Friday, January 10, 2025
Trang chủThâm cung bí sửChiến dịch nghe trộm các cuộc đàm thoại thành công nhất của...

Chiến dịch nghe trộm các cuộc đàm thoại thành công nhất của tình báo Mỹ

Trong cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga đã thu thập thông tin tình báo bằng mọi cách, kể cả dùng tàu ngầm và thiết bị chuyên dụng để nghe trộm qua các đường cáp dưới đáy biển.

Tàu ngầm do thám chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Halibut

Khởi đầu đối đầu trên biển 

Trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ rất muốn có được thông tin về công nghệ tàu ngầm và tên lửa của Liên Xô, đặc biệt là việc thử ICBM và khả năng tấn công hạt nhân đầu tiên. Các nỗ lực đầu tiên để thu thập thông tin tình báo về Liên Xô bằng tàu ngầm bắt đầu vào cuối những năm 1940. Tuy nhiên, chuyến do thám của hai tàu ngầm diesel-điện USS “Cochino” (SS-345) và USS “Tusk” (SS-426) của Mỹ gần bờ biển bán đảo Kola năm 1949 đã bị thất bại hoàn toàn.

Những chiếc tàu ngầm được trang bị thiết bị trinh sát điện tử hiện đại đã không thể thu được một số khả dĩ thông tin có giá trị, trong khi tàu ngầm Cochino còn bị hỏa hoạn. Tàu ngầm “Tusk” đã tìm cách đến cứu chiếc tàu bị nạn, đưa một phần thủy thủ đoàn khỏi “Cochino” và kéo nó về các cảng của Na Uy. Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm xấu số này không đến được Na Uy, một vụ nổ đã xảy ra, và tàu bị chìm; bảy thủy thủ thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.

Mặc dù thất bại, các Hải quân và cộng đồng tình báo Mỹ không từ bỏ dã tâm của mình. Các tàu của Mỹ thường xuyên tiếp cận bờ biển Liên Xô để do thám cả ở bán đảo Kola và Viễn Đông, bao gồm cả vùng Kamchatka. Mùa hè năm 1957, gần Vladivostok, các tàu hộ vệ chống ngầm của Liên Xô đã phát hiện và buộc tàu trinh sát đặc nhiệm USS “Gudgeon” của Mỹ phải nổi lên. Hải quân Liên Xô cũng không từ việc sử dụng cả bom độ sâu.

Tình hình thực sự bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện ồ ạt của các tàu ngầm nguyên tử, vốn có thể hoạt động độc lập hơn nhiều và không phải nổi lên mặt nước trong suốt chiến dịch. Việc chế tạo tàu ngầm trinh sát dùng năng lượng hạt nhân đã mở ra các cơ hội và khả năng mới. Một trong những tàu ngầm loại này là USS Halibut (SSGN-587), được hạ thủy vào tháng 1/1959 và được đưa vào trang bị tháng 1/1960.

Tàu ngầm hạt nhân Halibut

Tàu ngầm hạt nhân USS Halibut (dịch sang tiếng Nga là “Cá chim”, còn có ký hiệu SSGN-587) ban đầu được thiết kế như một tàu ngầm cho các chiến dịch đặc biệt. Nhưng trong một thời gian dài, nó đã được sử dụng để phóng thử tên lửa dẫn đường và với vũ khí tên lửa, nó cũng được sử dụng như một tàu ngầm hạt nhân đa năng. Năm 1968, Halibut đã được hiện đại hóa sâu và được tái trang bị cho các nhiệm vụ do thám hiện đại.

SSGN-587 là tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ có lượng choán nước trên mặt nước hơn 3.600 tấn và dưới nước khoảng 5.000 tấn, có chiều dài 106,7m, tốc độ tối đa trên mặt nước 15 hải lý/giờ và tốc độ khi lặn 20 hải lý/giờ, lò phản ứng hạt nhân có công suất cực đại 7.500 mã lực, chứa được 97 thủy thủ. Năm 1968, tàu ngầm Halibut được hiện đại hóa tại nhà máy đóng tàu Mare Island (California) và quay trở lại căn cứ tại Trân Châu Cảng vào năm 1970.

Trong thời ở nhà máy, các thiết bị đẩy bên, sonar gần và xa, một phương tiện kéo bằng tời dưới nước, thiết bị hình ảnh và video trên tàu, và một camera lặn đã được trang bị cho chiếc tàu ngầm này. Ngoài ra, trên tàu ngầm được cài đặt các thiết bị máy tính hiện đại và mạnh, cũng như một bộ thiết bị khảo sát hải dương khác nhau. Với các trang thiết bị này, Halibut đã nhiều lần đến biển Okhotsk, kể cả trong lãnh hải của Liên Xô, để thực hiện các hoạt động do thám.

Chiến dịch do thám Ivy Bells

Vào đầu năm 1970, giới chức quân sự Mỹ biết được sự tồn tại của một đường dây liên lạc bằng cáp giữa các căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) ở Kamchatka và Sở chỉ huy Hạm đội ở Vladivostok được đặt dưới đáy biển Okhotsk. Thông tin được nhận từ các đặc vụ đã được xác nhận bởi trinh sát vệ tinh, và thực tế Liên Xô tuyên bố biển Okhotsk là lãnh hải của mình, đưa ra lệnh cấm tàu nước ngoài qua lại. Các cuộc tuần tra thường xuyên, cũng như các cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương được thực hiện trên biển, các cảm biến âm học đặc biệt được đặt ở phía dưới.

Hải quân, Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cục An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ đã quyết định tiến hành một chiến dịch tình báo bí mật mang mật danh “Ivy Bells” (“Hoa thường xuân”) – nghe trộm cáp liên lạc dưới biển để nắm bắt các thông tin đặc biệt quan trọng về công nghệ tàu ngầm hạt nhân và tên lửa chiến lược của Liên Xô đóng tại căn cứ ở Vilyuchinsk. Halibut với các thiết bị trinh sát hiện đại đã được sử dụng cho chiến dịch đặc biệt này, có nhiệm vụ tìm một cáp ngầm và lắp đặt một thiết bị nghe trộm đặc biệt có tên là “Cocoon”.

“Cocoon” được tích hợp tất cả những thành tựu của công nghệ vô tuyến-điện tử tiên tiên nhất của người Mỹ vào thời điểm đó. Hình dáng bên ngoài thiết bị được đặt ngay phía trên cáp biển này là một khối hình trụ dài khoảng 7m, đường kính 1m. Ở phần đuôi của nó có một nguồn năng lượng plutonium, về thực chất, là một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ. Nó cần thiết cho hoạt động của thiết bị được lắp đặt trên tàu, bao gồm cả máy ghi âm, được sử dụng để ghi lại các cuộc trò chuyện/đàm thoại.

Tháng 10/1971, Halibut đã thâm nhập thành công biển Okhotsk và tìm được cáp thông tin liên lạc dưới nước của Hải quân Liên Xô ở độ sâu lớn (các nguồn khác nhau cho biết từ 65 đến 120m). Tại khu vực đã định, một phương tiện điều khiển dưới biển sâu được phóng từ một tàu do thám, sau đó các thợ lặn căn chỉnh và lắp đặt Cocoon lên dây cáp. Thiết bị này thường xuyên ghi lại mọi thông tin các cuộc đàm thoại giữa các căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô ở Petropavlovsk-Kamchatsky và Vilyuchinsk và Bộ chỉ huy Hạm đội ở Vladivostok.

Trình độ công nghệ của những năm đó còn hạn chế, thiết bị không có khả năng truyền dữ liệu, tất cả thông tin đều được ghi lại và lưu trữ trên phương tiện từ tính. Mỗi tháng một lần, các tàu ngầm Mỹ phải quay lại khu vực cài thiết bị để các thợ lặn thu thập băng từ đã ghi, lắp đặt băng từ mới trên Cocoon. Sau đó, thông tin nhận được được đọc giải mã và nghiên cứu toàn diện.

Một phân tích về các đoạn ghi âm cho thấy Liên Xô tin tưởng vào độ tin cậy và khả năng không bị nghe trộm của cáp, vì vậy nhiều bản tin được truyền đi dưới dạng văn bản mở, không mã hóa. Nhờ các thiết bị trinh sát và việc sử dụng các tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng, hạm đội Mỹ trong nhiều năm đã có được các thông tin tuyệt mật liên quan trực tiếp đến an ninh của Liên Xô và Mỹ. Quân đội Mỹ tiếp cận được thông tin về căn cứ chính của các tàu ngầm chiến lược thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Chiến dịch Ivy Bells bị bại lộ

Chiến dịch Ivy Bells là một trong những chiến dịch tình báo thành công nhất của Hải quân Mỹ, CIA và NSA trong Chiến tranh Lạnh, nhưng nó đã kết thúc trong thất bại. Sau hơn 8 năm nghe trộm thông tin liên lạc của Hải quân Liên Xô ở Viễn Đông, bí mật về thiết bị nghe trộm kết nối với cáp dưới biển đã được KGB biết đến. Một sĩ quan NSA đã cung cấp thông tin về chiến dịch này cho đặc vụ Liên Xô cư trú tại Hoa Kỳ.

Sĩ quan NSA đó là Ronald William Pelton – người đã thất bại trong một cuộc kiểm tra nói dối vào tháng 10/1979 khi được hỏi về việc sử dụng ma túy. Bài kiểm tra được thực hiện là một phần hồ sơ và ảnh hưởng đến sự nghiệp của Pelton – người bị giáng chức, bị tước quyền truy cập thông tin mật, và lương hàng tháng của nhân viên NSA bị cắt một nửa. Cay cú với việc này, tháng 1/1980, tiếp cận Đại sứ quán Liên Xô ở Washington, Pelton – người đã làm việc tại NSA trong 15 năm – đã chia sẻ những thông tin quý giá có thể tiếp cận trong suốt sự nghiệp của mình, trong đó có chiến dịch Ivy Bells.

Thông tin có được đã cho phép Hải quân Liên Xô trong những ngày cuối tháng 4/1980 tìm thấy và trục vớt, đưa lên mặt nước thiết bị trinh sát “Cocoon”của Mỹ. Chiến dịch do thám Ivy Bells chính thức bị khép lại. Điều đáng nói nữa là nhờ thông tin có giá trị, Pelton đã nhận được từ Liên Xô 35 nghìn USD – số tiền không thể so sánh với chi phí của Mỹ cho chiến dịch do thám ở biển Okhotsk và những thông tin thực sự vô giá mà Bộ chỉ huy Mỹ nhận được trong nhiều năm.

RELATED ARTICLES

Tin mới