Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững giải pháp “cứu” hàng không Việt Nam

Những giải pháp “cứu” hàng không Việt Nam

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ cứu doanh nghiệp hàng không do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.

Ông Phó chủ tịch Hiệp hội Bùi Doãn Nề đã gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đơn ” kêu cứu” nêu rõ: Từ cuối tháng 7/2020, dịch Covid-19 tiếp tục tái phát ở một số địa phương, đặc biệt là TP Đà Nẵng – thị trường trọng điểm du lịch – hàng không nội địa.

Nghiêm trọng hơn dịch Covid-19 tái phát đã tác động tới tâm lý toàn xã hội. Nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột. Các hãng hàng không mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm của ngành Hàng không.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50% – 70% so với cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé… Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế cũng mới đưa ra dự báo đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay. Hơn lúc nào hết các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành.

Từ đây, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm; Cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Bộ GTVT và TCT Cảng hàng không VN (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.

Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70% ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021; Xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đáng lưu ý, cơ quan này đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trên tàu bay. Qua đó, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, và cho phép các chuyên gia, trong đó, có các giáo sư của Trường Đh Mỹ tại Việt Nam (AUV) sang Việt Nam giảng dạy từ cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hãng hàng không đã liên tục công bố kết quả kinh doanh tệ nhất trong lịch sử hoạt động.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, chỉ bằng gần 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái (24.363 tỷ đồng). Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế âm 3.981 tỷ đồng so với mức lãi 206 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu 24.934 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bị âm 6.542 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận thực dương 1.785,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN tính đến tháng 6/2020 của Vietnam Airlines cũng đã lên tới 4.607 đồng.

Bamboo Airways hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trước đó Bamboo Airways cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020.

Với Vietjet, trong quý II/2020, nếu tính riêng công ty mẹ Vietjet với mảng kinh doanh vận chuyển hành khách và phụ trợ vận tải hàng không, hãng ghi nhận 1.970 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm thấp hơn khiến hãng mẹ lỗ gộp 1.926 tỷ đồng(cùng kỳ vẫn lãi trên 1.102 tỷ).

Dù doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 8 lần cùng kỳ (đạt gần 1.200 tỷ) nhưng khoản lỗ gộp cùng với hàng trăm tỷ chi phí phát sinh đã khiến hãng bay mẹ Vietjet lỗ trước thuế 1.165 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của hãng cũng đã giảm hơn 1.600 tỷ đồng, chuyển từlãi 511 tỷ cùng kỳ 2019 sang âm 1.122 tỷ đồng năm nay.

Tính chung 6 tháng, Vietjet ghi nhận 9.194 tỷ đồngdoanh thu, giảm 54% và lỗ ròng sau thuế 2.112 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, cả 3 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đề xuất tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo tìm hiểu, Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đã tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot tại các cảng hàng không Việt Nam (không áp dụng việc tính slot lịch sử trong việc phân bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam).

Các hãng cũng được tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách…

Cục Hàng không VN cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ trong ngành hàng không chủ động hỗ trợ nhau.

Hiện nay, TCT Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng đang sử dụng dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV. Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá từ 10 – 50%.

Riêng dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng, đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ giảm 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm 30%. Các dịch vụ trên được miễn, giảm giá từ ngày 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.

Ngoài ra, Cục Hàng không VN đã báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Trong đó, bổ sung quy định giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Hàng không VN cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét, có các biện pháp hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới