Saturday, April 20, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếHiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia

Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia

Điều 8, Luật Biên giới Quốc gia năm 2003 quy định: “Vùng nước lịch sử là vùng nước do những điều kiện địa lý đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam hoặc của Việt Nam và các quốc gia cùng có quá trình quản lý, khai thác, sử dụng lâu đời được Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan thỏa thuận sử dụng theo một quy chế đặc biệt bằng việc ký kết điều ước quốc tế”.

Do điều kiện chưa phân định được đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia, ngày 07/7/1982, hai nước đã ký kết Hiệp định về “Vùng nước lịch sử của Việt Nam và Campuchia”, nhằm thỏa thuận, thống nhất chủ quyền pháp lý các đảo, phạm vi, quyền hạn quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lợi trong Vùng nước lịch sử của mỗi quốc gia; đồng thời, chấm dứt việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn ra phức tạp, lâu dài trong lịch sử quan hệ giữa hai nước trên khu vực Vịnh Thái Lan (phía Tây Nam Việt Nam).

Hiệp định đã xác định rõ phạm vi Vùng nước lịch sử chung của hai nước là: Vùng biển nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc và quần đảo Thổ Chu của Việt Nam với bờ biển tỉnh Kampot và nhóm đảo Poulowai của Campuchia.

Theo đó, hai nước có quyền áp dụng quy chế pháp lý trên vùng nước lịch sử như chế độ vùng nội thủy.

Nội dung của Hiệp định, gồm nhiều vấn đề, trong đó cốt lõi là thống nhất, thỏa thuận: Lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong vùng nước lịch sử này. Đây là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế vào phát triển từ phân định ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát thành đường phân chia chủ quyền các đảo trong Vùng nước lịch sử của hai nước.

Theo Hiệp định, việc tuần tiễu, kiểm soát trong Vùng nước lịch sử này sẽ do hai bên cùng tiến hành; Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong Vùng này vẫn theo tập quán làm ăn từ trước đến nay. Đối với việc khai thác tài nguyên: Dầu khí, khoáng sản, băng cháy,… trong Vùng nước lịch sử sẽ do hai bên cùng thỏa thuận; khi chưa có thỏa thuận, không bên nào được đơn phương tiến hành.

Thỏa thuận sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp trên cơ sở bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để hoạch định biên giới biển giữa hai nước trong Vùng nước lịch sử.

Hiệp định có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, pháp lý trong lịch sử quan hệ giữa hai nước; đặc biệt, vấn đề chủ quyền đối với các đảo được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, là cơ sở pháp lý để hai nước quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn lợi trong Vùng nước lịch sử.

RELATED ARTICLES

Tin mới