Hôm 9/9, trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam xuất hiện hình ảnh bản đồ Việt Nam. Bản đồ này có đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng mấy ngày sau thì hai quần đảo này “biến mất”.
Ở tấm ảnh lần đầu được công bố khiến dư luận khá là xôn xao, vì được đăng bởi Đại sứ quán Mỹ. Nhiều người suy diễn, vậy là Washington đã chơi rắn, không ngại gì Bắc Kinh, ngầm thể hiện sự công nhận tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể hơn, cái mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) là trò ăn cướp.
Vậy mà chưa đầy một tuần sau, hôm 15/ 9, sau khi nhiều tờ báo trong và ngoài nước rùm beng về sự việc này, báo này thì khen Mỹ đứng về phía sự thật lịch sử, báo khác nói Mỹ đã chuyển hướng, không chọn phía “trung lập”, trên facebook của Đại sứ quán Mỹ đã không còn bức ảnh bản đồ Việt Nam đăng ban đầu. Một bức ảnh khác không có Hoàng Sa và Trường Sa, hay nói đúng hơn là “zoom in” (thu nhỏ) bản đồ để cho phần vị trí Hoàng Sa và Trường Sa tương ứng bị che lấp. Che bằng cách in một khung chữ lớn ở phía bên phải.
Từ trước đến nay, qua nhiều đời Tổng thống, dù “thân” Việt Nam bao nhiêu Mỹ cũng không bao giờ công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là quan điểm pháp lý từ góc độ của Mỹ, cũng như về ngoại giao, chính trị.
Đến thời Tổng thống Donald Trump, dù luôn muốn làm trọng tài trên Biển Đông nhưng Mỹ vẫn giữ trung lập với các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Theo Dân biểu Mỹ Scott Perry, mới đây trong đề xuất Dự luật H.R.7982 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng kể cả khi Dự luật này được thông qua cũng không thể đứng hẳn về phía nào trong các bên tranh chấp còn lại.
Giả thiết rằng Mỹ có hết giữ vị trí trung lập đi thì họ cũng không thể quay lưng lại với các đồng minh và đối tác khác như Philippines, Malaysia và Brunei để đứng về Việt Nam trong tranh chấp ở Trường Sa. Thái độ của Mỹ chỉ có thể thay đổi nếu những tranh chấp này được giải quyết thông qua sự phán xét của tòa án quốc tế. Muốn vậy, không có cách gì khác, Hà Nội phải đệ đơn kiện.
Vậy bức ảnh có Hoàng Sa, Trường Sa được đăng tải là do đâu? Có thể từ tấm lòng yêu mến Việt Nam, tôn trọng sự thật của người phụ trách trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ, hơn là một hành động không có chủ đích. Còn nếu như có chủ đích thì chẳng bao giờ người ta lại thẳng tay “xóa” Hoàng Sa, Trường Sa như thế!
Xem ra cơ quan ngoại giao của Mỹ cũng khéo chơi “ảo thuật”, về điều này thì Mỹ cũng hành xử theo kiểu Trung Quốc. Họ đã chọn cách “zoom in” bản đồ của Việt Nam để phần vị trí Hoàng Sa và Trường Sa bị che lấp, thay vì xóa thẳng trên bản đồ cũ.
Mất lòng thêm Trung Quốc và một số nước khác là điều Mỹ không mong muốn. Và được lòng Việt Nam thì cũng chỉ ghi nhận thái độ của một cường quốc. Bao giờ Hà Nội “đòi” được Hoàng Sa là câu hỏi dài dài, đòi hỏi ý chí, mưu lược, chứng cứ lịch sử không thể chối cãi và sự ủng hộ thật lòng của các nước ASEAN và thế giới .