Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngAnh ra tuyên bố về Biển Đông - Cuộc chiến pháp lý

Anh ra tuyên bố về Biển Đông – Cuộc chiến pháp lý

Ngày 3/9/2020, Vương Quốc Anh – một quốc gia không nằm trong khu vực biển Đông, đã ra một bản tuyên bố về các vấn đề pháp lý phát sinh tại khu vực biển Đông.

Anh Quốc ra tuyên bố về Biển Đông

Bản tuyên bố này có các nội dung chính như sau:

– Lập trường của Vương quốc Anh về Biển Đông đã có từ lâu và được nhiều người biết đến. Vương quốc Anh không có quan điểm về các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh đối với các thực thể địa lý trong khu vực đó. Cam kết của Vương quốc Anh là tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. Vương quốc Anh kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hoạt động có khả năng làm gia tăng căng thẳng, bao gồm bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa. Vương quốc Anh kêu gọi tất cả các bên thực hiện sự kiềm chế và cư xử có trách nhiệm phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của các bên đó…

– Năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo UNCLOS để xem xét vụ kiện do Philippines khởi kiện chống lại Trung Quốc đã đưa ra các nhận định của mình trong Phán quyết Trọng tài Biển Đông. Như được quy định trong UNCLOS, các phán quyết của Tòa Trọng tài đó có giá trị ràng buộc đối với hai bên. Phán quyết Trọng tài không có hiệu lực ràng buộc ngoại trừ giữa hai bên, nhưng nó là một đóng góp quan trọng trong các án lệ về luật biển…

– Vương quốc Anh cũng đã xem xét các quyết định của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông liên quan đến quy chế của các thực thể khác nhau ở Biển Đông. Phán quyết của Toà cho thấy rằng các thực thể địa lý được xem xét trong trường hợp đó chỉ là bãi lúc nổi lúc chìm hoặc đá. Phán quyết này có tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines…

– Việc bồi lấp không làm thay đổi tính chất pháp lý của một thực thể địa lý tự nhiên cho các mục đích của UNCLOS. Nó không thể thay đổi bãi lúc nổi lúc chìm trở thành đá hoặc đá trở thành đảo…

– Sau Phán quyết Trọng tài về Biển Đông, một số tài liệu do Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc xuất bản. Vương quốc Anh đã xem xét cẩn thận những tài liệu này. Các tài liệu này khẳng định các yêu sách ở Biển Đông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dựa trên “các quyền lịch sử” và khái niệm “các quần đảo ngoài khơi”. Vương quốc Anh phản đối các yêu sách ở Biển Đông như vậy là không dựa trên nền tảng luật pháp, cũng như chúng không phù hợp với UNCLOS…

– Những khẳng định được biết nhiều nhất của Trung Quốc đối với một vùng biển ở Biển Đông là cái gọi là “đường chín đoạn”, bao gồm tất cả các vùng biển của Biển Đông. Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ cơ sở của yêu sách này. Trong phạm vi “đường chín đoạn” dựa trên “các quyền lịch sử” được tuyên bố đối với các nguồn tài nguyên bên trong nó, điều đó không phù hợp với các vùng biển được quy định trong UNCLOS.

Vấn đề này đã được xem xét tại Phán quyết Trọng tài Biển Đông. Tòa nhận thấy rằng, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ trình bày rõ ràng bản chất của các yêu sách “đường chín đoạn” của mình, thì những yêu sách này không phải là yêu sách về danh nghĩa lịch sử hoặc chủ quyền. Đó là các yêu sách về quyền lịch sử, phái sinh từ danh nghĩa, ví dụquyền chủ quyền để khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn”…

Hình minh hoạ. Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển
Hình minh hoạ. Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển AFP

Tòa cho rằng UNCLOS xác định phạm vi quyền lợi biển và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển ở Biển Đông. UNCLOS đã thay thế mọi quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá các lĩnh vực được quy định bởi các điều khoản của nó…

Tòa nhận thấy rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử không phù hợp với các quy định của UNCLOS. Yêu sách về “đường chín đoạn” của Trung Quốc đối với hầu hết các vùng biển ở Biển Đông là trái với việc phân bổ các quyền lợi biển theo UNCLOS và không có hiệu lực pháp luật ở mức độ vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền lợi biển của Trung Quốc theo UNCLOS. Vương quốc Anh hoàn toàn đồng tình với lập luận của Tòa án…

– Trong một tuyên bố “được công bố sau Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016, Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình đối với bốn nhóm thực thể ở Biển Đông: Pratas, Hoàng Sa, Trường Sa và Macclesfield Bank. Trung Quốc khẳng định họ có quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên cái gọi là các nhóm “quần đảo xa bờ” này, thay vì dựa trên các đặc điểm riêng lẻ. Trung Quốc khẳng định một cách hiệu quả quyền vẽ đường cơ sở xung quanh cả bốn nhóm thực thể địa lý này. Điều quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc chỉ công bố đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa.

– Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo, và cũng không tuyên bố là một quốc gia quần đảo. Do đó, nước này không được phép thiết lập “đường cơ sở quần đảo” như quy định trong UNCLOS.

Vương quốc Anh phản đối việc sử dụng đường cơ sở thẳng hoặc đường cơ sở quần đảo xung quanh cái gọi là “quần đảo ngoài khơi”. Việc công bố đường cơ sở thẳng như vậy là không phù hợp với UNCLOS.

  • Chính phủ (Vương Quốc Anh) biết rằng Trung Quốc đang tìm cách tranh luận rằng có một phần của luật tập quán quốc tế ngoài UNCLOS ủng hộ yêu sách của họ đối với “các quần đảo ngoài khơi”. Đoạn 8 của Lời mở đầu UNCLOS nói rằng “các vấn đề không được điều chỉnh bởi Công ước này tiếp tục được điều chỉnh bởi các quy tắc và nguyên tắc chung của luật quốc tế”. Điều này có nghĩa là luật tập quán quốc tế vẫn có thể liên quan đến những vấn đề không được UNCLOS quy định. Tuy nhiên, UNCLOS đã đề cập toàn diện đến việc vẽ đường cơ sở, bao gồm cả đường cơ sở thẳng và chế độ của các quốc gia quần đảo. Do đó, câu hỏi về luật tập quán quốc tế không nảy sinh trong trường hợp này.

  • Chính phủ (Vương Quốc Anh) cũng nhận thức được rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách dựa vào thực tiễn của Vương quốc Anh, đặc biệt là đối với quần đảo Falkland và quần đảo Turks và Caicos, để hỗ trợ nỗ lực của họ trong việc vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm thực thể ở Biển Đông. Các ấn phẩm học thuật của Trung Quốc đã đề cập đến các đường cơ sở xung quanh hai Lãnh thổ Hải ngoại của Vương quốc Anh này, cũng như các đường cơ sở của các Quốc gia khác. Đây là cố gắng chứng minh rằng có thông lệ nhà nước để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền dựa trên tập quán quốc tế về “các quần đảo ngoài khơi” ngoài các quy định của UNCLOS. Chúng tôi từ chối phân tích này và bất kỳ tuyên bố nào dựa vào thực tiễn của Vương quốc Anh. Cách tiếp cận của Vương quốc Anh đối với các đường cơ sở thẳng hoàn toàn dựa trên các quy định tại Điều 7 của UNCLOS, và không phải là một chế độ đặc biệt đối với “các quần đảo ngoài khơi.”

  • Tòa Trọng tài cũng nhận thấy rằng các dự án cải tạo đất và xây dựng của Trung Quốc đã gây ra tác hại không thể khắc phục đối với hệ sinh thái của các rạn san hô. Điều này cho thấy Trung Quốc đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS trong việc hợp tác và phối hợp với các quốc gia khác trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Trung Quốc cũng không thực hiện việc đánh giá tác động môi trường về những tác động có thể xảy ra của các hoạt động này đối với môi trường biển. Với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực bảo tồn biển và là người sáng lập Liên minh Đại dương Toàn cầu, Vương quốc Anh rất coi trọng các phát hiện của Tòa án về mặt này. Vương quốc Anh kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực tuân thủ các nghĩa vụ của mình để bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.

Nhận xét về tuyên bố biển Đông của Chính phủ Vương Quốc Anh

Với tuyên bố ngày 3/9 của Vương Quốc Anh, chúng ta có thể nhận thấy cuộc chiến pháp lý tại biển Đông vẫn chưa tới hồi hạ nhiệt. Cuộc chiến pháp lý biển Đông lần này được khuấy động từ Đệ trình về thềm lục địa mở rộng của Malaysia hồi cuối năm 2019. Sau đó một loạt quốc gia Đông Nam Á đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, bao gồm: Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Ngoài ra, ngày 2/6/2020, Hoa Kỳ gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề biển Đông.Ngày 13/7/2020 Hoa Kỳ đã ra bản Tuyên bố về vấn đề biển Đông. Ngày 23/7/2020, Chính quyền Australia cũng gửi một bản công hàm về vấn đề biển Đông lên Liên Hợp Quốc. Và bản tuyên bố của Chính phủ Vương Quốc Anh ngày 3/9/2020 là bản tuyên bố thứ 3 của các quốc gia tuy không trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông nhưng cũng có các lợi ích và lo ngại đối với biển Đông.

Điểm chung trong tất cả các bản công hàm/công thư và tuyên bố của các quốc gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, đó là:

  • Yêu cầu UNCLOS là văn bản quan trọng của luật quốc tế quy định các vấn đề về biển và đại dương trên toàn thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á trong tranh chấp biển Đông và Trung Quốc đều là thanh viên của UNCLOS nên phải có nghĩa vụ áp dụng và tuân thủ UNCLOS.

  • Tất cả các quốc gia này đều phản đối các yêu sách biển phi lý và trái ngược với UNCLOS của Trung Quốc.

  • Tất cả các quốc gia này, (ngoại trừ Malaysia ) đều công khai viện dẫn Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016, và yêu cầu tất cả các bên tôn trọng Phán quyết này.

Trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biển Đông ngày càng dâng cao, cùng với các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng nhiều. Việc Vương Quốc Anh – một quốc gia không nằm trong khu vực biển Đông nhưng cũng đưa ra tuyên bố về các vấn đề pháp lý cho thấy các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng bị nhiều quốc gia chính thức lên tiếng phản đối. Liệu Việt Nam – Quốc gia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN lần này, có thể tích cực vận dụng các yếu tố pháp lý vào trong lần đàm phán sắp tới với Trung Quốc về COC? Để có thể ngăn ngừa các khả năng xung đột tiềm tàng tại đây, đồng thời biến Biển Đông thành khu vực hoà bình, an ninh và phát triển.

RELATED ARTICLES

Tin mới