diệt kẻ nào thì trước tiên sẽ khiến kẻ ấy phát điên”. Trung Quốc bước sang năm 2020 với đầy những biến động to lớn. Từ đại dịch cho đến các diễn biến nêu trên kết hợp với thiên tai triền miên không ngừng, chính quyền Trung Quốc dường như đang lâm vào cảnh khó khăn này chưa qua, khó khăn khác đã tới.
Không biết rằng sau này khi nhìn lại giai đoạn lịch sử đặc biệt này, người ta sẽ nhớ tới Tập Cận Bình như một kẻ có “công” hay tội. Nhưng những động thái của ông Tập những năm qua đã thúc đẩy quá trình sụp đổ của chính quyền Trung Quốc diễn ra nhanh chóng. Có thể nói, âu đó cũng là quy luật, rằng kẻ ác làm điều ác cho nên cuối cùng cũng đi đến tự hủy diệt bản thân.