Monday, January 27, 2025
Trang chủHomeCông ty TQ bị Mỹ trừng phạt không lo ngại gì?-

Công ty TQ bị Mỹ trừng phạt không lo ngại gì?-

CCCC, một công ty bị Mỹ trừng phạt vì liên quan đến hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này.

Các tàu nạo vét của Trung Quốc xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, sẽ không bị ảnh hưởng bất lợi bởi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, công ty này tuyên bố.

5 công ty nạo vét là công ty con của CCCC, bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen 24 công ty có liên quan đến việc quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Danh sách cũng bao gồm khoảng 300 thực thể khác của Trung Quốc, bao gồm cả công ty viễn thông Huawei. Các công ty Mỹ bị cấm kinh doanh hoặc xuất khẩu sản phẩm cho các công ty trong danh sách này, trừ khi có giấy phép đặc biệt.

Theo CCCC, 5 công ty con gần như không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với Mỹ và sẽ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính bởi các biện pháp trừng phạt.

Công ty cho biết: “Theo báo cáo thường niên năm 2019, giá trị của mảng kinh doanh nạo vét chiếm khoảng 6% tổng giá trị các hợp đồng mới và doanh thu. Công ty chủ yếu thực hiện hoạt động kinh doanh nạo vét đường thủy, cải tạo đất và nạo vét môi trường trong nước. Hoạt động kinh doanh nạo vét ở nước ngoài chiếm một phần tương đối nhỏ và không có hoạt động nạo vét nào được thực hiện ở Mỹ. Ngoài ra, thiết bị cốt lõi cho hoạt động nạo vét của công ty không sử dụng bất kỳ công nghệ nào do các doanh nghiệp Mỹ cung cấp hoặc nhập khẩu”.

Tuy nhiên, CCCC cho biết sẽ đánh giá sâu hơn hoạt động kinh doanh của mình để xác định xem các lệnh trừng phạt có tác động khác nào không.

Vào năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một công ty con của CCCC Dredging đang vận hành sà lan khổng lồ đào cát từ đáy biển và chất lên các Đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn có câu hỏi đặt ra về tác động của các lệnh trừng phạt với các công ty con ở nước ngoài của CCCC, bao gồm tập đoàn kỹ thuật hàng hải quy mô trung bình Friede & Goldman có trụ sở tại Texas, một công ty cung cấp dịch vụ và thiết bị cho các giàn khoan dầu khí ngoài khơi, đặc biệt là các giàn khoan tự nâng và bán chìm. Công ty này hợp tác chặt chẽ với một công ty con khác của CCCC, doanh nghiệp xây dựng ngoài khơi Shanghai Zhenhua Heavy Industry (ZPMC) – nhưng không được đề cập trong danh sách.

Nicholas Turner, luật sư của Steptoe&Johnson và là chuyên gia về các biện pháp trừng phạt kinh tế và kiểm soát xuất khẩu, cho biết: “Nếu nó không có trong danh sách, nó sẽ không bị ảnh hưởng”.

Một công ty khác có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội do các công ty con của CCCC bị Mỹ đưa vào danh sách đen là John Holland, một trong những công ty xây dựng và kỹ thuật lớn tại Australia, thuộc sở hữu của CCCC. Mặc dù John Holland không bị liên đới trực tiếp, nhưng mối liên hệ với công ty mẹ có thể làm giảm khả năng giành được các dự án tại địa phương của họ.

Theo ghi nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc từ năm 2013 đã huy động các doanh nghiệp nhà nước nạo vét và bồi đắp hơn 1.200 ha trên những thực thể tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án hoạt động này gây bất ổn cho khu vực, xâm phạm quyền chủ quyền của láng giềng Trung Quốc và hủy hoại nghiêm trọng môi trường.

Trong khi đó, Việt Nam luôn khẳng định, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về chủ quyền của đất nước, các quốc gia khác cần tôn trọng thực tế này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng cho rằng tất cả các quốc gia đều phải có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển không những là nguyện vọng mà còn là trách nhiệm chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có nỗ lực chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

RELATED ARTICLES

Tin mới