Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinTháng 9 sẽ là tháng "đại hạn" của đập Tam Hiệp

Tháng 9 sẽ là tháng “đại hạn” của đập Tam Hiệp

Giới chức Trung Quốc cảnh báo mưa lớn tại Trung Quốc có thể kéo dài tới hết tháng 8 sang tháng 9. Tân Hoa xã ngày 22/8 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Trung Quốc Chu Học Văn nói rằng mùa lũ chính tại Trung Quốc sẽ kéo dài đến cuối tháng 9 và giai đoạn kế tiếp có thể gây thiệt hại đáng kể.

Mưa lớn ở thượng nguồn Tam Hiệp kéo dài hết tháng 8.

Cơ quan khí tượng dự báo mưa lớn có thể tiếp tục trút xuống lưu vực sông Dương Tử trong ngày 23/8, do đó nhà chức trách Trung Quốc đang giữ cảnh giác cao độ. Gánh nặng ngày càng gia tăng lên đập Tam Hiệp làm dấy lên lo ngại về một thảm họa tiềm tàng ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người ở hạ nguồn.

Lưu lượng vào hồ chứa đập Tam Hiệp đã lên tới 75 triệu mét khối trên giây, phá vỡ kỷ lục 61 triệu mét khối mỗi giây lập hồi tháng trước, theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc. Trong khi phải điều chỉnh lượng xả lũ để giảm tác động đột ngột ở hạ nguồn.

Mặc dù giới chức Trung Quốc khẳng định, đập Tam Hiệp không bị đe dọa nhưng trên thực tế mực nước hồ chứa đã gần tới mức tối đa.

Hôm 21/8, giới chức cho biết, lưu lượng nước vào hồ chứa đập Tam Hiệp đã phần nào giảm bớt dù vẫn trong tình trạng báo động.

“Sức ép kiểm soát lũ lụt ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử đã được giảm bớt” – Tân Hoa Xã cho hay.

Từ tháng 6, lũ lụt hoành hành tại nhiều vùng ở Trung Quốc với mực nước trên các sông lớn như Dương Tử (Trường Giang) và Hoàng Hà vượt xa mức cảnh báo.

Tại đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới nằm ở khúc giữa của sông Dương Tử, mực nước của hồ chứa đạt ngưỡng kỷ lục kể từ khi nó bắt đầu trữ nước vào năm 2003.

Vào mùa mưa, mực nước trong hồ được giảm xuống 145 m nhằm kiểm soát lũ hiệu quả nhưng mực nước hiện nay đã lên đến 165 m.

Lượng nước đổ về con đập ngày 20/8 là 75.000 m3/giây, buộc đơn vị quản lý đập phải mở thêm cửa xả thứ 11. Một ngày sau, đập Tam Hiệp phải giảm bớt lượng xả lũ 5% nhằm ngăn lũ ở hạ nguồn. Dẫu vậy, mực nước trong hồ chứa vẫn tăng lên vì mưa lớn kéo theo lượng nước lớn từ thượng nguồn vẫn liên tục đổ về.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc nêu trong thông cáo rằng, đoạn sông Hoàng Hà qua tỉnh Thiểm Tây hôm 21/8 đã đạt mức kỷ lục kể từ 1997. Gần 700 con sông nhỏ hơn và các phụ lưu cũng bị ngập lụt, gây sức ép lớn cho các con đập và đê kè cũ.

Lũ lụt cũng đe dọa nhiều di tích nổi tiếng của Trung Quốc. Tại Tứ Xuyên, nước lũ dâng tới Lạc Sơn Đại Phật  – tượng Phật khổng lồ 1.200 năm tuổi được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Ở Trùng Khánh, lũ lụt đã “nuốt chửng” Từ Khí Khẩu, một thương cảng cổ ven sông gần nơi sông Gia Lăng hợp với sông Dương Tử. Tân Hoa Xã cho biết, nước lũ đã dâng tới tầng thứ 3 của một số toà nhà ở bờ sông.

Những bức ảnh chụp thành phố Trùng Khánh cho thấy nước lũ đục ngầu nhấn chìm một dải lớn của thành phố, trong đó có cả Hồng Nhai Động – một cấu trúc 11 tầng là điểm du lịch nổi tiếng. Hồng Nhai Động đã bị đóng cửa từ 18/8 và nhân viên khu du lịch đang dọn bùn đất ở đây.

Hồi giữa tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thị sát tình hình tại tỉnh An Huy, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đến TP.Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên ở thượng nguồn Dương Tử. Tờ Nikkei Asian Review bình luận, việc hai lãnh đạo Trung Quốc trong lần hiếm hoi rời khỏi Bắc Kinh cùng lúc đi công tác trong nước cho thấy mức độ nghiêm trọng của mùa mưa lũ này.

Thực tế là mưa lớn kéo dài từ tháng 6 đến nay tại tây bắc Trung Quốc đã khiến hơn 63 triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính gần 26 tỉ USD.

Thiệt hại từ đợt lũ đặt dấu hỏi lớn cho sự phát triển của các vùng đô thị dọc lưu vực sông Dương Tử, là nơi sinh sống của 1/3 dân số Trung Quốc và chiếm khoảng 40% GDP cả nước, theo Viện Tài nguyên thế giới (Mỹ).

Thành phố Trùng Khánh ở thượng nguồn sông Dương Tử tuần này hứng đợt lũ thứ 5 từ đầu mùa và đỉnh lũ đo được ngày 20/8 lên mức kỷ lục 191,5 m, khiến 250.000 dân phải sơ tán. Đợt lũ thứ 5 đến chỉ 2 ngày sau khi trận lũ thứ 4 vừa rút khiến tình hình ứng phó lũ lụt tại đây liên tục căng thẳng.

Mưa lớn thường xảy ra ở miền nam Trung Quốc trong mùa hè nhưng năm nay nghiêm trọng và kéo dài hơn bình thường.

RELATED ARTICLES

Tin mới