Monday, October 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCần đổi mới cách thu hút đầu tư FDI

Cần đổi mới cách thu hút đầu tư FDI

Những biến tướng không mong muốn trong thu hút FDI không thể tự nhiên biến mất. Chúng sẽ ở đâu trên tấm áo mới của nền kinh tế Việt?

Samsung là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam

Dường như không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện thu hút FDI kiểu mới đang được đề cập và bàn thảo ráo riết hơn. Đại dịch Covid-19 quét qua các nền kinh tế có giao thương mạnh mẽ với Việt Nam làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu của thị trường hàng hóa gần 100 triệu dân này. Thay đổi là tất yếu, còn bởi lẽ chưa có cơ sở nào để đoán định về diện mạo của nền kinh tế thế giới sau cơn lốc đại dịch và cuộc chạm trán không kiêng nể của thương mại Mỹ – Trung. Nếu đủ cẩn trọng và âu lo, những lời hứa chuyển dịch sản xuất từ các nước láng giềng hoặc khu vực sang Việt Nam chỉ nên coi là một cơn mưa nhỏ giữa trời khô hạn.

Cuộc cải tổ một cách toàn diện chiến lược thu hút FDI của Việt Nam nên được tiến hành vì một lý do giản dị: sự suy giảm của tất cả các ngành sản xuất sau đại dịch Covid-19. Đơn giản bởi, khi cỗ xe kinh tế đang bon bon trên con đường dù gập ghềnh, trắc trở, chỉ một cú bóp thắng đột ngột sẽ dễ dẫn đến tai nạn. E ngại điều này, nhiều khi tài xế phải lấy hết can đảm lựa vào các đường ngang, lối mở để điều chỉnh cỗ xe đi đúng hướng.

Khi guồng quay kinh tế đã giảm tốc, một cuộc điều chỉnh sẽ không gây ra cú sốc lớn. Chúng ta có thể thấy, không chỉ ngành dệt may, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác đang đối diện với vô vàn khó khăn, ban đầu là do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và hiện tại là do đứt gãy nguồn cầu thị trường. Tình trạng thất nghiệp, công nhân phải hài lòng với đồng tiền lương chỉ đủ giật gấu vá vai ở các khu đô thị lớn ngày càng được ghi nhận. Doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng cho những thử thách lớn hơn về trình độ tay nghề, công nghệ để nối dài giấc mơ về sinh kế ổn định, thênh thang. Nói cách khác, ở một khía cạnh lạc quan, thời cơ cho cuộc lột xác ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam đã tới. Vậy thì chúng ta cần bắt đầu như thế nào?

Câu trả lời vừa mới đến từ một vị chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực tư vấn, phản biện các chính sách kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Quan điểm bị đánh giá là không mới nhưng dễ hình dung hơn trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài nêu rõ, đón dòng vốn FDI, Việt Nam nên theo ‘chính sách may đo’. Hàm ý ở đây rất rõ ràng, thay vì gật đầu với bất cứ doanh nghiệp nào muốn đầu tư, chúng ta phải có lựa chọn rõ ràng, thể hiện bằng cách khung chính sách sao cho phù hợp với mục đích và nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, trong đó doanh nghiệp FDI sánh bước cùng khối doanh nghiệp trong nước có thể coi là kim chỉ nam cho lựa chọn này.

Vậy nhưng, chiếc áo như thế nào có thể được coi là thanh lịch và vừa vặn với Việt Nam trong dài hạn? Dù hưng phấn với một viễn cảnh sáng tươi của nền kinh tế, không ai được quên thực tế, chúng ta đã thực hiện chính sách ‘trải thảm đỏ’ mời bất cứ dạng đầu tư nào vào Việt Nam suốt 30 năm qua. Đã có những vết ố mờ do doanh nghiệp FDI gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Đã có tình trạng doanh nghiệp FDI nhỏ tới li ti, sử dụng công nghệ cũ nát, lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đã có rất rất nhiều nhà đầu tư đến từ một quốc gia mà việc đầu tư ra nước ngoài được khuyến khích như một cách thải loại công nghệ cũ nát… Những vết ố mờ đó không thể tự nhiên biến mất. Chẳng lẽ đó vẫn sẽ là những miếng vá xấu trong tấm áo mới kinh tế Việt Nam?

Lại nữa, đã thật sự có một cuộc mổ xẻ lạnh lùng, chính xác tới từng tham số về nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Những lời khen có cánh từ bạn bè quốc tế, thành tích tăng trưởng cao tốp đầu thế giới suốt nhiều năm hay điều kỳ diệu tăng trưởng dương trong bối cảnh cả thế giới lao đao vì dịch bệnh là điều đáng ghi nhận, đáng tự hào. Thế nhưng để đạt được điều đó, các nguồn lực đã được sử dụng như thế nào? Nên nhớ rằng, không phải một lần, các chuyên gia đã phải cảnh báo về cách thức tăng trưởng thâm dụng tài nguyên, đạt được những con số như mơ chủ yếu dựa vào xuất khẩu của doanh nghiệp FDI… Chúng ta đã đánh đổi những gì cho giấc mơ ‘hóa rồng, hóa hổ’? Nếu không tìm ra lời đáp cho câu hỏi này sẽ không thể đưa ra một hình dung gần sát sự thật nhất về kinh tế Việt Nam.

Quả thật, khó có thể vẽ nên bất cứ giấc mơ nào khả dĩ, nếu không biết thực lực của chính mình. Nguồn lực để phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang còn lại những gì và bao nhiêu? Dựa trên những tiềm năng đó, chúng ta nên phát triển những ngành, những lĩnh vực nào? Thu hút FDI để phối hợp, hỗ trợ, đồng hành với khối các doanh nghiệp trong nước thế nào, nên ưu tiên doanh nghiệp nước ngoài trong ngành nghề và có trình độ công nghệ ra sao? Càng đào sâu ngẫm nghĩ, sẽ càng xuất hiện thêm nhiều câu hỏi tương tự…

Rõ ràng, đây không chỉ đơn giản là câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài. “Thảm đỏ chào đón FDI” kiểu mới phải song hành với một chiến lược phát triển khác trước – một trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Việc kinh tế toàn cầu suy giảm sau đại dịch Covid-19 có thể là một bước giảm sốc, nhưng chúng ta buộc phải lường trước những rủi ro khác nữa.

Áp dụng một tiêu chuẩn mới về ngành hàng, quy mô vốn, trình độ công nghệ…, coi đó là điều kiện để nhận được ưu đãi về chính sách có thể là phương cách loại đi nhóm doanh nghiệp FDI nhỏ, sử dụng ít lao động và có công nghệ lạc hậu. Một quan điểm thống nhất trên toàn bộ dải đất hình chữ S sẽ ngăn chặn tình trạng, doanh nghiệp chuyển từ những trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài sang những vùng kinh tế nghèo hơn, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi. Đây cũng là tiền đề cho việc quy hoạch những vùng kinh tế, trong đó lựa chọn dòng FDI phải được dựa trên lợi thế so sánh và khả năng liên kết vùng.

Tuy nhiên, khi ứng xử với các ‘ông lớn’, vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Hệ thống chân rết phụ trợ cho các ông lớn FDI đã được xây dựng sẵn và dù là chủ nhà, không thể tự nhiên doanh nghiệp Việt có thể chen chân, chiếm thị phần. Thế nhưng, chuyển giao công nghệ chỉ có thể thực hiện khi doanh nghiệp Việt đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Vòng luẩn quẩn này chỉ có thể được giải quyết bằng một chiến lược ‘thế chân’ bài bản, chắc chắn. 

Theo đó, dựa trên ưu tiên về ngành nghề và lĩnh vực phát triển, doanh nghiệp Việt, với sự hỗ trợ nhất định về chính sách và tín dụng, có thể tham gia với tư cách nhà đầu tư trong các doanh nghiệp phụ trợ lớn của nước ngoài tại Việt Nam. Khi trình độ quản lý và trình độ nhân lực cao hơn, có thể tính tới việc thâu tóm doanh nghiệp ngoại nói trên thông qua mua bán – sáp nhập. Tiếp cận theo hướng này, mấu chốt nằm ở chỗ, không chỉ Việt Nam, phía đối tác cũng nhận được phần lợi ích tương xứng.

Tất nhiên, sẽ còn rất nhiều lời gợi ý khác cho chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài FDI nói riêng. Bàn thảo công khai, minh bạch sẽ thu hút được nhiều góp ý chất lượng nhất. Và ai trong chúng ta cũng biết rõ rằng: việc đã tương đối vội rồi, thời gian không chờ ai cả.

RELATED ARTICLES

Tin mới