Nikkei Asian Review đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 3/9 đã nhấn mạnh việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên sự tin tưởng và ổn định, chứ không chỉ lợi ích về chi phí. Ông Modi muốn đề cập đến một mạng lưới hậu cần mới ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Bình luận của ông được đưa ra cùng ngày với việc Nhật Bản mở rộng chương trình trợ cấp giúp các công ty di dời Trung Quốc ra cả các điểm đến mới như Ấn Độ và Bangladesh. Chương trình này ban đầu đã được thực hiện với các nhà máy chuyển về Nhật Bản hoặc chuyển sản xuất sang Đông Nam Á.
Hôm thứ 1/9, các bộ trưởng thương mại Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã họp về việc bắt đầu xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, với mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Điểm yếu này vốn đã bị phơi bày khi dịch Covid-19 bùng phát, cản trở dòng chảy hàng hóa chính trên khắp châu Á. 3 quốc gia này nhấn mạnh sự cần thiết của một môi trường thương mại tự do, công bằng, ổn định và kêu gọi các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực tham gia.
Trong bài phát biểu trực tuyến hôm 3/9 trước Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn, ông Modi nói rằng đại dịch đã “cho thế giới thấy rằng quyết định về phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ dựa trên chi phí mà còn phải dựa trên sự tin tưởng”.
Ngoài yếu tố địa lý, “các công ty hiện cũng đang tìm kiếm sự tin cậy và ổn định chính sách”, Thủ tướng này nói. “Ấn Độ là nơi có tất cả những phẩm chất này”.
Ông không đề cập đích danh chính quyền Bắc Kinh, nhưng bài phát biểu diễn ra trong bối cảnh tồn tại xu hướng di dời khỏi Trung Quốc gần đây, và cả căng thẳng Trung-Mỹ leo thang cũng như đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc đã phải hứng chịu sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều đó đã làm nổi bật nhu cầu cấp thiết của việc đa dạng hóa.
Ông Modi đã đề cập đến chủ đề của diễn đàn, “Điều hướng những thách thức mới”, nói rằng Ấn Độ đang trở thành điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu.
Ông nói: “Dù là Mỹ hay Vịnh Ba Tư, có thể là châu Âu hay Úc, thế giới đều tin tưởng vào chúng tôi”. Ông Modi lưu ý rằng quốc gia Nam Á này đã nhận được hơn 20 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay, với những gã khổng lồ như Google, Amazon. Mubadala Investments cũng công bố kế hoạch dài hạn cho Ấn Độ.
Ông Modi cũng nói thêm rằng 1,3 tỷ dân của Ấn Độ đã bắt tay vào sứ mệnh “tự lực cánh sinh”. Ông nói, mục tiêu của chiến dịch “Aatmanirbhar Bharat” là đảm bảo “sức mạnh của Ấn Độ sẽ đóng vai trò như thúc đẩy lực lượng toàn cầu theo cấp số nhân”. “Một Ấn Độ tự chủ và hòa bình đảm bảo một thế giới tốt đẹp hơn”.
Trong khi đó, chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản hiện đã thừa nhận Ấn Độ và Bangladesh là những điểm đến đủ điều kiện cho các công ty rời Trung Quốc nhận trợ cấp.
Ngân sách bổ sung của Chính phủ Nhật Bản cho năm tài chính 2020 đã dành 23,5 tỷ JPY (221 triệu USD) cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á.
Khi mở đợt nộp hồ sơ thứ hai vào ngày 3/9, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thêm “các dự án đóng góp vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng Nhật Bản- [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á]” vào danh sách các động thái đủ điều kiện trợ cấp. Họ cũng cân nhắc trợ cấp cho việc di dời sang các nước như Ấn Độ và Bangladesh.
Các nhà sản xuất có thể nhận được trợ cấp cho các nghiên cứu khả thi và các chương trình thử nghiệm. Tổng số tiền được cấp dự kiến lên đến hàng chục triệu USD.
Chương trình này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào một số liên kết trong chuỗi cung ứng của họ, đặc biệt là Trung Quốc, cũng như đảm bảo dòng chảy ổn định của các sản phẩm như vật tư y tế và linh kiện điện trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề này được đặt lên hàng đầu với việc Trung Quốc đóng cửa trong những ngày đầu của đại dịch.
Đợt trợ cấp đầu tiên được công bố vào tháng 7 đã cấp hơn 10 tỷ JPY cho 30 công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á. Trong đó có 15 công ty sang Việt Nam và 6 công ty sang Thái Lan.
57 người khác đang nhận được sự hỗ trợ để chuyển các cơ sở sản xuất về Nhật Bản, chẳng hạn như Iris Ohyama – cơ sở đầu tiên được phê duyệt – đang sản xuất khẩu trang tại cơ sở nhà ở tỉnh Miyagi. Những cái tên nổi bật khác được chấp thuận trợ cấp bao gồm Sharp, nhà sản xuất thuốc Shionogi và nhà sản xuất thiết bị y tế Terumo.