Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác tại Đông Nam Á, một số chuyên gia dự đoán là căng thẳng ở Biển Đông leo thang có thể thúc đẩy ASEAN tìm cách đẩy nhanh và kết thúc sớm các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Điều này sẽ giúp giảm thiểu các cú sốc tiềm năng đối với hòa bình và ổn định khu vực, và khẳng định sự liên quan cũng như tính trung tâm của khối ASEAN. Trung Quốc có khả năng ủng hộ điều tương tự, nếu việc đạt được bộ luật ứng xử như vậy là một minh chứng cho khả năng xử lý tranh chấp của họ một cách hợp lý mà không cần “sự can thiệp” của các quốc gia khác.
Trung Quốc gần đây cũng đã tuyên bố là nhất trí khôi phục tiến trình đàm phán với các nước Đông Nam Á về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Động thái này được cho là để giúp Bắc Kinh khôi phục hình ảnh quốc tế sau thiệt hại vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) và nhiều tháng không ngừng thúc đẩy các hoạt động nhằm khẳng định bản thân là cường quốc quân sự hóa mạnh mẽ nhất tại vùng biển này.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, Trung Quốc lại không hề giảm bớt các hoạt động hung hăng của mình trên biển Đông. Đã diễn ra nhiều vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân các nước khác. Tàu thăm dò và tàu hải cảnh Trung Quốc cũng nhiều lân xâm phạm vùng biển của các quốc gia láng giềng khác. Tháng 4/2020, Trung Quốc thậm chí còn thành lập hai quận hành chính mới để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa). Từ khi phán quyết của Toà Trọng tài được đưa ra cách đây 4 năm, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, cho phép Bắc Kinh bành trướng quyền lực ngay “trái tim” hàng hải của Đông Nam Á và gia tăng áp lực đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
ASEAN và Trung Quốc mặc dù đã có nhiều tuyên bố về tiến triển trong quá trình đàm phán COC. Năm 2017, hai bên công bố Khung đàm phán COC, và sau đó là Văn bản đàm phán duy nhất dài hơn 19 trang vào năm 2018, cùng Dự thảo Đầu tiên dài 20 trang trong năm 2019. Tuy nhiên, tất cả những thành quả này đều không đủ để hóa giải những bất đồng song phương. Theo một số quan chức có liên quan tới tiến trình đàm phán, Dự thảo Đầu tiên của COC bao gồm một loạt bất đồng, nếu không muốn nói là không thể hòa giải, trong lập trường của Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền trong ASEAN.
Tháng 8/2018, nội dung dự thảo văn bản đàm phán được công bố, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đó đơn phương tuyên bố tiến trình này sẽ hoàn tất trong 3 năm. Suốt một thời gian dài, ASEAN không hề lên tiếng đính chính song nhiều tuyên bố của khối đều nói rằng lịch trình sẽ do hai bên thỏa thuận. Thông thường các bên sẽ phải tham gia 3 phiên đọc văn bản dự thảo. Phiên đầu tiên đã diễn ra vào tháng 8/2019, và vẫn còn 2 phiên khác chưa có kế hoạch cụ thể.
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng sang tàu kiểm ngư của Việt Nam hôm 2/6/2014 ở Biển Đông AFP
Nhìn chung, các nước ASEAN muốn kiềm chế hành vi của Trung Quốc, còn Trung Quốc không muốn bị kiềm chế về hành vi. ASEAN hầu như không có sức mạnh ép buộc hay lôi kéo Trung Quốc nhất trí với một COC có ý nghĩa, do vậy các cuộc đàm phán chỉ diễn ra một cách luẩn quẩn. Về mặt kỹ thuật thì hiện đã có “Văn bản dự thảo đàm phán chung”, nhưng các bên vẫn không thể nhất trí với nhau về cùng những vấn đề trước đây. Ví dụ như: Phạm vi địa lý của COC sẽ bao gồm quần đảo Hoàng Sa (như Việt Nam mong muốn) và bãi cạn Scarborough (như Philippines mong muốn) hay chỉ bao gồm quần đảo Trường Sa (như Trung Quốc mong muốn)? Liệu COC có mang tính “ràng buộc pháp lý như mong muốn của một vài nước ASEAN hay không? Và “ràng buộc pháp lý” thực sự có nghĩa là gì? Ngoài ra, còn có một danh sách các vấn đề khác, mà một vài trong số đó được Trung Quốc đưa vào chỉ để trì hoãn mọi việc. Chẳng hạn, Trung Quốc muốn tất cả các bên ký kết đều có thể phủ quyết các cuộc tập trận hải quân với bất kỳ bên nào không tham gia ký kết (chẳng hạn giữa Việt Nam và Nhật Bản), và điều đó là không thể chấp nhận được đối với các nước ASEAN vốn dựa vào quan hệ với các cường quốc bên ngoài để tìm cách tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Vì thế, tiến trình COC vẫn chưa thấy có khả năng sớm kết thúc.
Tất cả các bên đều rất mệt mỏi và muốn sớm hoàn tất COC, song không ai muốn đi đến đích để chỉ có một văn bản vô giá trị, “như DOC”, một văn bản đã được thông qua và kêu gọi các bên kiềm chế.
Một khó khăn nữa cho ASEAN chính là việc Trung Quốc luôn muốn loại Mỹ và các quốc gia khác ra khỏi tiến trình đàm phán COC, và đây chính là thách thức đòi hỏi ASEAN phải tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới nếu muốn văn bản này thực sự có ý nghĩa.
Sự gia tăng hiện diện của Mỹ tại Biển Đông sẽ đặt ASEAN vào thế khó hơn, khiến phản ứng của các nước ASEAN sẽ ngày càng chia rẽ. Một số nước lặng lẽ ủng hộ sự thay đổi chính sách của Mỹ, một số khác, chẳng hạn như Malaysia, có thể không, ít nhất là về mặt chính thức. Về phần mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục mô tả Mỹ là nước can thiệp vào tranh chấp tại khu vực và tự mô tả mình là quốc gia đang sát cánh cùng ASEAN thông qua tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông. Tất nhiên, với các hành động lấn lướt liên tục của Trung Quốc tại các vùng biển của Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, luận điệu này của Trung Quốc khó có tính thuyết phục.
Một thách thức khác cho việc đàm phán COC là việc viện dẫn và tuân thủ Phán quyết Trọng tài năm 2016. Theo phán quyết này, cái gọi là “Đường 9 đoạn” không hề có căn cứ pháp lý và cũng không có bất kỳ thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được xem là đảo, đủ để thiết lập quanh đó các EEZ và thềm lục địa, vì vậy phạm vi các khu vực tranh chấp và có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông đã được thu hẹp đáng kể. Việc tuân thủ phán quyết sẽ củng cố cam kết của các bên đối với UNCLOS, một văn bản luật quốc tế từng nhiều lần được nhấn mạnh trong tiến trình đàm phán COC. Hơn thế nữa, phán quyết này chắc chắn sẽ khiến COC trở nên đáng tin cậy hơn, đối với cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế.
Ngược lại, nếu tiếp tục bỏ qua phán quyết này, các bên tham gia COC sẽ rơi vào tình trạng rối như tơ vò khi phải thảo luận về những vụ xâm phạm EEZ; về việc tàu chiến, tàu tuần duyên hăm dọa các tàu thăm dù hay cản trở hoạt động khoan dầu trong khu vực thuộc chủ quyền của các nước duyên hải, nơi được UNCLOS công nhận và bảo vệ. Nếu tôn trọng phán quyết của Toà trọng tài, những vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết một cách dễ dàng.
Tình hình thế giới đang có nhiều biến động. “Gió đã đổi chiều”, khi Mỹ tích cực thể hiện vai trò và quyết tâm kiềm chế Trung Quốc tại biển Đông, nhiều quốc gia ASEAN đang thấy những cơ hội để bảo vệ lợi ích của họ trên biển Đông. Việc Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam cùng gửi công hàm lên LHQ cho thấy vấn đề đó. Ngoài ra, Brunei, trước đây vốn giữ im lặng về vấn đề biển Đông, nhưng mới đây cũng đã ra tuyên bố chính thức, yêu cầu các bên tuân thủ UNCLOS và luật pháp quốc tế; Malaysia đã tỏ thái độ mạnh mẽ, cho dù trước đây sử dụng “chính sách ngoại giao im lặng”. Tất cả những vấn đề đó cho thấy, các nước ASEAN đang tận dụng tình hình để theo đuổi việc bảo vệ lợi ích trên biển Đông. Vì thế, các yêu cầu một COC có nội dung tuân thủ UNCLOS và luật pháp quốc tế; vận dụng quy định từ phán quyết của Toà Trọng tài; có sự ràng buộc pháp lý và mang tính thực chất sẽ được chủ tịch ASEAN kỳ này – Việt Nam đặt ra. Đương nhiên, Trung Quốc cũng sẽ không đồng ý. Vì vậy, tiến trình đàm phán COC sẽ còn hết sức gập ghềnh.
Trên thực tế, ASEAN – bị ràng buộc bởi những lợi ích khác nhau của các nước thành viên và áp lực từ Trung Quốc – không thể đứng lên bảo vệ phán quyết của Toà Trọng tài. Tuy nhiên, những kết luận của Toà Trọng tài ít nhiều cũng đã tạo dựng những nền tảng nhất định để các nước Đông Nam Á liên quan có thể căn cứ và thúc đẩy việc đàm phán COC. ASEAN, với tư cách một khối thống nhất, cần sáng suốt cân nhắc chủ nghĩa hiện thực, và tránh bị sa đà vào sự dẫn dắt của Trung Quốc. Một bộ quy tắc tồi, chứ không phải việc đàm phán thất bại COC, sẽ khiến uy tín của ASEAN đứng trước nhiều rủi ro hơn.