Bắc Kinh phản đối việc công ty mẹ ByteDance bán các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ và muốn ứng dụng này ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ; theo Reuters.
Thà ngừng hoạt động, Trung Quốc cũng không muốn bán nó cho công ty Mỹ
ByteDance được cho là đang đàm phán với các công ty bao gồm Microsoft và Oracle để bán lại hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cấm cửa ứng dụng này nếu nó không được bán.
Ông Trump đã cho ByteDance thời hạn tới giữa tháng 9/2020 để hoàn tất thương vụ mua bán. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc cho rằng việc buộc phải bán lại hoạt động kinh doanh của TikTok sẽ khiến cả ByteDance và Bắc Kinh yếu thế trước sức ép từ Washington – một nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết.
Trong khi đó, ByteDance nói với Reuters rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề xuất với hãng về việc có nên đóng cửa TikTok ở Hoa Kỳ hay bất kỳ thị trường nào khác hay không.
Hai trong số các nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc sẵn sàng sử dụng các bản sửa đổi của họ với danh sách xuất khẩu công nghệ hôm 28/8/2020 để trì hoãn bất cứ thỏa thuận nào mà ByteDance đạt được.
Phía Bắc Kinh hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi nào về thông tin trên.
Cũng trong hôm 11/9/2020, khi được hỏi về việc Tổng thống Trump không gia hạn cho việc bán TikTok, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, đồng thời kêu gọi Washington ngừng đàn áp các công ty nước ngoài.
Trước đó, Reuters cho biết những người mua tiềm năng của TikTok đang thảo luận về các phương án để hoàn thành thương vụ mua lại TikTok từ ByteDance. Trong khi đó, ByteDance cũng đang thúc đẩy việc bán lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Bộ Thương mại Trung Quốc với việc bán nó nhưng không kèm theo các thuật toán chính mà ứng dụng này sử dụng.
ByteDance và nhà sáng lập Trương Nhất Minh đã bị cuốn vào cuộc đụng độ giữa hai siêu cường trên thế giới.
Tháng 8/2020, Tổng thống Trump đã ban hành hai sắc lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance phải bán lại hoạt động kinh doanh của TikTok của Hoa Kỳ hoặc sẽ bị cấm. Ứng dụng video ngắn nổi tiếng rất phổ biến trong giới thanh thiếu niên Mỹ.
Các quan chức Mỹ đã chỉ trích tính bảo mật và riêng tư của ứng dụng, cho rằng dữ liệu người dùng có thể bị chia sẻ với chính phủ Bắc Kinh. TikTok đã bác bỏ cáo buộc này, hãng khẳng định ứng dụng sẽ không tuân thủ bất kỳ yêu cầu chia sẻ dữ liệu người dùng nào với chính phủ Bắc Kinh.
Đáp trả động thái của Washington, ngày 28/8/2020, Bắc Kinh đã sửa đổi danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu. Các chuyên gia cho biết các thuật toán được sử dụng trong TikTok sẽ nằm trong danh sách này. Điều đó cũng có nghĩa là nếu ByteDance có kế hoạch xuất khẩu các công nghệ liên quan, họ cần làm các thủ tục cấp phép.