Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMối đại họa từ tàu cá TQ

Mối đại họa từ tàu cá TQ

Hàng trăm chiếc tàu cá Trung Quốc ở gần quần đảo Galapagos đã ảnh hưởng thực sự đến danh tiếng của quốc gia này.

Đánh bắt cá ngừ ở vùng lân cận phía bắc Quần đảo Galapagos.

Hôm 27/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố thông tin về hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Galapagos của Ecuador là “rất đáng quan ngại”, đồng thời ông kêu gọi Trung Quốc minh bạch và thực thi chính sách không khoan nhượng đối với đánh bắt cá trái phép của mình.

Ngoại trưởng Mỹ đề cập đến thông tin do phía Ecuador đưa ra vào ngày 18/8. Chuẩn Đô đốc Darwin Jarrin, Tư lệnh Hải quân Ecuador, thông tin rằng tàu cá Trung Quốc cố tình tắt định vị khi đến gần quần đảo Galapagos.

Theo ông Jarrin, trong số khoảng 325 tàu của Trung Quốc đánh bắt gần quần đảo Galapagos, 149 chiếc đã tắt hệ thống liên lạc suốt vài tháng gần đây nhằm ngăn lực lượng chức năng theo dõi hoạt động.

Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Ecuador Trần Quốc Hữu ngày 25/8 đã cam đoan rằng các tàu cá nước này đang hoạt động gần quần đảo Galapagos đều tuân thủ luật lệ quốc tế về đánh bắt cá, cũng như không có tàu nào bị tố cáo hoạt động bất hợp pháp.

Cũng theo ông Trần, ngoại trừ một số trường hợp tín hiệu bị ngắt quãng hoặc gián đoạn tín hiệu từ vệ tinh, tất cả tàu cá Trung Quốc vẫn sử dụng thiết bị định vị.

Theo trang China Dialogue Ocean, sự chú ý của thế giới vào hàng trăm chiếc tàu cá ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ecuador đã buộc Trung Quốc phải cảnh giác với cuộc khủng hoảng hình ảnh cũng như tạo áp lực buộc nước này phải giám sát đội tàu của họ tốt hơn.

Việc quốc tế tăng cường giám sát hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc, khi Côn Minh chuẩn bị đăng cai tổ chức hội nghị đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) vào tháng 5/2021, được kỳ vọng có thể nâng cao khả năng giám sát của Bắc Kinh đối với hoạt động đánh bắt xa bờ của đội tàu cá nước này.

Bà Yolanda Kakabadse, cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador, hiện phụ trách chiến lược bảo vệ biển của Galapagos cho biết: “Sự hung hãn của hoạt động đánh bắt xa bờ đe dọa sự cân bằng mong manh của các hệ sinh thái trên toàn thế giới”.

Năm 2017, lực lượng bảo vệ bờ biển của Ecuador đã bắt giữ một tàu Trung Quốc chứa một lượng lớn thịt cá mập, bao gồm cả loài mập đầu búa có nguy cơ tuyệt chủng.

Không có quan sát viên trên tàu để giám sát quy mô đánh bắt và sự tồn tại của sản phẩm đánh bắt phụ, việc truy xuất nguồn gốc các loại hải sản của hoạt động đánh bắt xa bờ gặp khó khăn.

Milko Schvartzman, một nhà bảo tồn biển chuyên theo dõi các đội tàu cho biết: “Đánh bắt xa bờ giống như miền Tây hoang dã của ngành đánh cá. Không ai biết số lượng hải sản bị đánh bắt là bao nhiêu, thông tin duy nhất có được chính là từ các thuyền trưởng và các tàu tham gia những hoạt động bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát này”.

Theo ông Schvartzman, Trung Quốc hiếm khi trừng phạt tàu thuyền và các chính sách của họ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển nhanh chóng của đội tàu.

Theo chiến lược “Đi ra ngoài” của Trung Quốc, được thông qua vào đầu thiên niên kỷ nhằm khuyến khích thiết lập và phát triển các thị trường nước ngoài mới và các tuyến cung cấp tài nguyên thiên nhiên, đánh bắt cá được xác định là một ngành chiến lược. Chính sách trợ cấp nhiên liệu cho các đội tàu đánh bắt xa bờ cũng như các tàu lớn hơn được Trung Quốc đưa ra để xây dựng Trung Quốc trở thành một quốc gia mạnh về hàng hải .

Theo China Dialogue Ocean, đến năm 2020, các công ty Trung Quốc sở hữu hơn 2.900 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm 40% tổng đội tàu đánh bắt xa bờ của thế giới.

Tuy nhiên, tốc độ mở rộng của chúng đã bị hạn chế trong những năm gần đây. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc được đưa ra vào năm 2016, số lượng tàu đánh bắt xa bờ của nước này là 3.000 chiếc.

Wei Zhou, nhà vận động về đại dương của Tổ chức Hòa bình xanh cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đang phải chịu áp lực trên toàn thế giới do hoạt động IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát). Điều này có ảnh hưởng thực sự đến danh tiếng của Trung Quốc”.

Sau sự chú ý của giới truyền thông vào tháng 8, Trung Quốc đã tuyên bố tạm hoãn 3 tháng đối với hoạt động đánh bắt mực quanh quần đảo Galapagos. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, đây có thể là một hành động rỗng tuếch vì mực đã di cư ra khỏi khu vực. Động thái này cho thấy rằng ít nhất Trung Quốc muốn làm sạch hình ảnh trên trường quốc tế về đội tàu của mình.

Cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuado Kakabadse nhận xét: “Trung Quốc rất khôn ngoan. Họ là một phần của các hiệp định đa phương và quan tâm đến danh tiếng của họ. Tôi tin rằng khi họ hiểu đánh bắt xa bờ đã trở nên tai hại như thế nào”.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có những bước đi cụ thể để kiểm soát hạm đội tàu cá của mình tốt hơn. Vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các sửa đổi đối với các quy định về Quản lý đánh bắt cá ở vùng nước xa bờ. Đáng lưu ý, lần đầu tiên, các quy định đề cập đến “phát triển bền vững” và kiểm soát tốt hơn quy mô của đội tàu.

Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn là một thách thức. Nhà vận động về đại dương của Tổ chức Hòa bình xanh Wei Zhou cho rằng, có một sự mất cân đối lớn giữa năng lực đánh bắt của các công ty Trung Quốc và khả năng quản lý, giám sát họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới