Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế Việt khó khăn - Ồ ạt rao bán khách sạn,...

Kinh tế Việt khó khăn – Ồ ạt rao bán khách sạn, các dự án bất động sản

Do tác động bởi dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng khiến nhu cầu rao bán các tài sản BĐS lớn gia tăng, nhất là các khách sạn vừa và nhỏ.

Rầm rộ phát mại tài sản, rao bán dự án

Theo nhận định của giới đầu tư BĐS, chưa năm nào hiện tượng rao bán các khách sạn cũng như các BĐS giá trị lớn lại đang diễn ra mạnh như năm nay trong nhiều năm qua. Làn sóng này được cho là bởi tác động của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sau lần dịch bệnh thứ 2 bùng phát.

Hiện nay thông tin rao bán các BĐS lớn tại các thị trường trọng điểm, trước đây từng là “điểm nóng” như Tp.HCM, Hà Nội hay các thủ phủ du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…tràn ngập trên các trang mạng về BĐS, hoặc trong các room về BĐS trên mạng.

Nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng thời gian qua rơi vào tình trạng khốn đốn do du lịch gần như “đóng băng” để phòng, chống dịch Covid-19. Một con số rất đáng chú ý khi đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng vừa có chia sẻ với tờ Zing, đó là có tới 24,7% trong tổng số 1.080 cơ sở lưu trú đang rao bán do tình hình kinh doanh rất khó khăn, tương đương khoảng 250 – 260 khách sạn/căn hộ/biệt thự.

Thực tế cho thấy, các tuyến phố nhỏ nơi tập trung nhiều các khách sạn 2-3 sao ở Tp.HCM thường là các tài sản được rao bán nhiều, hoặc nhiều khách sạn mini ở trung tâm Đà Nẵng và Nha Trang cũng đang được rao bán rầm rộ. Trên các tuyến phố như Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân hay Lê Thánh Tông ở Tp.HCM có nhiều dự án khách sạn nhỏ được rao bán từ vài chục tỷ đồng cho đến vài trăm tỷ đồng, quy mô khách sạn dưới 100 phòng.

Chẳng hạn khách sạn 3 sao Alagon Saigon Hotel & Spa nằm trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) với quy mô 110 phòng, 8 lầu đang được rao bán với giá 230 tỷ đồng; Gần đó một khách sạn 12 tầng trên đường Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, được chào giá 1.170 tỷ đồng; Một khách sạn quy mô 85 phòng tọa lạc trên đường Võ Văn Tần, quận 3 được rao bán với giá 380 tỷ đồng…

Tương tự tại Hà Nội, nhiều khách sạn nhỏ cũng được rao bán như khách sạn L’Heritage Diamond (Cửa Đông, Hoàn Kiếm) với 12 phòng, 6 tầng được rao bán 66 tỷ đồng; khách sạn 3 sao ở Mã Mây cũng rao bán 34 tỷ đồng; khách sạn Hàng Bè 69 tỷ đồng…

Tại Đà Nẵng, nhiều khách sạn cũng phải rao bán như chủ khách sạn 8 tầng trên đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, rao bán 29 tỉ đồng, một khách sạn 6 tầng trên đường Lê Quang Đạo, quận Ngũ Hành Sơn, gần biển, ngay khu phố du lịch An Thượng cũng được rao bán với giá 33 tỉ đồng, và nhiều khách sạn khác trên các “con đường khách sạn” tại Đà Nẵng như Hồ Nghinh, Hà Bổng, Trần Bạch Đằng, Võ Nguyên Giáp, Hồ Xuân Hương…được rao bán khá nhiều.

Hay mới đây, nhiều ngân hàng cũng ra thông báo phát mãi tài sản. Trong đó, nhiều tài sản là các BĐS lớn hoặc dự án. Đơn cử như Sacombank vừa thông báo bán đấu giá để thu hồi nợ lô đất hơn 6.300m2 có địa chỉ tại số 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, Tân Phú giá khởi điểm là 355 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trước đó, lô đất cũng được chào giá 413 tỷ. Lô đất này của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong. Dự kiến phiên đấu giá được diễn ra vào đầu tháng 10 tới, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt trước 5% giá khởi điểm của tài sản, tương đương 17,75 tỷ đồng. Ngoài ra, Sacombank cũng vừa thông báo phát mại khách sạn Ngân Kiều tại số 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11 (TP.HCM), tổng diện tích sử dụng hơn 4.000 m2, giá khởi điểm cho tài sản này là 122 tỷ đồng.

Không chỉ Sacombank, BIDV và một số ngân hàng khác gần đây cũng đua nhau bán đấu giá tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Như trường hợp dự án có diện tích 834m2 quyền sử dụng trong mảnh đất có diện tích 2.832 m2 tại số 2-4 phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội), giá khởi điểm 98 tỷ đồng, là lần thứ 2 BIDV đấu giá với giá giảm 2 tỷ; Vietcombank mới đây cũng phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa để thu hồi nợ. So với giá thanh lý lần đầu là 44,3 tỷ (tháng 4), giá rao bán lần thứ 5 của ngân hàng đã giảm 8 tỷ, còn 36,3 tỷ đồng…

Không dễ mua

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Cần cho biết, hiện nay thông qua SohoVietnam có rất nhiều nhà đầu tư (là những quỹ đầu tư nước ngoài hoặc giới nhà giàu ở các lĩnh vực khác – PV) quan tâm đến câu chuyện mua lại các tài sản là BĐS, chỉ riêng trong lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ tổng số tiền đang mà các nhà đầu tư này sẵn sàng chi tiêu vào khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng. Tiêu chí mà các nhà đầu tư đặt ra là các tài sản đã xây xong, đang vận hành, hoặc xây dựng dở dang, đất dự án. Quy mô từ 100 – 500 phòng khách sạn tại các địa điểm như Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu…

“Mới đây một quỹ đầu tư nước ngoài có đặt hàng chúng tôi với ngân sách cho việc mua bất động sản tại Việt Nam giai đoạn này vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Tiền thì sẵn sàng nhưng để đi đến một thương vụ mua bán thành công là rất khó khăn, không hề dễ dàng”, ông Cần chia sẻ.

Cũng theo ông Cần, có 2 lý do khiến không có nhiều thương vụ “khớp lệnh” thành công. Một là, thực tế mức độ giảm giá sâu về BĐS chưa đạt được như người mua kỳ vọng. Những tài sản “hoa hậu” ít được rao bán và nhiều tài sản cũng chỉ giảm giá nhẹ. Hai là, nếu như các tài sản rao bán với mức giảm tương đối thì có thể lại gặp vấn đề về pháp lý của dự án.

Nhiều chuyên gia địa ốc nhận định thị trường M&A bất động sản sẽ diễn ra sôi động trong thời khủng hoảng. Tuy nhiên, thực tế thì giao dịch mua bán thành công hiện nay trên thị trường không nhiều. Theo bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam tại Hà Nội, đây là xu hướng diễn ra mạnh, trước khó khăn của thị trường BĐS do đại dịch Covid-19, nhiều dự án rơi vào tình trạng khó khăn về vốn và đây là cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đến các dự án tại Việt Nam, tuy nhiên, do BĐS là tài sản giá trị lớn họ không thể khảo sát hay tiến hành giao dịch trực tuyến, giai đoạn này họ gặp trở ngại do dịch nhưng đích ngắm đã rõ.

Theo khảo sát của Savills Việt Nam, thị trường vốn trong thời gian gần đây ghi nhận ngày càng nhiều các giao dịch mua bán cổ phần từ 49-76%, không giới hạn việc cần phải mua toàn bộ dự án.Tiến sỹ Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, trong nửa cuối năm, một số giao dịch M&A sẽ thuận buồm xuôi gió.Thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021 – 2022.

RELATED ARTICLES

Tin mới