Giới chức Mỹ nêu đích danh Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là nhà thầu dẫn đầu các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo và hỗ trợ quân sự hóa trái phép trên Biển Đông.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8 công bố đưa 24 công ty quốc doanh của Trung Quốc vào danh sách đen “Entity List”, trong đó có đến 5 đối tượng là công ty con của Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), bao gồm: Công ty Nạo vét CCCC, Công ty Đường thủy Thiên Tân CCCC, Công ty Đường thủy Thượng Hải CCCC, Công ty Đường thủy Quảng Châu CCCC, và Công ty Thiết kế Hàng hải Số 2 CCCC.
“Mỹ, các láng giềng Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã phản đối những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông và đã lên án việc xây dựng đảo nhân tạo cho quân đội Trung Quốc”, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nhấn mạnh trong thông báo về lệnh trừng phạt.
“Những đơn vị được nêu tên hôm nay đã đóng vai trò đáng kể trong việc xây dựng mang tính khiêu khích của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo và phải chịu trách nhiệm”, ông nhấn mạnh.
Dẫn đầu xây đảo nhân tạo phi pháp
Theo ghi nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc từ năm 2013 đã huy động các doanh nghiệp nhà nước nạo vét và bồi đắp hơn 1.200 ha trên những thực thể tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án hoạt động này gây bất ổn cho khu vực, xâm phạm quyền chủ quyền của láng giềng Trung Quốc và hủy hoại nghiêm trọng môi trường.
“CCCC đã dẫn đầu việc nạo vét hủy diệt này của Trung Quốc tại các tiền đồn trên Biển Đông, đồng thời là một trong những nhà thầu hàng đầu được Bắc Kinh sử dụng trong chiến lược toàn cầu ‘Vành đai – Con đường’. CCCC và các công ty con đã nhúng tay vào tham nhũng, hỗ trợ tài chính mang tính săn mồi, phá hoại môi trường và nhiều vi phạm khác trên khắp thế giới”, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố.
“Không thể để cho Trung Quốc sử dụng CCCC và những doanh nghiệp nhà nước làm vũ khí để áp đặt chủ trương bành trướng. Mỹ sẽ hành động đến khi chúng tôi nhận thấy Bắc Kinh chấm dứt cách hành xử mang tính cưỡng ép trên Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với đồng minh, đối tác chống lại hoạt động gây bất ổn này”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Bằng cách đưa 24 công ty Trung Quốc vào “Entity List”, Bộ Thương mại Mỹ sẽ hạn chế công ty nội địa cung cấp công nghệ có nguồn gốc Mỹ cho các đối tượng bị trừng phạt nếu không có giấy phép đặc biệt.
Cụ thể, theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8, danh sách sẽ được Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) sử dụng để hạn chế xuất khẩu, tái xuất khẩu và chuyển giao (trong nước) hàng hóa thuộc danh mục Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR) cho mọi đối tượng (cá nhân, tổ chức lẫn công ty) được cho là có liên quan, hoặc có rủi ro đáng kể sẽ có liên quan, đến các hoạt động đi ngược lại an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại.
Bộ Thương mại Mỹ đồng thời giới hạn số lượng của phần lớn giấy phép đặc biệt cho công ty nước này hợp tác với đối tượng trong “danh sách đen”.
Gần một tháng trước, Washington chính thức phản đối những tuyên bố hàng hải của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 7 nhấn mạnh sự thay đổi chính sách là một phần nỗ lực gìn giữ luật pháp quốc tế trước chiến dịch dùng sức mạnh biến sai thành đúng mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Công ty nhà nước là “vũ khí công thành”
Hoạt động của CCCC và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại Đông Nam Á đã được Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell ngày 14/7 mô tả là “phiên bản tương đương của Công ty Đông Ấn thời hiện đại”.
Đông Ấn là công ty đa quốc gia của Đế quốc Anh trong giai đoạn thế kỷ 17-19, từng nắm giữ quyền lực gần như một đất nước nhờ kiểm soát thuộc địa và có cả quân đội riêng.
“Họ được sử dụng để nạo vét, xây dựng và quân sự hóa những pháo đài – đảo nhân tạo của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – NV). Chính từ những nơi này, Bắc Kinh đang xâm phạm những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia Đông Nam Á”, ông phát biểu trong hội thảo trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
“Doanh nghiệp nhà nước được sử dụng như vũ khí công thành cho âm mưu thực thi ‘Đường 9 đoạn’ phi pháp của Bắc Kinh”, ông Stilwell nhắc lại vụ Tập đoàn Dầu mỏ Xa bờ Quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan thăm dò HD-981 xâm phạm trắng trợn vùng biển của Việt Nam vào năm 2014.
“Đáng nói là lãnh đạo cao nhất của CNOOC còn gọi giàn khoan là ‘lãnh thổ quốc gia di động’. Hàm ý từ tuyên bố kiểu này có thể làm giật mình mọi quốc gia vốn dựa vào tự do trên biển để đạt thịnh vượng và an ninh”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Tiết lộ với Wall Street Journal, một nhân vật cấp cao trong chính phủ Mỹ nói đòn trừng phạt nằm trong chiến lược định danh CCCC là “Huawei trong xây dựng” hay “Huawei lĩnh vực cơ sở hạ tầng”. Trong những năm qua, Mỹ đã thúc đẩy một chiến lược quốc tế để ngăn tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Washington cáo buộc mối liên hệ giữa Bắc Kinh và Huawei mở ra rủi ro Trung Quốc do thám người dân các nước khác. Cách tái định danh CCCC có thể hướng đến hàm ý tương tự.
Ngoài vấn đề Biển Đông, vị quan chức giấu tên cáo buộc CCCC và các công ty con còn liên quan đến tham nhũng, hỗ trợ tài chính mang tính săn mồi và hủy hoại môi trường qua các dự án ở Sri Lanka, Malaysia, Kenya, Tanzania, Philippines và nhiều nơi khác.
CCCC được niêm yết tại Hong Kong và Thượng Hải. Đây là một trong những công ty xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất Trung Quốc với hơn 124.000 nhân sự, tham gia vào nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng vận tải, nạo vét đến máy móc hạng nặng.
Tập đoàn còn là nhà thầu lớn trong Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) do ông Tập Cận Bình phát động gần một thập kỷ qua, với tham vọng biến Trung Quốc thành trung tâm của mạng lưới cơ sở hạ tầng xuyên Á – Âu.
Các dự án cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu và khu công nghiệp tại các nước phần lớn được nhà thầu Trung Quốc xây dựng và nhận đầu tư từ ngân hàng Trung Quốc. Giới chức Mỹ và nhiều nước phương Tây cáo buộc các thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh và đối tác đáng ngờ, tạo đòn bẩy chính trị cho Bắc Kinh và đưa những nước đi vay vào bẫy nợ.
Mối liên hệ với quân đội
Theo tiết lộ của quan chức Mỹ, một động lực khác thúc đẩy đòn trừng phạt ngày 26/8 chính là vai trò của CCCC trong chương trình kết hợp quân sự – dân sự của Bắc Kinh. Chương trình này khuyến khích các nhân tố dân sự Trung Quốc hợp tác với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho mục tiêu chung là củng cố quốc phòng.
Tháng 7/2018, một lãnh đạo CCCC đứng ra ký thỏa thuận “hợp tác chiến lược” với Học viện Hậu cần Hải quân PLA. Thỏa thuận này cam kết hai đơn vị hợp tác trong các dự án phát triển quốc phòng hàng hải, nghiên cứu lý thuyết và dữ liệu lớn (big data).
Tập đoàn Thiết kế Cảng Trung Quốc, cũng có công ty mẹ là CCCC, đã tham gia dự án cảng nước sâu Hambantota ở Sri Lanka. Dự án được xem là tiếng chuông báo động về đầu tư Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Chính phủ Sri Lanka sau khi không thể trả nợ cho Bắc Kinh đã chấp nhận để công ty nhà nước Trung Quốc thuê lại cơ sở này trong 99 năm.
Giới chức Mỹ gọi đây là ví dụ nguy hiểm nhất của chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” mà Bắc Kinh theo đuổi, thực chất nhằm giành kiểm soát những tiền đồn có giá trị chiến lược.
Trong khuôn khổ BRI, tập đoàn CCCC đã tham gia vào những dự án đường sắt và đường ống dẫn dầu tại Malaysia. Các dự án này dính đến cựu thủ tướng Najib Razak và nhà đầu tư gốc Trung Quốc Jho Low. Đây là 2 nhân vật trung tâm trong đại án tham nhũng quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia Development Bhd (1MDB).
CCCC còn nhảy vào dự án xây sân bay ở Greenland. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã chặn đứng nỗ lực này vào năm 2018 vì lo ngại Bắc Kinh muốn tạo bàn đạp quân sự ở vùng Bắc Cực gần Bắc Mỹ.
Tập đoàn cũng có quan hệ kinh doanh ngay trên đất Mỹ khi đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào thương mại, bán lẻ và bất động sản ở Los Angeles. Công ty Công nghiệp Nặng Thượng Hải Chấn Hoa (ZPMC), một công ty con của CCCC, là nhà chế tạo máy móc phục vụ cảng biển và nhà cung cấp cần cẩu lớn nhất cho các cảng Mỹ.