Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐức, Pháp và chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

Đức, Pháp và chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương

Thế kỷ XXI, các lực lượng kinh tế và chính trị đang ngày càng chuyển dịch theo hướng về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đức tuyên bố gia nhập Câu lạc bộ Ấn Độ-Thái Bình Dương

Nếu như ở Châu Âu, các quốc gia bình quân chỉ có vài chục triệu dân thì ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương có nhiều nước có diện tích lớn và số dân đông như Trung Quốc gần 1,4 tỉ người, Ấn Độ hơn 600 triệu người, Mỹ hơn 200 triệu người, 10 nước Asean có hơn 600 triệu người.

Khu vực này có 3 cường quốc kinh tế; Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Nếu như thế giới có 33 siêu đô thị thì khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đã chiếm tới 20/33 siêu đô thị.

Bước vào thế kỷ XXI, kinh tế các nước Châu Âu phát triển chững lại, khối EU có sự phân rã khi nước Anh muốn ra khỏi EU, các nước Đông Âu phát triển cầm chừng, kinh tế nước Pháp thì cũng chưa có gì sáng sủa. Châu Mỹ thì các nước Nam Mỹ cũng còn gặp nhiều khó khăn. Châu Phi về cơ bản vẫn giậm chân tại chỗ, một số nước được Trung Quốc đầu tư vào khai mỏ, giao thông nhưng lại rơi vào bẫy nợ.

Trong khi đó các nước khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước khu vực Thái Bình Dương lại phát triển không ngừng. Trung Quốc đã vươn lên là nền kinh tế thứ hai thế giới. Nhật Bản dù xuống là nền kinh tế thứ ba nhưng vẫn là cường quốc kinh tế. Hàn Quốc cũng đã là cường quốc kinh tế có tốc độ phát triển nhanh chóng. Các nước Asean cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Nếu như kinh tế là khu vực phát triển năng động nhất thế giới thì chính trị và quân sự lại là khu vực có những diễn biến phức tạp. Trung Quốc gia tăng tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông, Biển Đông. Trung Quốc cũng tìm cách đặt các căn cứ ở khu vực Ấn Độ Dương. Vì thế con đường hàng hải quốc tế lớn nhất từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương bị đe dọa và an ninh khu vực chưa bao giờ bất an như hiện nay.

Dù vậy, xét tổng thể đây vẫn là khu vực thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Thời kỳ Tổng thống Obama đã có chiến lược xoay trục về Thái Bình Dương, đến Tổng thống Trump thì Mỹ vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chiến lược của Mỹ lúc đầu chỉ có Ấn Độ và Australia hưởng ứng nhiệt tình. Nhưng rồi các nước Châu Âu bắt đầu nhận thấy lợi ích to lớn nếu tham gia chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Sau Pháp, vừa qua Đức là quốc gia Châu Âu thứ hai chính thức thông qua chiến lược vì Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Đồng thời chính phủ Đức cũng coi đây là một nền tảng cho một chiến lược của Liên minh Châu Âu (EU) trong tương lai. Đặc biệt trong chiến lược này Berlin chủ trương đẩy mạnh quan hệ với các nước Asean, Australia, Ấn Độ như việc ký kết thêm các thỏa thuận thương mại tự do (FTA).

Không chỉ coi trọng quan hệ kinh tế Đức, Pháp và các nước Châu Âu đang cùng với Mỹ, Nhật, Australia gia tăng việc đảm bảo an ninh cho khu vực này, trước hết là chống lại những hành động vi phạm luật pháp quốc tế về biển, đảo của Trung Quốc. Đây là điều đáng mừng cho các nước trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới