Nhiều người phát hiện tài liệu Toạ đàm Phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam do GreenID tổ chức in bản đồ Việt Nam nhưng không có Hoàng Sa và Trường Sa.
Tài liệu hội thảo phát cho đại biểu tại Toạ đàm Phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam do GreenID tổ chức
in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo anh H.V (TP.Hà Nội), trong một số tài liệu phát cho các đại biểu, phóng viên báo chí tham dự Toạ đàm Phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam có in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, tại trang 9 cuốn báo cáo tóm tắt “Tiếp cận năng lượng và các giá trị cho người dân khu vực chưa có điện tại Việt Nam” có in hình bản đồ Việt Nam nhưng đã bị xoá hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngoài ra tại hành lang khách sạn, ban tổ chức trang trí các tấm banner lớn có in hình bản đồ Việt Nam nhưng cũng không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đáng nói khi phát hiện sai sót, anh V. chủ động gặp ban tổ chức để trao đổi song không được tiếp nhận một cách cầu thị.
Được biết, Toạ đàm do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh – GreenID và các đối tác tổ chức sáng 25/8 tại khách sạn Melia Hà Nội.
Một cán bộ GreenID xác nhận có sự việc trên và cho biết đã thu hồi toàn bộ tài liệu và tìm cách khắc phục. “Thông tin cụ thể chúng tôi sẽ có thông cáo sau”, vị này cho biết.
Theo Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chủ quyền biển đảo là một vấn đề chưa bao giờ hết sự quan tâm từ nhà nước cũng như người dân Việt Nam. Tuy vậy, thời gian gần đây có nhiều hành vi có thể là vô ý cũng có thể là cố ý khi tiến hành xuất bản, phát hành các ấn phẩm như sách, giáo trình, bản đồ… lại thiếu hình ảnh hai quần đảo lớn là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa hoặc lại có hình ảnh “bản đồ hình lưỡi bò”. Đây là hành vi vi phạm các quy định về cung ứng, đo đạc bản đồ.
Với hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 nghị định 173/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ với mức phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi sản phẩm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Vẫn theo ông Tùng, cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành thanh tra, rà soát các trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc xuất bản và cung ứng cuốn sách sai lệch nêu trên. Trường hợp cá nhân nào có hành vi thiếu trách nhiệm trong công vụ của mình dẫn đến sai lầm nêu trên thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
“Các cơ quan, ban ngành tại chính các địa phương cụ thể cũng cần phải thắt chặt công tác quản lý liên quan đến vấn đề in ấn, xuất bản sách, tài liệu,… cần phải chú ý đến vấn đề chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia, chủ quyền dân tộc”, ông Tùng nói.