Manila sẽ dùng đến hiệp ước quốc phòng với Mỹ nếu bị Trung Quốc tấn công trên biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr hôm qua cho biết.
Đây là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte công khai tuyên bố sẽ nhờ Washington giúp, khi căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh gia tăng ở vùng biển tranh chấp.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình của kênh tin tức ANC, ông Locsin nói rằng Manila sẽ tiếp tục tuần tra trên biển dù Bắc Kinh gọi đó là “hành động khiêu khích trái phép”.
“Họ có thể gọi đó là khiêu khích trái phép, bạn không thể thay đổi suy nghĩ. Họ thua trong phán quyết của toà trọng tài”, ông Locsin nói về phán quyết của Toà trọng tài quốc tế năm 2016 với nội dung bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông.
“Nhưng nếu điều gì đó xảy ra hơn cả sự xâm phạm mà thực tế là một cuộc tấn công vào tàu hải quân Philippines…chúng tôi sẽ gọi Washington DC”, ông Locsin nói.
Khi được người dẫn chương trình hỏi rằng trong những tình huống nào Manila sẽ gọi Mỹ, ông Locsin từ chối giải thích chi tiết, chỉ nói: “Tôi sẽ không nói về điều đó vì bản chất của thuyết răn đe là sự không chắc chắn”.
Đầu tháng này, ông Locsin có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sau khi Washington tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông là trái pháp luật.
Bắc Kinh vin vào cái gọi là “đường 9 đoạn” để đưa ra yêu sách về quyền lịch sử phi lý trên biển Đông. Phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 đã khẳng định cái Trung Quốc gọi là quyền lịch sử này không có cơ sở pháp lý.
Ông Pompeo gần đây đã trao đổi với các ngoại trưởng ASEAN, trong đó có ông Locsin, để “thảo luận về thay đổi gần đây trong chính sách của Mỹ đối với biển Đông, sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước ASEAN ven biển…cũng như cơ hội thúc đẩy hợp tác trên biển giữa Mỹ và Philippines.
Aaron Jed Rabena, một nhà nghiên cứu công tác tại tổ chức tư vấn chính sách Asia Pacific Pathways to Progress, nói rằng Bắc Kinh “có thể coi đây là dấu hiệu cho thấy Manila và Bắc Kinh tiếp tục quan hệ chiến lược”.
Ông Rabena nói rằng khi thăm Philippines vào tháng 3/2019, ông Pompeo đã nói rằng “nếu Trung Quốc khơi mào tấn công vũ trang vào bất kỳ thành viên của lực lượng vũ trang hay tàu cá hoặc máy bay nào của Philippines, Hiệp ước quốc phòng tương hỗ sẽ được kích hoạt”.
Nhà phân tích này cho rằng Philippines “trở nên quyết đoán hơn trong bảo vệ các quyền chủ quyền và lợi ích của mình vì chính phủ cảm thấy rằng họ cần đáp trả những hành động của phía Trung Quốc”.
Từ năm 1951, Mỹ và Philippines có Hiệp ước quốc phòng tương hỗ để cam kết hỗ trợ nhau nếu một trong hai bên bị tấn công.