Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ sẽ không còn là "công xưởng của thế giới"

TQ sẽ không còn là “công xưởng của thế giới”

Sự phát triển kinh tế và tình hình thế giới buộc Trung Quốc phải dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng rời xa danh xưng ‘Công xưởng của thế giới’.

Trung Quốc đang tận dụng cơ hội trong khó khăn để chuyển đổi mô hình kinh tế

Nhà máy đóng cửa, công nhân trở về nông thôn

Những hậu quả ghê gớm của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, cùng với sự phát triển của một nền kinh tế công nghệ cao, dẫn đến giá nhân công tăng cao đã khiến Trung Quốc không còn là một “miền đất hứa” của giới đầu tư. Các công ty nước ngoài đang chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.

Cùng lúc đó tình trạng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm đã đẩy hàng loạt công ty Trung Quốc đến chỗ phải nộp đơn xin phá sản. Những người di cư lao động Trung Quốc bị mất việc làm đã hứng chịu đòn nặng nề nhất.

Hiện nay vẫn chưa có thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc về tổng số bao nhiêu nhà máy đã đóng cửa trong nửa đầu năm 2020, nhưng một số công ty tài chính Đại lục đã đưa ra tính toán sơ bộ.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đã mô tả câu chuyện về một trong những nhà máy ở tỉnh Quảng Đông thông báo việc đóng cửa nhà máy làm xuất hiện hàng dài những người di cư lao động trở về các vùng quê của họ.

Sự rời đi của những công nhân nhập cư đã khiến các cửa hàng, khách sạn nhỏ và ký túc xá, quán ăn gần đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động và thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào công nhân nhà máy này.

Theo thống kê chính thức, vào tháng 6/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố của Trung Quốc là 5,7%, con số này đã được cải thiện một chút so với thời điểm tháng 2 năm nay, khi dịch bệnh ở mức đỉnh điểm.

Vào cuối năm ngoái, có hơn 774 triệu công dân có việc làm ở Trung Quốc, trong đó hơn 290 triệu là người di cư lao động từ các làng quê, nhưng đến cuối quý II năm nay, con số này giảm xuống còn hơn 177 triệu.

Hiện tượng dòng dân cư khổng lồ trở lại nông thôn trong bối cảnh dịch bệnh đã vô tình tạo ra cơ hội cho chính phủ Trung Quốc tập trung vào đẩy mạnh sự phát triển của các khu vực phi thành thị và tạo ra việc làm ở nông thôn.

Trung Quốc điều chỉnh cơ cấu kinh tế nông thôn-thành thị

Chuyên gia Wang Zhimin – Giám đốc Viện nghiên cứu toàn cầu hóa và hiện đại hóa Trung Quốc thuộc Đại học Kinh tế đối ngoại và thương mại, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu mở Trung Quốc, đã chỉ ra, một số vấn đề nảy sinh trong quá trình xung đột thương mại với Hoa Kỳ và đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng áp lực địa kinh tế và địa chính trị đối với Trung Quốc, vì vậy cần phải tìm ra những cách tiếp cận mới ở các khu vực này.

Bộ Lao động và an sinh xã hội Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động hỗ trợ lao động nhập cư bị mất việc làm, đặc biệt tập trung vào khuyến khích việc làm ở nông thôn, vận động người di cư trở về nhà và mở cơ sở kinh doanh tại quê hương.

Bình luận về điều này, ông Wang Zhimin cho rằng một xu hướng tích cực đã xuất hiện trong việc hình thành cân bằng xã hội ở Trung Quốc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra rằng, mâu thuẫn chính trong xã hội hiện nay nằm ở mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng tăng về một cuộc sống tốt hơn và sự phát triển không cân đối, không tương ứng với nó.

Nếu tất cả người dân đều tập trung ở các thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn, điều này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế và an sinh xã hội.

Khái niệm “phát triển không cân bằng” là chỉ sự chênh lệch kinh tế giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị và sự mất cân bằng về cơ cấu dân cư.

Thực tế là trong nhiều năm qua, nhiều làng quê, thậm chí thị trấn nhỏ đang rất hoang vu, không có đủ lao động trẻ, khiến kinh tế đất nước phát triển thiếu cân bằng, không thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Đây là một vấn đề không thể giải quyết nhanh chóng và theo các chuyên gia, COVID-19 cùng với chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới “sự kết thúc của kỷ nguyên lao động di cư”, đánh dấu một quá trình chuyển đổi và có xu hướng phát triển.

Mô hình phát triển mới của kinh tế Trung Quốc

Để thực hiện được điều này, Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã ấp ủ ý định thực hiện một cuộc cải cách, nhằm đạt được sự phát triển cân bằng và toàn diện của xã hội Trung Quốc, cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội.

Mục tiêu chính là định hướng lại nền kinh tế từ xuất khẩu sang một nền kinh tế dựa trên các động lực mạnh mẽ trong nước, bao gồm cả tiêu dùng nội địa.

Trong báo cáo cuối năm ngoái của chính phủ Trung Quốc, một mô hình phát triển mới đã được đề xuất, được gọi là “tuần hoàn kép”.

Mô hình này chỉ ra, để đạt được sự phát triển kinh tế, cần phải kích thích tiêu dùng, giải quyết vấn đề việc làm trong các làng mạc và các thị trấn nhỏ, để huy động tất cả các nguồn lực của những nơi này.

Với sự bùng nổ của đại dịch corona virus, thuật ngữ “tuần hoàn kép” ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong chương trình nghị sự kinh tế Trung Quốc và trong các bài phát biểu của giới lãnh đạo.

Ví dụ, vào cuối tháng 7, trong hàng loạt bài phát biểu tại các cuộc họp và hội nghị của chính phủ về kế hoạch khôi phục nền kinh tế Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi cải cách kích cầu trong nước, trong khuôn khổ khái niệm này.

Hiện nay, Bắc Kinh đang ngày càng chú ý hơn đến một mô hình phát triển kinh tế mới, đó là tạo ra cái gọi là lưu thông nội địa và nội – ngoại thương.

Có thể nói, những năm gần đây Trung Quốc ngày càng ít phụ thuộc vào ngoại thương. Nếu như 15 năm trước, thu nhập từ ngoại thương và xuất khẩu là 66% GDP thì nay chỉ còn khoảng 32%.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với tiềm năng của một thị trường lớn nhất thế giới và tiêu thụ nội địa cũng đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ được kích thích nếu sử dụng hết tiềm năng của thị trường nội địa. Giải quyết mâu thuẫn chính trong xã hội, nâng cao mức thu nhập của tầng lớp trung lưu và thấp hơn sẽ có thể giúp kích thích tiêu dùng.

Trung Quốc có còn là ‘Công xưởng của thế giới’?

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, việc chuyển đổi mô hình kinh tế đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến vai trò “công xưởng thế giới” của nước này. Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới do lượng nhân công dồi dào, mức lương thấp, các nhà máy, xí nghiệp tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp trong thành phố.

Việc dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn, cùng với sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là một nền kinh tế phát triển mạnh với hàm lượng công nghệ cao đã khiến Trung Quốc không còn là điểm đến lí tưởng của chuỗi sản xuất trong tương lai. Do đó, xu hướng phát triển kinh tế tập trung vào tiêu thụ nội địa là một định hướng đúng đắn.

Vậy nước nào sẽ thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới? Các dự đoán bắt đầu xuất hiện trên truyền thông về việc nước nào sẽ thay thế cho vai trò của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thời báo Hoàn Cầu đã đăng một bài phân tích về tham vọng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo ý kiến của tờ báo, Ấn Độ vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài để phát triển theo hướng này, vì vậy trong tương lai gần, Ấn Độ vẫn chưa thể thay thế được vai trò của Trung Quốc.

Chuyên gia Wang Zhimin nhấn mạnh rằng, thay đổi là để phù hợp với xu hướng và đại dịch đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội để chuyển mình, giải quyết vấn đề phát triển mất cân đối.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc sẽ chưa mất vai trò là “công xưởng thế giới”, mặc dù nó sẽ không phải là mãi mãi. Ông cho rằng, trong thời gian ngắn tới, vẫn chưa có nước nào thay thế được Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới